Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ không phải là pháo đài bất khả xâm phạm

TQ không phải là pháo đài bất khả xâm phạm

Đó là nhận định của Dan Wang – nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, một Công ty nghiên cứu kinh tế của Trung Quốc. Đương nhiên, ông Dan chủ yếu nói về khả năng chống chọi về kinh tế của Trung Quốc trong tình hình hiện nay, tránh nói tới các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng.

Điều nhà nghiên cứu trong nước nêu ra rất đáng để chính quyền Bắc Kinh xem xét trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine khó có thể chấm dứt trong một vài tháng, Moscow ngày càng lún sâu vào thảm bại. Một điểm nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn. Có nghĩa là, Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt trong trường hợp gia tăng đối đầu với Washington (về vấn đề Đài Loan, hoặc nếu Trung Quốc quá nhiệt tình chia lửa Nga trong cuộc chiến ở Ukraine).

Từ khi Tập Cận Bình nắm quyền tại Trung Nam Hải, ba vị Tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đã liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh. Nổi bật nhất là những lệnh cấm nhằm vào Tập đoàn Huawei và các các công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Các động thái của Washington đã khiến cho Bắc Kinh càng nêu cao cảnh giác, thúc đẩy các ngành kinh tế, doanh nghiệp chủ động hơn nữa, nêu cao tính tự cường. Đơn cử, một ngày sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài xã luận, nhấn mạnh: “Độc lập và tự cường bảo đảm cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân sẽ giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Lợi thế lớn nhất của Trung Quốc là có nền sản xuất quy mô lớn. Nước này có khả năng cung cấp 1/3 lượng hàng dệt may của thế giới, hơn 27% thiết bị điện tử và gần 20% máy móc (tài liệu của Trung tâm Phát triển Quốc tế của Harvard). Trung Quốc cũng được xem là nhà xuất khẩu đất hiếm duy nhất để sản xuất các mặt hàng từ kính nhìn đêm cho đến pin xe điện.

Do Trung Quốc có nền sản xuất quy mô lớn cho nên Mỹ sẽ rất khó trong việc cô lập nước này. Phòng Thương mại Mỹ và Rhodium Group năm 2021 đã công bố một báo cáo, ước tính nếu Mỹ từ bỏ một nửa đầu tư vào Trung Quốc, các công ty Mỹ có thể mất 25 tỷ USD lợi nhuận hàng năm, nhất là các ngành hàng không, hóa chất và y tế bị sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề; GDP của Mỹ cũng có thể mất khoảng 500 tỷ USD.

Gần đây ông Tập thường xuyên lưu ý các quan chức phải nêu cao “tự lực cánh sinh” coi đó là “chiến lược phòng vệ cốt lõi”. Do ảnh hưởng cuộc chiến Nga-Ukraine đã đẩy giá ngũ cốc tăng chóng mặt, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường tự lực trong sản xuất lương thực. “Ai sẽ nuôi sống Trung Quốc? Trung Quốc cần phải tự lực cánh sinh và tự giúp mình” (nói với các đại biểu Quốc hội ở Bắc Kinh, tháng 3/2022).

Nhằm tăng khả năng tự lực tự cường, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu, hoặc tạo ra chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Hiện 70% sản lượng dầu thô của Trung Quốc được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là những quốc gia ở Trung Đông và châu Phi. Để bảo vệ nguồn cung dầu, Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư giúp các nước nghèo. Gọi là “nghèo” nhưng thật ra các nước này lại giàu tài nguyên xây dựng cảng biển, đường sắt theo sáng kiến Vành đai và Con đường. Quả là Trung Nam Hải biết “trông giỏ bỏ thóc”.

Tuy vậy, đồng USD vẫn được coi là vũ khí khiến các lệnh trừng phạt của Mỹ trở nên hiệu quả. Trung Quốc là đất nước rất giàu có, đã có tích lũy 3,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng nếu căng thẳng leo thang với Mỹ thì Trung Quốc sẽ tiếp cận được bao nhiêu trong số đó. Bài học cay đắng đối với Nga còn đó: Mỹ và đồng minh đã đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ của Nga.

Muốn tránh kịch bản bị loại khỏi SWIFT – hệ thống giao dịch tài chính quốc tế dựa trên đồng USD- như Nga, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới. Tới đây, nhờ những nỗ lực ngoại giao, phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn. Mặc dù vậy, hệ thống tài chính song song của Trung Quốc chưa được sử dụng đủ phổ biến để được coi là một giải pháp khả thi trong trường hợp cần thoát lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nhằm tăng cường phòng thủ pháp lý trước áp lực kinh tế từ bên ngoài, Bắc Kinh ban hành các chế định nhằm cung cấp cơ sở pháp lý để trả đũa các cá nhân hoặc công ty làm tổn hại lợi ích của đất nước. Ở đây xin lưu ý, công nghệ cao như chất bán dẫn có thể là điểm yếu lớn nhất của “pháo đài kinh tế” Trung Quốc, khi nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ.

Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng tự sản xuất pin mặt trời hay pin xe điện, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào nước ngoài trong các công nghệ tiên tiến như sản xuất động cơ phản lực cho máy bay, hoặc các phần mềm vận hành thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics nói: “Trung Quốc không phải là pháo đài bất khả xâm phạm”.

Có những nhà nghiên cứu dám nói thẳng, nói thật như vậy thật là hồng phúc cho dân tộc Trung Hoa. Bởi đại đa số cán bộ trong bộ máy đảng, chính quyền và các “nhà khoa học” ăn lương trong hệ thống chính trị ở Trung Quốc đều nói theo, nói dựa theo lãnh đạo, cốt an toàn, vinh thân phì gia.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới