Các chuyên gia y tế đã cố tình chẩn đoán sai bệnh nhân bị hôn mê sâu và hoàn toàn không có phản ứng, để lấy nội tạng của họ khi vẫn còn sống. Đây là kết luận gây sốc mà các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi hoàn thành một cuộc điều tra kỹ lưỡng.
Đại học Quốc gia Úc gần đây đã công bố nghiên cứu được cho là đầu tiên trên thế giới phơi bày quá trình Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuyển từ việc hành quyết thông qua xử bắn sang giết người trong các phòng mổ.
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ – nhà nghiên cứu Matthew Robertson và bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tim người Israel Jacob Lavee đã phát hiện ra các bác sĩ cấy ghép xác nhận sai nguyên nhân tử vong theo quy trình y tế được liệt kê tại 56 bệnh viện trên khắp Trung Quốc.
Theo báo cáo, các chuyên gia y tế [Trung Quốc] ban đầu đã cắt bỏ tim, thận, gan và các nội tạng sống khác mà không có sự đồng ý. Thật không may, những điều này đều đã dẫn đến cái chết của bệnh nhân.
Thuật toán và điều tra pháp y
Sau khi thực hiện một cuộc tìm kiếm theo thuật toán và pháp y trên 2.838 bài báo nghiên cứu từ 124.770 ấn phẩm cấy ghép bằng tiếng Trung, Robertson và Lavee đã đưa ra những phát hiện chấn động. Họ cũng phát hiện ra “những khai báo có vấn đề về chết não trong quá trình thu hoạch nội tạng.”
“Chúng tôi đã ghi nhận 71 mô tả tuyên bố sai lệch về chết não trước khi hoạch tim và phổi… [và,] với sự thật là những người hiến tặng không thể đã chết não trước khi thu hoạch nội tạng, không thể có cơ sở y học nào cho tuyên bố chết não,” họ cho biết trong nghiên cứu được xuất bản bởi Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ. “Trong những trường hợp này, cái chết chỉ được gây ra bởi các bác sĩ phẫu thuật lấy nội tạng.”
Hai ông đã tiết lộ rằng Đài Loan ghi nhận 51 vụ hành quyết bằng cách xử bắn vào năm 2011. Các tử tù được gây mê, bắn vào đầu để bảo tồn chức năng tim, và kiểm tra trong vòng 20 phút sau khi hành quyết trước khi được tuyên bố là đã chết hợp pháp và được đưa đến bệnh viện gần đó để thu hoạch nội tạng.
“Vấn đề mà các tác giả xác định là bản chất không đáng tin cậy của việc gây chết não bằng cách xử bắn: viên đạn xuyên qua xương thái dương của hộp sọ sẽ không tới thân não, do đó, một cái chết trực tiếp của thân não là không thể xảy ra,” họ nói trong tài liệu.
“Tuy nhiên, thông qua việc gây xuất huyết nội sọ, sẽ dẫn đến tăng áp lực nội sọ, thoát vị não lớn và chèn ép thân não, điều này có thể gây tử vong thân não. Tuy nhiên, phương tiện như vậy là gián tiếp, không chính xác và không đáng tin cậy,” họ nói thêm.
Tổn thương sọ não có thể khiến các phương thức điển hình gây ra cái chết não gần như không thể xảy ra. Chấn thương này có thể gây hôn mê, chuyển động đồng tử, phản ứng trên khuôn mặt và khí quản, thiếu thở tự chủ và vắng mặt các phản xạ thân não khác.
“Kết quả là, khi các tử tù được chuyển từ phòng hành quyết đến bệnh viện để cấy ghép… việc hành quyết các tử tù được tiếp tục sau khi xử bắn và kết thúc bởi các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép,” họ nói.
Họ lo ngại sâu sắc rằng việc mổ cướp nội tạng đã trở thành một hình thức hành quyết mới của nhà nước.
Họ nói: “Bởi vì những người hiến tạng này chỉ có thể là tù nhân. Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng các bác sĩ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tham gia vào các vụ hành quyết bằng cách mổ lấy nội tạng.”
Họ cũng loại trừ khả năng tử tù bị chết não trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân chết não phải không thở được nếu không có máy thở, và các bác sĩ đã không tính đến tiêu chí thiết yếu này.
