Dồn dập tin tức, hình ảnh những điểm du lịch trên cả nước ken đặc người liên tục được thông tin trong suốt cả tuần trước và trong lễ 30.4 – 1.5. Du lịch Việt Nam đã hồi sinh, không còn chút dấu vết của “những đêm dài Covid”.
Khách tăng đột biến
Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc dùng từ “đột biến” khi nói về lượng du khách tới đảo ngọc những ngày lễ vừa qua. Từ trước lễ 1 – 2 ngày, các cơ sở lưu trú, khu resort có quy mô, số lượng phòng lớn của Vingroup, Sun GrouBãi tắm Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghịt du khách.p, Ceogroup… tại Phú Quốc đã hết phòng.
Đặc biệt là ngày 29.4, có khoảng 180 – 190 chuyến bay đến Phú Quốc, chủ yếu là khách du lịch. Các tàu, phà cao tốc cũng tăng tối đa tần suất chuyến. Ước tính trong 2 ngày 29 và 30.4, lượng khách tới Phú Quốc trung bình mỗi ngày đạt từ 35.000 – 40.000 khách. Trong 4 ngày lễ, đảo ngọc đón khoảng 140.000 du khách, tập trung chủ yếu là khách nội địa.
Lý giải về độ “hot” của Phú Quốc, ông Hưng nhận định sau thời gian dài dịch bệnh, hiện nay mọi người “ghiền” đi chơi. Bên cạnh đó, các điểm vui chơi, lưu trú tại Phú Quốc có nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá phòng, giá dịch vụ từ 20 – 30%, thậm chí có nơi giảm 40 – 50%.
Tuy vậy, yếu tố chính giúp Phú Quốc thu hút rất nhiều du khách tới tham quan là nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động đưa ra các chương trình, sản phẩm mới do nhận định kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 này là thời điểm vàng để khôi phục hoạt động du lịch. Đơn cử, phân khu chủ đề Exotica Village của
Sun World Hon Thom Nature Park vừa ra mắt thêm một trò chơi mới là Mắt đại bàng, phục vụ du khách trong dịp lễ 30.4. Hay khu VinWonders ở Phú Quốc vừa khánh thành cung điện Hải Vương, một trong những thủy cung lớn nhất thế giới với tạo hình rùa biển khổng lồ…
“Thời gian qua, Phú Quốc đã thành công trong việc thu hút các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư những sản phẩm du lịch đỉnh cao, mang tầm quốc tế. Vingroup, Sun Group cùng nhiều tập đoàn khác đã chi hàng tỉ USD để hình thành nên những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, những điểm đến với nhiều trải nghiệm độc nhất vô nhị, hiện đại, độc đáo, cao cấp”, ông Hưng đánh giá.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết trong dịp lễ 30.4 – 1.5 năm nay, hoạt động du lịch Đà Nẵng sôi động, nhộn nhịp với nhiều chương trình, sự kiện đặc sắc, mới lạ. Trong thời gian từ 27.4 – 3.5, có khoảng 600 chuyến bay nội địa và quốc tế đưa khách đến Đà Nẵng. Công suất phòng khối khách sạn, resort 4 – 5 sao đạt khoảng 70 – 75%, trong đó khách sạn ven biển đạt trên 90%. Theo ông Bình, việc làm mới, đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch đóng vai trò rất quan trọng đối với du lịch Đà Nẵng. Trong đó, sự đóng góp cũng như nỗ lực không ngừng để đổi mới của các DN như Sun Group, Vingroup đã làm thay đổi diện mạo du lịch của Đà Nẵng.
Dịp lễ này, khu du lịch Sun World Ba Na Hills thu hút hàng trăm ngàn lượt khách nhờ ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như: Cổng Thời gian – nơi bắt đầu hành trình trải nghiệm thế giới siêu thực; Lâu đài Mặt Trăng cùng loạt game đua đẳng cấp quốc tế; Thác Thần Mặt trời – quần thể hơn 40 bức tượng vàng với chủ đề huyền thoại Hy Lạp, song song là tổ chức Lễ hội ẩm thực và bia B’estival tại Quảng trường Beer Plaza…
“DN năng động, đầu tư đột phá cho sản phẩm, dịch vụ để liên tục đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Đây chính là những thỏi nam châm thu hút khách trở lại nhiều lần”, ông Bình nhận xét.
Niềm vui trở lại
Du lịch nhộn nhịp trở lại, đời sống người dân nói riêng và kinh tế nhiều địa phương cũng bắt đầu khởi sắc trở lại. Anh Hoàng Khắc Ba, chủ cửa hàng hạt dẻ tại TX.Sa Pa (Lào Cai), cho biết năm nay Sa Pa lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Hoa hồng Fansipan hoành tráng, quy tụ hơn 10.000 gốc hồng leo cùng hơn 1,5 ha hồng cổ Sa Pa và gần 100 giống hồng ngoại từ nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Nhật… Khách đến nườm nượp, du lịch Sa Pa trở lại đông vui khiến việc làm ăn của anh cùng gia đình khởi sắc trở lại.
