Ông Duterte đang trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống. Thời điểm này, đánh giá việc khác cần thêm thời gian, nhưng về ngoại giao, chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte, có thể nói, coi như đã thất bại.
Suy cho cùng, những người nghĩ như trên đâu phải phụ bạc, thiếu công bằng với vị tổng thống sắp kết thúc nhiệm kỳ của mình. Cử tri Philippines từng hồ hởi, từng hy vọng, thậm chí từng kỳ vọng vào ông Duterte rất nhiều, khi ông thắng cử trong cuộc đua vào ghế tổng thống quyền lực cách đây 6 năm, cũng là lúc Tòa trọng tài PCA (thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển, viết tắt là Unclos 1982) ra Phán quyết vụ kiện Trung Quốc của Philippines sau khi nước này bị Trung Quốc dùng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough năm 2012. Với đà thắng đó, về mặt ngoại giao, những tưởng tân tổng thống sẽ làm mọi cách để phát huy thắng lợi của đất nước, để ít nhất, chưa đòi lại được Scaborough, thì cũng khiến Bắc Kinh phải dè chừng, bớt hung hãn, ngang ngược, gây hấn với Philippines.
Nhưng người dân Philippines đã chỉ giữ được hy vọng với ông Duterte độ hơn năm đầu của nhiệm kỳ khi nghĩ là những bước đi ngoại giao lắt léo mà ông Duterte chủ trương, trong đó có cả việc to gan đút phán quyết của PCA vào gầm bàn, có thể mang về cho đất nước tới 24 tỷ USD từ cam kết viện trợ của Trung Quốc, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), để vực dậy nền kinh tế Philippines đang khó khăn.
Hai năm sau chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong cương vị tổng thống, tháng 8/2019, một lần nữa, dư luận Philippines, một mặt phản ứng, cho là ông Duterte mất cảnh giác trong cái gọi là thực hiện “biên bản ghi nhớ về phát triển tài nguyên chung với Trung Quốc trên Biển Đông”, nhưng mặt khác, tiếp tục nuôi hy vọng sẽ tận mắt, tận tay nhìn và sờ thấy núi bạc khổng lồ ồ ạt đổ vào. Cũng vì hy vọng thế mà nhiều người dân Philippines đã phần nào thể tất cho những tuyên ngôn chẳng xứng danh chút nào trách nhiệm của đứng đầu đất nước khi ông Duterte bỏ qua vụ nghi là tàu dân quân biển của Trung Quốc trá hình tàu cá, đâm chìm tàu Philippines hành nghề tại ngư trường truyền thống khu vực bãi Cỏ Rong, tháng 6/2019, khiến 22 ngư dân Philippines suýt thiệt mạng.
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Giới hạn càng là cuối cùng, khi càng chờ càng xa vắng, chẳng thấy đâu, bóng dáng tiền của Trung Quốc đổ vào như đã hứa. Cử tri và người dân Philippines, có người đã thống kê và thông tin rằng, tận cuối năm 2021 vắt sang năm 2022, những lời hữu hảo, lạc quan của giới lãnh đạo hai bên, Bắc Kinh và Manila đã không hề thông qua được một kế hoạch hay dự án hạ tầng đáng gọi là quy mô, bề thế. Những gì đạt được, coi như chỉ là món bạc vụn Bắc Kinh “thí” cho Manila.
Thực ra, Philippines có thể đạt được điều gì đó nhiều hơn. Nhưng ông Duterte không thể đáp ứng điều kiện “bia kèm lạc” mà Trung Quốc đơn phương đòi hỏi, Nói cách khác, muốn nhận được viện trợ lớn, Manila phải nhượng bộ Trung Quốc, kể cả nhượng bộ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines – điều mà ông Duterte – dù to gan đến mấy cũng không thể, khi từng chứng kiến những cơn giận dữ của người dân nước này đối với sự bạo ngược của Trung Quốc.
Viện trợ kinh tế, coi như không! Còn sự thân thiện, nhún nhường của ông Duterte với Trung Quốc, trong thực tế, cũng chẳng làm Trung Quốc bớt ngỗ ngược hơn, trong đó, “vụ Cỏ Rong” là một điển hình.
Ngoài “vụ Cỏ Rong”, cũng điển hình không kém, là vụ Trung Quốc điều gần 300 tàu dân quân biển trá hình tàu cá, ken dày, ở lỳ trong khu vực đá Ba Đầu mà Philippines tuyên bố chủ quyền, không chỉ đầu năm 2021, mà còn hàng năm trước đó. Gần đây, cuối năm 2021, Manila càng như điên đầu thêm trước việc Trung Quốc hoàn thành quân sự hóa nhiều cấu trúc trên Biển Đông mà một số bên, trong đó có Philippines tuyên bố chủ quyền, cũng như việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây…
Chứng kiến, thấm thía những gì Trung Quốc đã và đang làm, tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN năm 2021, Tổng thống Philippines đã nóng nẩy đến mức tuyên bố thẳng tưng “ghét cay ghét đắng” hành vi quấy rối các tàu chiến và ngư dân Philippines ở Biển Đông; cảnh báo rằng điều đó “không có lợi cho mối quan hệ giữa các nước chúng ta và quan hệ đối tác của chúng ta (Trung Quốc và Philippines); Philippines “vô cùng quan ngại nếu những sự kiện tương tự xảy ra”…
Nhưng muộn mất rồi, khi tận cuối nhiệm kỳ, ông Duterte mới ngộ ra được một điều lẽ ra phải biết ngay từ khi ngồi vào ghế tổng thống: Chơi với Trung Quốc cần phải như thế nào?
T.V