Nhật Bản và Đài Loan cho biết Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều nhóm tàu sân bay Liêu Ninh, bao gồm 8 tàu hải quân, vào Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cho biết trong một tuyên bố hôm 03/05 rằng, 8 tàu hải quân của Trung Quốc, trong đó có một tàu sân bay, đã đi qua giữa các đảo trong chuỗi đảo Okinawa phía nam Nhật Bản hôm 02/05.
Theo tuyên bố này, hôm 01/05 tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tác chiến gồm 5 tàu hải quân của nó lần đầu tiên được phát hiện cách các đảo Danjo của tỉnh Nagasaki khoảng 350 km (217 dặm) về phía tây nam. Vào cuối ngày 01/05 và đầu ngày 02/05, một tàu khu trục khác đã gia nhập hạm đội tàu này.
Trong số các tàu hải quân Trung Quốc bị quân đội Nhật Bản phát hiện có tàu khu trục tên lửa dẫn đường cỡ lớn Type 055 Nam Xương, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D Thành Đô và tàu tiếp tế chiến đấu nhanh Type 901.
Mặc dù không có hành vi xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, nhưng Bộ tuyên bố rằng ít nhất một tàu hải quân đã cập bờ trong phạm vi 160 km (99 dặm) từ Đảo Taisho gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Quần đảo Điếu Ngư, tờ The Japan Times đã đưa tin.
Bộ này tuyên bố rằng Nhật Bản đã triển khai tàu sân bay hạng nhẹ Izumo, máy bay tuần tra hàng hải P-1, và máy bay chống tàu ngầm P-3C để giám sát hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã ban hành cảnh báo vô tuyến và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh, bao gồm 8 tàu hải quân, là “nhóm tàu lớn nhất ra khơi xa trong số các chuyến đi gần đây”.
Ông Cao Tú Thành (Gao Xiucheng), một phát ngôn viên của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết hôm 03/05 rằng các tàu hải quân này đang tham gia huấn luyện tác chiến định kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Ông Cao nói rằng việc triển khai quân sự này là phù hợp với luật pháp quốc tế và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên nào.
Các căng thẳng giữa Đài Loan tự quản và Bắc Kinh ngày càng leo thang, khi Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cam kết sẽ chinh phục hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trong một diễn biến khác về mối quan hệ bền chặt giữa chính phủ Bắc Kinh và chính phủ Quần đảo Solomon, các quan chức ở cả hai quốc gia đã ký kết xây dựng một trung tâm y tế mới ở Bệnh viện Chuyển tuyến Quốc gia tại thủ đô Honiara.
Đây là bệnh viện lớn nhất ở quốc gia Thái Bình Dương này, với 300 giường bệnh và 50 bác sĩ ở trung tâm mới tập trung chẩn đoán các vấn đề về tim mạch trước khi mở rộng cung cấp các dịch vụ chuyên khoa thận và các bệnh không lây nhiễm khác.
Trong khi đó, hôm 03/05, các đại biểu Nhật Bản cũng đã ký kết về các nghiên cứu ban đầu để xây dựng Bệnh viện Kilu’ufi ở tỉnh Malaita lân cận.
Các hành động của Tokyo và Bắc Kinh phản ánh một cuộc chiến đang diễn ra nhằm gây ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương giữa các quốc gia dân chủ và ĐCS Trung Quốc.
Các mối lo ngại đã tăng cao đáng kể trong những tuần gần đây sau khi một hiệp ước an ninh giữa ĐCS Trung Quốc và chính phủ Quốc đảo Solomon được ký kết. Hiệp ước này có thể mở đường cho quá trình quân sự hóa khu vực Nam Thái Bình Dương tương tự như ở Biển Đông.
Theo một bản dự thảo bị rò rỉ của “Hợp tác An ninh giữa Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC)”, Bắc Kinh sẽ có thể điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí, và thậm chí cả chiến hạm hải quân với sự đồng ý của Quần đảo Solomon, để “bảo vệ sự an toàn của các nhân viên và các dự án lớn của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon”.
Quần đảo Solomon là địa điểm diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt trong Thế chiến II – gây thương vong cho 7,000 người thuộc các lực lượng của phe Đồng minh – bởi vì vị trí chủ chốt của quần đảo này và ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển trọng yếu.
T.P