Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới (Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY), Kíp Lào (LAK), Riel Campuchia (KHR)) hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 140/2000/QĐ-TTg ngày 08/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2001/TT-NHNN ngày 31/8/2001 của NHNN. Theo đó, công dân Việt Nam là cư dân biên giới, có địa điểm đặt bàn đổi tiền tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu và có vốn tiền mặt tối thiểu 50 triệu đồng được NHNN chi nhánh tỉnh biên giới xem xét, cấp giấy phép hoạt động bàn đổi tiền cá nhân.
Trong giai đoạn mạng lưới hoạt động của các ngân hàng tại khu vực biên giới còn chưa phát triển, hoạt động của bàn đổi tiền cá nhân tại khu vực biên giới nhằm phục vụ nhu cầu thu đổi nhỏ lẻ tiền của nước có chung biên giới, chủ yếu để thanh toán cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống sản xuất, kinh doanh buôn bán nhỏ của cư dân biên giới cũng như khách du lịch qua lại hai bên khu vực biên giới.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại tại khu vực biên giới đã mở rộng và phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế khu vực biên giới. Nhu cầu về ngoại tệ để đáp ứng các mục đích hợp pháp của người dân được đáp ứng đầy đủ. Do đó, việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ thực hiện thanh toán hoàn toàn qua hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua ngân hàng đã thu nhỏ quy mô hoạt động của bàn đổi tiền cá nhân. Cho đến nay, hoạt động của bàn đổi tiền cá nhân đã hoàn thành vai trò lịch sử.
Về mặt cơ sở pháp lý, đến nay không có quy định cho phép cá nhân được thành lập mới bàn đổi tiền của nước có chung biên giới. Pháp lệnh Ngoại hối đã quy định rõ ngoài TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chỉ có các tổ chức mới được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối sau khi được NHNN chấp thuận.
Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Pháp lệnh ngoại hối, quy định pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Nghị định quy định đối tượng được thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là tổ chức kinh tế (TCKT) theo nguyên tắc TCKT làm đại lý đổi ngoại tệ cho TCTD sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định và trên cơ sở ký hợp đồng đại lý với chi nhánh ngân hàng biên giới của TCTD được phép.
Điều kiện thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền
Dự thảo Nghị định đề xuất 02 điều kiện chính đối với TCKT thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới gồm:
– Điều kiện về trụ sở chính hoặc chi nhánh: TCKT có trụ sở chính tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh biên giới; hoặc có trụ sở chính và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới; hoặc có trụ sở chính tại tỉnh biên giới và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên cùng địa bàn một tỉnh biên giới.
– Điều kiện về địa điểm đặt đại lý đổi tiền: Có địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu thuộc trụ sở chính, chi nhánh.
Ngoài ra, điều kiện đối với TCKT làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới có nhiều nội dung tương tự với điều kiện đối với TCKT làm đại lý đổi ngoại tệ như: Có quy trình nghiệp vụ đổi tiền, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi tiền; có bảng thông báo tỷ giá công khai; được TCTD được phép ủy quyền làm đại lý…
Thời gian chuyển tiếp đối với các bàn đổi tiền cá nhân là 06 tháng
Dự thảo Nghị định quy định thời gian chuyển tiếp đối với các bàn đổi tiền cá nhân là 06 tháng. Sau thời gian này, các bàn đổi tiền cá nhân phải chấm dứt hoạt động. Cá nhân có nhu cầu tiếp tục thực hiện hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới phải thành lập tổ chức kinh tế để được NHNN chi nhánh tỉnh biên giới xem xét, cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Quy định này nhằm mục đích để các bàn đổi tiền cá nhân có đủ thời gian cần thiết điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo định hướng mới của Chính phủ, hạn chế tác động tiêu cực đến các cá nhân đã được cấp phép và đời sống của người dân khu vực biên giới; hệ thống TCTD cũng có thời gian thiết lập các điều kiện cần thiết cho hoạt động ủy quyền đại lý đổi đồng tiền của nước có chung biên giới; đồng thời các cơ quan chức năng trên địa bàn có thời gian sắp xếp, có kế hoạch quản lý hoạt động đại lý đổi tiền theo mô hình mới.
Bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm của TCKT làm đại lý đổi tiền
Để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi quy định liên quan đến xử lý vi phạm quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo đó, bãi bỏ các hành vi vi phạm đối với bàn đổi ngoại tệ cá nhân và bổ sung các hành vi vi phạm đối với TCKT làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
T.p