“Chúng tôi đã xác định được thêm hơn hai chục bài báo mô tả các quy trình phẫu thuật gần như giống hệt với các bài báo mà chúng tôi phân loại là các tờ khai chết não (Brain Death Declaration – BDD) có vấn đề. Trong các bài báo này, thường đề cập đến “thiết lập thông khí” hoặc “duy trì thông khí” ngay sau khi tuyên bố người hiến tạng chết não và/hoặc ngay trước khi thu hoạch nội tạng (n = 16),” họ cho biết.
Vi phạm quy định
Trong một số trường hợp, các chuyên gia y tế thậm chí có thể đã vi phạm các quy định về cấy ghép nội tạng bằng cách sử dụng khẩu trang thay vì quy trình đặt nội khí quản thông thường.
“Trong những trường hợp sử dụng khẩu trang thay vì đặt nội khí quản, hoặc đặt nội khí quản sau khi mở khí quản nhanh; hoặc đặt nội khí quản sau khi các bác sĩ phẫu thuật kiểm tra tim đang đập bằng cách rạch xương ức, càng rõ ràng là không thể xác định trước tình trạng chết não” họ nói.
Các trường hợp duy nhất mà quy tắc người hiến tặng đã chết (Dead Donor Rule – DDR) sẽ không bị vi phạm là khi các bác sĩ phẫu thuật tuân thủ các giao thức BDD nghiêm ngặt.
“Trong trường hợp đó, cụm từ “thiết lập thông khí” có thể ám chỉ việc bật máy thở, không đặt nội khí quản cho bệnh nhân,” họ nói.
“Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu người hiến tặng đã được đặt nội khí quản và thực hiện xét nghiệm ngưng thở. Tuy nhiên, các bài báo không mô tả điều này mặc dù có những mô tả chi tiết khác về các thủ tục phẫu thuật thông thường,” họ nói thêm.
Nghiên cứu cũng cho thấy các bác sĩ có thể đã mạo hiểm mạng sống của bệnh nhân một cách không cần thiết nếu họ được đặt nội khí quản trước khi nguyên nhân chết não được xác nhận.
Tài liệu cho biết: “Phải gây chết não một cách có kiểm soát để ngăn chặn ngừng tim trước khi vận chuyển đến bệnh viện và thu được nội tạng— và các bác sĩ phẫu thuật phải kiên quyết chấp nhận rủi ro tử vong tim của người hiến tặng và tổn thương do thiếu máu cục bộ trong khi tiến hành kiểm tra ngừng thở”.
“Với số lượng bài báo mà chúng tôi đã xác định và những lợi ích hàm ẩn rõ ràng của ca cấy ghép thành công, chúng tôi nghĩ có khả năng xảy ra nhất là ‘thiết lập thông khí’ chỉ đơn giản là đặt nội khí quản. Nó cũng cho thấy rằng BDD có vấn đề, và do đó có khả năng vi phạm DDR, tình trạng này có thể phổ biến hơn là những gì thấy được qua tài liệu,” họ nói thêm.
Tử hình “mật thiết” và “tích cực”
Robertson và Lavee tin rằng các bác sĩ cấy ghép đóng một vai trò “mật thiết” và “tích cực” trong việc thực hiện các hoạt động mổ cướp nội tạng gây tranh cãi của ĐCSTQ.
Họ trích dẫn một báo cáo năm 1995 từ Đội đặc nhiệm Bellagio, trong đó tiết lộ một bác sĩ gốc Đài Loan đã dùng thuốc an thần, đặt nội khí quản và đặt đường truyền tĩnh mạch trước khi tử tù bị hành quyết. Sau đó, ngay sau khi bệnh nhân bị bắn vào đầu, các chuyên gia y tế đã tiến hành cắt mạch máu, đeo máy trợ thở và tiêm các hợp chất để tăng huyết áp và giữ cho các cơ quan được tưới máu.
Họ nói: “Bằng cách này, bác sĩ trở thành một người tham gia mật thiết vào quá trình hành quyết, không phải để bảo tồn sự sống mà là thao túng cái chết để phục vụ cho việc cấy ghép.
Họ cũng phát giác các bác sĩ tiêm
nhầm heparin (chất kháng đông sản sinh trong tế bào gan) vào cơ và thiết lập các đường tĩnh mạch để đưa heparin trong khoảng thời gian đặt nội khí quản.
“Nếu người hiến tặng là một bệnh nhân chết não thực sự, các đường tĩnh mạch đã được thiết lập trước BDD như một phần của điều trị trước khi giết mổ — chúng không bao giờ được thiết lập ngay trước khi thu hoạch nội tạng,” họ nói.
“Người cho không có đường tĩnh mạch ngoại vi trước khi phẫu thuật và thậm chí có thể đã được cấp cứu. Điều này phù hợp với lời khai của [một] nhân chứng về việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân nhưng nó không phù hợp với các quy trình thu hoạch tiêu chuẩn ở những người hiến tạng chết não,” họ nói thêm.
Thị trường cấy ghép nội tạng lớn thứ hai
Giới y học xếp Trung Quốc đại lục là quốc gia cấy ghép nội tạng lớn thứ hai thế giới dựa trên khối lượng cấy ghép tuyệt đối và chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu nhân quyền ước tính quốc gia Đông Á này thực hiện nhiều ca cấy ghép hơn tổng số 39.000 ca của Hoa Kỳ cho năm 2020.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã được yêu cầu cung cấp thông tin về cách các bệnh viện Trung Quốc có thể quảng cáo thời gian chờ cấy ghép chỉ tính bằng tuần, so với việc chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm, bắt buộc đối với một cơ quan nội tạng cấy ghép phù hợp ở Bắc Mỹ.
“Các bệnh viện tiếp tục quảng cáo nội tạng để cấy ghép cho khách du lịch trên các trang web bằng tiếng Anh, Nga và Ả Rập [và] chính quyền Trung Quốc hiện cho biết họ sẽ thực hiện 50.000 ca cấy ghép vào năm 2023 – tất cả được cho là từ những người hiến tặng tình nguyện,” nghiên cứu cho biết.
“Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ vận hành chương trình cấy ghép tự nguyện thành công và phát triển nhanh chóng nhất thế giới, nhưng các báo cáo của chính phủ Trung Quốc về lĩnh vực ghép tạng thường mâu thuẫn với nhau, và nhà nước đã công bố cho cộng đồng quốc tế các bộ dữ liệu khó hiểu và rõ ràng là bị chỉnh sửa”, nghiên cứu nói thêm.
Từ những năm 1980 đến nay, ĐCSTQ đã phát triển một trong những hệ thống cấy ghép lớn nhất thế giới chủ yếu dựa trên nội tạng của các tù nhân, do hệ thống an ninh và tư pháp của nhà nước cung cấp. Các tổ chức y tế quốc tế đã lên án cách làm gây tranh cãi này.
ĐCSTQ coi cả số vụ hành quyết tư pháp và số ca cấy ghép là bí mật nhà nước. Hơn nữa, danh tính của tất cả tù nhân hiến tặng cũng không được biết, và những suy đoán vẫn tiếp tục gia tăng về việc liệu những tù nhân lương tâm không bị kết án như các học viên Pháp Luân Công và người Hồi giáo, người Duy Ngô Nhĩ có bị nhắm cho mục tiêu vô đạo đức là lấy nội tạng của họ hay không.
Quốc tế lên án
Liên Hợp Quốc (LHQ) trước đây đã lên án việc mổ cướp nội tạng bị cáo buộc của ĐCSTQ là “cực kỳ đáng báo động”. Tổ chức liên chính phủ đã trích dẫn “thông tin đáng tin cậy” cho thấy rõ ràng rằng những học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ôn hòa bị cưỡng bức xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang và các hình thức kiểm tra y tế khác mà không được sự đồng ý, mặc dù không có bất kỳ quy định bắt buộc các tù nhân lương tâm phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế như vậy.
“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc dường như nhằm vào các nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ hoặc tín ngưỡng cụ thể bị giam giữ — thường không giải thích lý do bắt giữ họ; hoặc họ bị phát lệnh bắt giữ — tại các địa điểm khác nhau,” LHQ cho biết. “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước các báo cáo về việc phân biệt đối xử đối với các tù nhân hoặc người bị giam giữ dựa trên sắc tộc và tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.”
