Trong khi cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng, các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt, thì tình hình trên Quốc đảo Solomon cũng đang nóng bỏng. Liệu có xảy ra “hiệu ứng Ukraine” khi Úc, New Zeland và Trung Quốc liên tục lên án lẫn nhau về việc Trung Quốc-Solomon ký Hiệp ước an ninh?
Sau khi Chính phủ Úc phản đối Hiệp ước an ninh được ký kết giữa Trung Quốc với quần đảo Solomon nằm “sát bên lưng” mình, phía Trung Quốc đã lập tức giáng trả. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: việc Canberra phản đối hiệp ước an ninh của họ với Solomon là vi phạm chủ quyền. Úc phải nhớ rằng, họ không có quyền đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào với Trung Quốc.
Hôm 28/4, tờ South China Morning Post, bình luận: Việc Úc phản đối Hiệp ước an ninh của họ với quần đảo Solomon là một “sự vi phạm chủ quyền do thực dân gây ra” (!). Trước đó, Bắc Kinh đã vô cùng tức giận khi Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố, nếu Trung Quốc cho xây dựng một căn cứ quân sự ở Solomon thì đây sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Canberra.
Một nhân vật ít xuất hiện trước báo giới là ông Đàm Khắc Phi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nhấn mạnh, thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ hải quân trên quần đảo Solomon là “giả mạo hoàn toàn”. Theo ông Đàm, truyền thông Úc đang cố tình bóp méo sự thật, làm gia tăng căng thẳng. Nhà cầm quyền Úc phải chịu trách nhiệm về sự vu cáo này. Bản chất của sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Solomon là theo Hiệp ước an ninh mới. Hiệp ước này chỉ nhằm tới một mục tiêu duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai.
Ở cấp cao hơn, Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tạ Phong phát biểu tại một sự kiện trực tuyến với chính quyền các quốc đảo Thái Bình Dương, cho biết, việc đàm phán và ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh là “quyền thiêng liêng của hai quốc gia có chủ quyền”, phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, không ai có quyền chỉ trích Trung Quốc.
Ông Tạ Phong khẳng định, thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon là “cởi mở, minh bạch và không nhắm mục tiêu vào các bên thứ ba”. Ông Tạ khôn khéo lái sang chuyện “biến đổi khí hậu”. Rằng, Bắc Kinh hiểu rõ những thách thức về biến đổi khí hậu mà các quốc đảo đang phải đối mặt và sẵn sàng trợ giúp với tư cách là một người bạn, một đối tác và một người anh em tốt.
Ấy là cách lèo lái của Bắc Kinh xưa nay khi gặp phản ứng của các bên liên quan. Nhưng một sự kiện lớn như ký Hiệp ước an ninh đâu phải cái kim trong bọc mà có thể giấu nhẹm. Một tuyên bố chung, Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand đã được thực hiện ngay sau đó. Tuyên bố này cáo buộc thoả thuận giữa Bắc Kinh và Solomon gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với mục tiêu xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Washington cảnh cáo, nếu Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự dài hạn hay phát triển sức mạnh quân sự ở đây, thì Mỹ sẽ không để yên. Còn Tokyo hôm 25/4 nói trắng ra rằng, thỏa thuận giữa Solomon với Bắc Kinh ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính quyền New Zealand thì nêu lên mối lo ngại về nguy cơ Hiệp ước an ninh có thể gây bất ổn cho khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton nói cụ thể hơn: “Thực tế Trung Quốc đã thay đổi và trở nên cực kỳ hung hăng. Bắc Kinh thường xuyên can thiệp các hoạt động nước ngoài, sẵn sàng hối lộ để đạt được mục tiêu của mình”.
Cuộc “kéo co” giữa một bên là Trung Quốc và quốc đảo Solomon, bên kia là Úc, New Zeland, Mỹ vẫn đang ở bước khởi động. Dường như cả hai bên đều đang thế thủ và chưa dồn hết sức.
Vì sao Bắc Kinh quyết giành cho bằng được Solomon, một quốc đảo nhỏ, nghèo, dân số rất ít? Xin thưa, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã muốn tranh thủ thâu tóm các đảo quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương. Nếu nắm được các đảo này thì sẽ mở rộng ảnh hưởng trong vùng. Từ đó có thể cạnh tranh quyết liệt với Mỹ, Australia và New Zealand.
Không phải không có lý khi truyền thông Úc đưa thông tin khá đậm và bình luận rằng, cần cảnh giác về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại quần đảo Solomon – một hiệu ứng Ukraine (!).
Xin lưu ý, dự thảo Hiệp ước hợp tác an ninh Trung Quốc – Quần đảo Solomon là một bản thỏa thuận mang tính một chiều. Trong bản thỏa thuận đó, Trung Quốc đưa ra một loạt yêu cầu về những vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Còn chính phủ Solomon chỉ việc nhìn vào đó để trả lời là “đồng ý” hay “không đồng ý”. Tuy dự thảo Hiệp ước an ninh phải được Quốc hội Solomon thông qua trước khi được ký kết, nhưng giới chuyên gia an ninh trong khu vực cho rằng đó chỉ là thủ tục. Chắc chắn rằng, sẽ không có sự phản đối nào đối với các yêu cầu do Trung Quốc đưa ra.
Mới đây, phát biểu trên truyền thông, Adern – Nữ Thủ tướng trẻ New Zeland, 42 tuổi – đặt vấn đề, “liệu New Zealand có chấp nhận được hay không nếu Trung Quốc đồn trú quân sự ở Solomon?”. Bà Adern cũng cho biết, New Zealand đã tiếp xúc trực tiếp với Quốc đảo Solomon ở cấp lãnh đạo để bày tỏ sự quan ngại về hướng đi của Quốc đảo này trong hiệp ước hợp tác an ninh trên.
Còn Thủ tướng Úc Scott Morrison nói trên truyền thông rằng, việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác an ninh với Solomon làm nổi rõ áp lực cạnh tranh giữa các lợi ích trong khu vực. Xin khẳng định sự cạnh tranh này làm tổn hại lợi ích quốc gia của Úc.
Mặc cho các bên liên quan phản ứng dữ dội, Trung Quốc vẫn kiên trì chiến lược ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt”. Bắc Kinh mong muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và không ngần ngại rót tiền viện trợ bằng nhiều hình thức hoặc đầu tư xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng phục vụ chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Mới đây, Trung Quốc có động thái hỗ trợ khí tài, huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát Solomon gây tranh cãi. Từ năm 2000, tại quốc đảo Solomon đã cấm vũ khí sát thương sau một cuộc bạo loạn sắc tộc gây thương vong lớn. Vậy mà giờ đây, với lô vũ khí do Trung Quốc viện trợ cho lực lượng cảnh sát, liệu Solomon còn cấm loại vũ khí này?
Sự cạnh tranh của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà đã chuyển hướng sang cả Thái Bình Dương. Nhận rõ sự cạnh tranh ráo riết đó, Washington tuyên bố sẽ mở đại sứ quán tại Solomon để bảo vệ các lợi ích tại đảo quốc này cũng như trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Đương nhiên, đó chỉ là một việc cụ thể, việc nhỏ, ví như việc ấn vào tay các vận động viên kéo co một viên thuốc tăng lực. Một chiến lược bài bản của Lầu Năm Góc đã đang được tính toán.
H.Đ