“Thời dịch bệnh, hàng quán ở Sa Pa đóng cửa hết, buồn lắm, không có kinh tế. Giờ khách trở lại tạo nên không khí nhộn nhịp, hàng hóa bán được nhiều hơn, cuộc sống đảm bảo hơn”, anh Ba nói. Trong 2 ngày nghỉ lễ 30.4 – 1.5, Sa Pa đã đón khoảng 58.000 lượt khách với tổng doanh thu ước tính từ các dịch vụ du lịch khoảng 115 tỉ đồng.
Tại Phú Quốc, lãnh đạo TP cũng ghi nhận thời gian này, khi khách du lịch tăng đột biến, nhu cầu tiêu thụ hải sản, nông thủy sản tại Phú Quốc cũng tăng, kéo theo công ăn việc làm của người dân ổn định, sản phẩm sản xuất ra cũng đạt mức giá tốt. Hoạt động ăn uống, buôn bán, mua sắm đồng bộ sôi động trở lại. Song song đó, ngành vận tải thời gian qua gặp nhiều khó khăn cũng sẽ sớm được vực dậy.
“Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Phú Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao, trung bình mỗi năm tăng khoảng 25 – 35%. Trong đó, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng tăng cao nhất, khoảng hơn 40%. Bên cạnh các sản phẩm du lịch độc đáo hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, show diễn thời trang, các hoạt động văn hóa gắn với hội thảo, hội nghị… Bắt đầu qua tháng 5, sẽ có nhiều chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc và tới dịp nghỉ đông, lễ Giáng sinh, trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, sẽ có dòng khách quốc tế lớn đến với Phú Quốc”, ông Huỳnh Quang Hưng thông tin.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, chia sẻ hơn 2 năm qua, Sun Group đã chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Do vậy, hơn ai hết, ông cùng đội ngũ cộng sự rất vui mừng và xúc động khi thấy du lịch bắt đầu hồi phục.
“Trong thời gian qua, tập đoàn đã liên tục cùng các địa phương trên cả nước dồn nguồn lực đầu tư để tạo nên các sản phẩm mới mẻ, đẳng cấp, nhằm thu hút khách du lịch, gia tăng thời gian lưu trú của du khách, đồng thời kích thích sự phát triển của các ngành dịch vụ phụ trợ”, ông Trường nói.
Lực đẩy bứt phá kinh tế
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, qua kết quả khảo sát, tính đến năm 2019, du lịch cơ bản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng với tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GRDP thành phố đạt 13,6%, đóng góp gián tiếp đạt 17,7%. Suốt thời gian dài trước dịch bệnh, Đà Nẵng là TP phát triển dựa vào dịch vụ với tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ chiếm hơn 60%, cao hơn tỷ lệ 40% của toàn quốc, trong đó, cơ cấu ngành “Dịch vụ lưu trú và ăn uống” của Đà Nẵng cao hơn tỷ trọng chung của cả nước. Trước ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất với những khoảng thời gian ngưng hoạt động hoàn toàn vì giãn cách xã hội, đến năm 2020 tăng trưởng của khu vực dịch vụ là âm 5,45%, kéo theo kinh tế Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng âm.
“Với việc quyết liệt triển khai hàng loạt giải pháp để vực dậy ngành du lịch trong năm 2022, Đà Nẵng kỳ vọng ngành công nghiệp không khói này sẽ sớm phục hồi và tiếp tục phát triển, qua đó lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác, giúp tăng trưởng kinh tế. Đồng thời tạo thêm việc làm và góp phần làm thay đổi tích cực đối với xã hội TP”, ông Bình nhấn mạnh.
Kể lại những chuyến bay công tác đến một số tỉnh miền Trung trong 2 tuần qua, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch hào hứng: “Tất cả chuyến bay đều được lấp đầy, sân bay Tân Sơn Nhất rất nhộn nhịp. Đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch nói riêng cũng như kinh tế cả nước nói chung”.
Theo ông, du lịch phục hồi sẽ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của cả nước phát triển như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Nếu du lịch phục hồi tốt, kinh tế sẽ dần khởi sắc, đời sống người dân được bình ổn, từ đó VN có thể xử lý nguy cơ lạm phát, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. “Chủ trương phục hồi, mở cửa du lịch VN vừa qua là đúng hướng. Cộng với những nỗ lực tích cực của DN đã mang lại kết quả khích lệ khi lượng khách du lịch nội địa đã dần hồi phục. Theo thời gian, khi nhiều quốc gia cũng mở cửa hoàn toàn thì lượng khách quốc tế sẽ gia tăng, du lịch sẽ trở lại như trước khi có dịch Covid-19”, TS Trần Du Lịch nhận định.
T.P