Tổ chức này cũng chỉ trích ĐCSTQ đã ghi lại kết quả xét nghiệm trong cơ sở dữ liệu nguồn sống để “phân bổ nội tạng”. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước điều hành bị cáo buộc sử dụng thông tin này để tìm những khách hàng tiềm năng có thể trả số tiền lên đến 1 triệu đô la cho mỗi cơ quan nội tạng.
Các chuyên gia nhân quyền của LHQ trước đây đã liên hệ với ĐCSTQ về những cáo buộc đáng lo ngại này vào năm 2006 và 2007. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không cung cấp thông tin chi tiết về “thời gian chờ đợi để phân bổ nội tạng hoặc thông tin về nguồn nội tạng”.
Sự thiếu minh bạch này đã trở thành một trở ngại đáng kể trong việc xác định và bảo vệ thành công “nạn nhân của nạn buôn người” cũng như điều tra và truy tố bất kỳ kẻ tình nghi buôn người nào.
Các chuyên gia LHQ cho biết: “Bất chấp sự phát triển từng bước của hệ thống hiến tặng nội tạng tự nguyện, thông tin liên quan đến những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong hoạt động thu hoạch nội tạng để cấy ghép ở Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất hiện.”
ĐCSTQ tiếp tục gây thêm đau khổ cho các thành viên gia đình nạn nhân khi ngăn cản họ thu thập thi thể của người đã khuất bằng cách nhanh chóng hỏa thiêu hài cốt của họ.
“Chúng tôi tin rằng đây là tội ác diệt chủng, và bây giờ là lúc Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế phải hành động và ngay lập tức ngăn chặn nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc,” Tiến sĩ Lucy Zhao, Hoa kiều tại Toronto và Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp của Úc, từng nói.
Giáo sư đạo đức lâm sàng Wendy Rogers của Đại học Macquarie nói thêm rằng cưỡng bức thu hoạch nội tạng “đang tiếp diễn, với người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công [là] nạn nhân chính.”
Ethan Gutmann, một chuyên gia châu Á lớn lên ở Nam Vermont, trước đây ước tính thị trường nội tạng chợ đen của ĐCSTQ có thể trị giá từ 8 tỷ đến 9 tỷ USD mỗi năm, theo trang web Minh Huệ.
Phong trào phát triển nhanh chóng
Từ năm 1992 đến năm 1999, Pháp Luân Công vô cùng phổ biến, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện chỉ riêng ở Trung Quốc đại lục. Môn tập cũng đã lan rộng đến Hoa Kỳ và hơn 70 quốc gia trên toàn cầu, trong khi các sách của Pháp Luân Công đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ khác nhau.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công, trong đó có nhiều đảng viên tham gia tập luyện, ĐCSTQ ngày càng trở nên bất rứt không yên. Cuối năm 1999, nhà độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân quyết định tự ý ra lệnh bắt giữ và tra tấn các học viên đến chết, tịch thu và tiêu hủy hơn 2 triệu cuốn sách Pháp Luân Công, đồng thời ra lệnh cho các phương tiện truyền thông nhà nước đăng hàng trăm bài báo phỉ báng môn tu luyện này.
Cuộc khủng hoảng nhân quyền kéo dài hai thập kỷ đã khiến ít nhất 4.641 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết, với “hàng chục nghìn [trường hợp] khác đã được xác nhận,” theo dữ liệu mới nhất do trang web Minh Huệ thu thập. Chính sách của ĐCSTQ là hỏa táng thi thể nạn nhân mà không xin phép thành viên gia đình chỉ làm tăng thêm khó khăn trong việc xác định chính xác có bao nhiêu học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết kể từ năm 1999.
Chất vấn con số thực tế
Robertson và Lavee nghi ngờ số lượng bệnh nhân chết vì mổ cướp nội tạng thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo.
Họ cho biết: “BDD có vấn đề, và do đó có khả năng vi phạm DDR, tình trạng này có thể phổ biến hơn là những gì thấy được qua tài liệu.”
Các tác giả tin rằng những vi phạm này xung đột với lời thề Hippocrate mà những y bác sỹ đã tuyên thệ để “không làm hại” bệnh nhân của họ. Họ cũng đi ngược lại một lệnh cấm hiện hành ngăn các bác sĩ tham gia vào các vụ hành quyết, và quy tắc người hiến tặng đã chết (DDR) cấm mua nội tạng sống từ những người hiến tặng còn sống để cấy ghép.
“Hai điều cấm này được tuân thủ trên khắp thế giới: các bác sĩ cấy ghép thường mua nội tạng từ những người hiến tặng tự nguyện và miễn phí đã chết vì nguyên nhân tự nhiên; hầu hết các quốc gia không thực hiện hình phạt tử hình,” họ nói. “Rất ít quốc gia, ngay cả những quốc gia vẫn giữ hình phạt tử hình, cho phép hiến tạng từ những cá nhân bị kết án.”
Phương pháp luận
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ cuối năm 2018 đến tháng 10 năm 2020 bằng cách sử dụng hàng chục lượt tìm kiếm từ khóa cho các thuật ngữ liên quan đến cấy ghép trong một số cơ sở dữ liệu của ĐCSTQ, trong đó có một cơ sở dữ liệu tuyên bố bao phủ 90% tất cả các ấn phẩm học thuật ở Trung Quốc.
Nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu phẫu thuật cấy ghép giữa những năm 1980 và 2015. Trong giai đoạn này, không có hệ thống hiến tạng tự nguyện nào tồn tại và có rất ít người hiến tạng tự nguyện.
Số lượng người tự nguyện hiến nội tạng không phải là tù nhân ở Trung Quốc tính đến năm 2009 là 120 hoặc 130, chỉ chiếm khoảng 0,3% trong số 120.000 nội tạng được báo cáo chính thức là sẽ được cấy ghép trong cùng thời kỳ, nếu mỗi người tự nguyện hiến ba cơ quan nội tạng.
Người đứng đầu lĩnh vực cấy ghép của Trung Quốc đã viết vào năm 2007 rằng 95% các ca cấy ghép nội tạng là từ các tù nhân. Tuy nhiên, theo các tuyên bố chính thức khác, công dân chỉ bắt đầu sử dụng hệ thống phân bổ nội tạng quốc gia vào năm 2014.
“Các bài báo mà chúng tôi kiểm tra thường không nói bất cứ điều gì về danh tính của người hiến tạng và không xác định những người hiến tạng là tù nhân. Tuy nhiên, dựa trên các tuyên bố chính thức ở trên, lô-gíc là hầu hết các ca cấy ghép nội tạng trong các bài báo mà chúng tôi tìm hiểu phải đến từ các tù nhân,” nghiên cứu cho biết.
“Có lẽ điều này bao gồm cả tử tù và tù nhân lương tâm. Câu hỏi vẫn là chúng được thực hiện như thế nào, và vai trò của các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép và các nhân viên y tế khác trong quá trình đó,” họ nói thêm.
Bộ dữ liệu đầy đủ bao gồm các ấn phẩm từ tháng 7 năm 1951 đến tháng 10 năm 2020. Lọc ra các ấn phẩm từ năm 1980 trở đi liên quan đến việc cấy ghép tim và phổi người, có tổng cộng 2.884 bài báo. Con số này đã giảm xuống còn 2.838 sau khi trừ đi 46 tệp mà các nhà nghiên cứu không thể lấy được toàn bộ tệp ở định dạng tài liệu di động (pdf). Và 2.838 tệp pdf này đã được chuyển đổi thành tệp văn bản thuần túy bằng cách sử dụng các tiện ích dòng lệnh UNIX và phần mềm nhận dạng ký tự quang học.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã phát triển một thuật toán so khớp “chuỗi mờ” (“fuzzy string” matching algorithm) bằng ngôn ngữ lập trình thống kê R. Họ đã sử dụng nó để tìm kiếm ngôn ngữ tương tự như các chuỗi văn bản được xác định trong giai đoạn thử nghiệm trên toàn bộ kho ngữ liệu.
“Để tránh việc thẩm định thủ công quá nhiều, chúng tôi đã sử dụng một quy tắc cắt bỏ nghiêm ngặt đối với sự giống nhau của chuỗi. Điều này có nghĩa là chỉ những bài báo bao gồm các chuỗi có khoảng cách Jaro Winkler nhỏ hơn 0,28 — tức là, rất giống — với các chuỗi mục tiêu được sắp xếp mới được đưa vào, và bao gồm thuật ngữ Trung Quốc ‘người hiến tặng’ trong phần văn bản xung quanh,” họ nói. “Điều này đã làm giảm số lượng bài báo để xem xét từ 2,838 xuống còn 310.”
Mỗi trong số 310 bài báo này được xem xét thủ công và đánh giá chất lượng dựa trên các tiêu chí về BDD có vấn đề và có khả năng vi phạm DDR. Các bản lặp đã được xóa và văn bản có liên quan đã trích xuất tên tác giả và tổ chức từ siêu dữ liệu tham chiếu được trích xuất và phân loại theo loại tổ chức và vị trí bằng cách sử dụng thư viện tính toán địa lý trong R.
“Dịch thuật bằng máy ban đầu được sử dụng cho các đoạn trích BDD có vấn đề được tìm thấy bởi thuật toán so khớp mờ của chúng tôi. Mỗi đoạn trích được dịch sau đó sẽ được tác giả chính (MPR) kiểm tra và sửa chữa, và được xem xét bởi hai người bản ngữ Trung Quốc quen thuộc với các quy trình lâm sàng,” nghiên cứu cho biết. “Cả hai tác giả sau đó đã kiểm tra, thảo luận và viết mã các bài báo.”
Tim và phổi được chọn để phân tích vì việc trao đổi chúng thường liên quan đến những người hiến tặng có trái tim vẫn còn đập. Về mặt đạo đức, DDR yêu cầu bệnh nhân phải chết não trước khi thu hoạch nội tạng sống từ những người được gọi là người hiến tặng có tim vẫn còn đập.
Ở các quốc gia có hệ thống hiến tạng dựa vào bệnh viện, chết não thường do đột quỵ hoặc chấn thương đầu và được chứng nhận trước khi thu hoạch nội tạng. ĐCSTQ không có luật chết não. Tuy nhiên, các bác sĩ lâm sàng cấy ghép Trung Quốc đã công bố rộng rãi về chủ đề này từ những năm 1980, dịch và thảo luận về các định nghĩa và cách vận hành của chết não ở Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ.
“Không rõ DDR có thể áp dụng như thế nào trong trường hợp các nội tạng sống được mua từ các tù nhân. Trung Quốc không cung cấp thông tin về việc liệu người hiến tạng kiêm tù nhân có bị chết não để chuẩn bị cấy ghép hay không,” Robertson và Lavee cho biết.
Hợp tác chặt chẽ
Việc thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa đội hành quyết và đội cấy ghép. Vai trò của nhà nước là quản lý cái chết, trong khi vai trò của bác sĩ là tìm mua một cơ quan còn sống.
“Nếu việc hành quyết được tiến hành mà không chú ý đến các yêu cầu lâm sàng của việc cấy ghép, các cơ quan có thể bị hỏng. Tuy nhiên, nếu nhóm cấy ghép tham gia quá nhiều, họ có nguy cơ trở thành những kẻ hành quyết,” các tác giả cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng cố gắng xác định xem liệu các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép có kiểm tra xem các tù nhân đã chết hay chưa trước khi mua tim và phổi của họ.
“Có phải người hiến tạng chỉ đặt nội khí quản sau khi họ được tuyên bố là đã chết não, và người hiến tạng có được đặt nội khí quản bởi nhóm thu hoạch nội tạng như một phần của hoạt động thu hoạch nội tạng hay không? Nếu một trong hai khả năng này xảy ra, khẳng định rằng tuyên bố về chết não không thể đáp ứng các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận, bởi vì chết não chỉ có thể được xác định trên một bệnh nhân được thở máy hoàn toàn,” họ nói. “Đúng hơn, nguyên nhân cái chết có thể là do thu hoạch nội tạng.”
T.P