Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động sản xuất công nghiệp của TQ suy giảm

Hoạt động sản xuất công nghiệp của TQ suy giảm

Hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc sụt giảm nhanh hơn trong tháng 4 do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa chống dịch trên diện rộng.

Công nhân kiểm tra sản phẩm nhôm cuộn bên trong một nhà máy ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo phản ánh của đài CNBC, dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua đã làm tê liệt hoạt động sản xuất công nghiệp của nhiều nhà máy ở Trung Quốc, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ suy giảm mạnh trong quý II/2022 và ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 4 đã đánh dấu tháng sụt giảm thứ hai liên tiếp khi giảm xuống còn 47,4 điểm, từ mức 49,5 trong tháng 3. Kết quả PMI tháng 4 cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy ngành/lĩnh vực kinh doanh được khảo sát đang dần thu hẹp lại và “sức khỏe” dần suy giảm.

Trong khi đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp tư nhân gần đây của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Caixin cho thấy hoạt động của các nhà máy sụt giảm sâu nhất trong vòng 26 tháng qua, với chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Những kết quả này báo hiệu sự suy yếu ở một trong số ít điểm sáng (xuất khẩu) của nền kinh tế Trung Quốc.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhận định, sự gián đoạn (nguồn cung) do dịch Covid-19 có căn nguyên từ sự suy giảm đáng kể về cả cung và cầu sản xuất. Cơ quan này cho rằng: “Một số công ty đã gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và linh kiện quan trọng, doanh số bán thành phẩm và hàng tồn kho gia tăng” và các vấn đề sẽ được cải thiện khi đại dịch được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ được triển khai.

Hàng chục thành phố lớn của Trung Quốc được cho là đang trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần do nước này áp dụng chính sách chống dịch nghiêm. Khi hàng trăm triệu người sinh sống ở các khu vực bị phong tỏa, thì đồng nghĩa chi tiêu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Và đây cũng là lý do khiến giới phân tích tài chính hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo tổng hợp của đài CNBC từ dữ liệu của 9 tổ chức tài chính quốc tế, tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 4,5%, thấp hơn so với mục tiêu chính thức mà chính quyền Trung Quốc đề ra là 5,5%.

Trong đó, Tập đoàn Nomura (Nhật Bản) đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp hơn hẳn, chỉ ở mức 3,9% trong năm 2022, giảm so với dự báo tăng trưởng 4,3% trước đó. Ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng từ Nomura, lý giải: “[Chiến lược zero – Covid] được thực thi nghiêm ngặt gây ra cú sốc lớn về nguồn cung đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung, đặc biệt là đối với các thành phố đang bị phong tỏa toàn bộ và một phần”.

“Cú sốc nguồn cung này có thể làm suy yếu thêm nhu cầu về nhà ở, hàng hóa lâu bền và hàng hóa vốn do thu nhập giảm và bất ổn gia tăng”, ông Ting Lu cảnh báo.

Tháng 3/2022, Trung Quốc chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Thượng Hải, nơi có cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bùng phát. Các đợt phong tỏa hoàn toàn và từng phần ở Thượng Hải được tiến hành khoảng 1 tháng trước và tiếp tục kéo dài đến nay mà chưa có hồi kết.

Trong số 9 tổ chức tài chính được đài CNBC tổng hợp dữ liệu, Tập đoàn dịch vụ tài chính UBS (Thụy Sĩ) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc nhiều nhất, với mức giảm 0,8 điểm phần trăm xuống 4,2% do lo ngại áp lực suy giảm ngày càng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tương tự, Tập đoàn dịch vụ tài chính Bank of America (Mỹ) cũng đã hạ 0,6 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 4,8% trong năm 2022. “Ngay cả khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được thu hồi và các hoạt động kinh tế sẽ dần bình thường hóa vào giữa năm này, thì thiệt hại nặng nề đối với tăng trưởng dường như không thể tránh khỏi”, Bank of America đánh giá.

Đáng chú ý, Công ty bảo hiểm tín dụng và dịch vụ trái phiếu Allianz Trade (Pháp) cũng đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ trong vài tháng qua. Gần đây nhất vào ngày 26/4 Allianz Trade hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống 4,6%, từ mức dự báo 4,9%. Trước đó vào đầu năm nay, Allianz Trade ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm sẽ đạt 5,2%.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lần thứ hai hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 4,4%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo hồi tháng 1.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới