Sunday, December 29, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCái chết đau đớn của một Tổng biên tập báo Đảng ở...

Cái chết đau đớn của một Tổng biên tập báo Đảng ở TQ

Đảng chương ngày nay của ĐCSTQ tự đề trên giấy trắng mực đen: “Đảng, chính phủ, quân đội, nhân dân, học sinh, đông tây nam bắc trung, đảng lãnh đạo hết thảy.” Đây là lời thách thức của ĐCSTQ hướng tới toàn thế giới: cái nó đang làm ở Trung Quốc chính là “thiên hạ của đảng”. Nhưng vào năm 1957, nếu ai nói rằng ĐCSTQ đang làm cái gọi là “thiên hạ của đảng”, người đó sẽ trở thành kẻ đại hữu phái “phản đảng phản nhân dân phản xã hội chủ nghĩa”.

Tạp chí “Quan sát” do Trữ An Bình chủ biên đã từng là một ấn phẩm phải đọc đối với các nhân vật chính trị và giới tinh anh trí thức Trung Quốc. Ông vì đã chỉ trích ĐCSTQ về “thiên hạ của đảng” mà bị bức hại thảm khốc.

Trữ An Bình là người như thế nào?

Ông sinh ra ở Nghi Hưng, Giang Tô năm 1909; sau khi tốt nghiệp Đại học Quảng Hoa Thượng Hải năm 1932, ông đảm nhiệm phó ban biên tập của “Trung ương nhật báo”; năm 1936, ông đến Đại học Luân Đôn để đào tạo sâu hơn; sau khi trở về Trung Quốc hai năm sau, ông giữ chức chủ biên của “Trung ương nhật báo”, giáo sư tại Đại học Phúc Đán và các trường khác, xã trưởng kiêm chủ biên của tạp chí “Quan sát”.

Từ năm 1946 đến năm 1949, tạp chí “Quan sát” do Trữ An Bình chủ biên đã siêu việt đảng phái, thỉnh mời những tác gia xuất sắc nhất trong giới học thuật và dư luận đương thời đến viết bài, và đăng một số lượng lớn các bài báo và phát biểu châm biếm tệ nạn hiện thời. Bản thân ông cũng đã viết nhiều bài bình luận có ảnh hưởng.

Có một thời gian, Trữ An Bình trở thành người nổi tiếng mà thiên hạ không ai không biết. Tạp chí “Quan sát” đã trở thành một tập san phải đọc đối với các nhân vật chính trị và giới tinh anh trí thức thuộc tất cả các đảng phái. Đây là thời kỳ huy hoàng và chói lọi nhất trong cuộc đời ông.

Vào tháng 9 năm 1949, Trữ An Bình đến Bắc Bình để tham dự Hội nghị hiệp chính toàn quốc Trung Quốc lần 1. Sau đó, ông đảm nhiệm chức chuyên viên Tổng cục Báo chí và Xuất bản, phó tổng giám đốc Nhà sách Tân Hoa xã, phó cục trưởng Cục quản lý phát hành Tổng cục Báo chí và Xuất bản, tổng biên tập tờ “Quang Minh nhật báo”, ủy viên Trung ương Cửu Tam Học Xã, phó bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương và là đại biểu Đại hội nhân dân toàn quốc lần 1.

Điều gì đã xảy ra với thuyết “Thiên hạ của đảng” của Trữ An Bình?

Vào mùa xuân năm 1957, ĐCSTQ hô hào những nhân sĩ ngoài đảng giúp đảng chỉnh phong, yêu cầu “tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tận” (ý tứ là hãy cứ nói những gì bạn biết, không cần để trong lòng), kèm theo hứa hẹn “ngôn giả vô tội” (người nói không có tội). Vào ngày 1 tháng 6, Trữ An Bình đã có bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tổ chức.

Ông nói: “Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa đảng và quần chúng không được tốt đã trở thành một vấn đề cấp thiết cần được điều chỉnh trong đời sống chính trị trước mắt của chúng ta. Điểm mấu chốt của vấn đề này là gì? Theo tôi thấy, mấu chốt nằm ở vấn đề tư tưởng ‘thiên hạ của đảng’. Tôi cho rằng đảng lãnh đạo quốc gia không có nghĩa là quốc gia ắt là do đảng sở hữu.”

“Trên phạm vi toàn quốc, bất luận đơn vị lớn nhỏ, thậm chí một khoa một tổ, đều bắt sắp xếp một đảng viên làm đầu, bất kể việc lớn nhỏ, đều yêu cầu phải do đảng viên hành sự, đều yêu cầu đảng viên gật đầu mới tính, cách làm này, chẳng phải là hơi quá phận sao?”

Ông nói tiếp: “Trong những năm qua, tài năng của rất nhiều đảng viên rất không tương xứng với vị trí đang đảm nhận. Công tác chưa làm tốt, khiến quốc gia chịu tổn hại, cũng không thể khiến người ta tâm phục, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng giữa đảng và quần chúng, nhưng lỗi không phải ở những đảng viên đó mà nằm ở chỗ tại sao đảng lại bố trí những đảng viên không tương xứng vào các chức vụ khác nhau. Đảng làm như thế, chẳng phải là loại tư tưởng ‘mạc phi vương thổ’, từ đó mà hình thành cục diện cả thiên hạ mỗi người mỗi nhà đều một thanh một sắc. Tôi cho rằng, vấn đề tư tưởng ‘thiên hạ của đảng’ là căn nguyên gốc rễ của hết thảy hiện tượng chủ nghĩa bè phái.”

Trữ An Bình đặc biệt nhấn mạnh: “Những khuyết điểm có tính toàn quốc này có quan hệ gì với các lãnh đạo trung ương đảng không? Gần đây mọi người đối với ‘tiểu hòa thượng’ đã nêu không ít ý kiến, nhưng đối với ‘lão hòa thượng’ thì không có ai nêu ý kiến.”

Vì vậy, ông đã đưa ra một số ý kiến đối với ‘lão hòa thượng’. Ông nói rằng trong những ngày đầu ĐCSTQ kiến lập chính quyền, ba trong số sáu vị phó chủ tịch chính quyền trung ương không phải là người của đảng, và hai trong số bốn phó thủ tướng là nhân sĩ phi đảng. Nhưng sau này chính phủ được cải tổ lại, phó chủ tịch trung ương không có nhân sĩ ngoài đảng. Trong số mười hai phó thủ tướng Quốc vụ viện, không có nhân sĩ ngoài đảng.

Trữ An Bình hỏi: “Phải chăng là người ngoài Đảng không ai có thể đảm nhận vị trí này, hay không ai được bồi dưỡng để đảm nhậm chức vụ như vậy?… Việc sắp xếp như vậy có thể nghiên cứu thêm không?”

Lập luận “thiên hạ của đảng” này đã gây kinh ngạc và chấn động cho chính phủ và phe đối lập, và được coi là “nốt nhạc cao nhất trong bản hợp xướng chính trị của giới trí thức Trung Quốc năm 1957”. Không ít người vỗ tay khen hay ngay tại chỗ. “Nhân dân Nhật báo”, “Nhật báo Quang Minh” và các phương tiện truyền thông khác của đảng đều đăng toàn văn phát biểu của ông ở các vị trí nổi bật với tiêu đề bắt mắt.

Trữ An Bình đã chịu phê đấu như thế nào?

Tuy nhiên, chỉ 8 ngày sau, ngày 8 tháng 6 năm 1957, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ ra chỉ thị “Tổ chức lực lượng phản kích cuộc tấn công ngông cuồng của phần tử hữu phái” và đăng một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo “Cái này vì điều gì?” ĐCSTQ đã liên tục kêu gọi những nhân sĩ ngoài đảng giúp đảng chỉnh phong, kết quả chỉ trong nháy mắt, nó đã biến thành một vận động phản hữu thanh thế cuồng ngạo.

Tác gia Trương Di Hòa đã ghi lại trong cuốn sách “Quá khứ không như khói” rằng, vào ngày 11/6/1957, Ngô Hàm, lúc đó là phó thị trưởng Bắc Kinh kiêm ủy viên chủ nhiệm Liên đoàn Dân chủ Bắc Kinh, đã chủ trì triệu khai hội nghị của “Nhật báo Quang Minh” phê phán Trữ An Bình. Tại hội nghị, Ngô Hàm đã gay gắt nói: “Trước đây, Quốc Dân Đảng xác thực là ‘thiên hạ đảng’, nhưng Trữ An Bình bây giờ lại nói rằng đảng Cộng sản là ‘thiên hạ đảng’, điều này không chỉ bóp méo sự thật mà còn có dụng ý ác độc.” Ông ta cho rằng dũng khí của Trữ An Bình là do có người hậu thuẫn. Ông ta yêu cầu tất cả các thành viên liên minh dân chủ của Nhật báo Quang Minh vạch ra giới hạn tư tưởng với Trữ An Bình.

Vào ngày 13 tháng 7, Trữ An Bình đã có bài phát biểu với tựa đề “hướng nhân dân đầu hàng” tại Kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ nhất, toàn văn bài phát biểu được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 15 tháng 7. Ông nói: giữa những lời chỉ trích thượng hạ từ khắp nơi trên toàn quốc, ông cảm thấy “khiếp đảm kinh động, nằm ngồi không yên, bàng hoàng không nguôi”, nhìn nhận bản thân “phạm vào sai lầm nghiêm trọng phản đảng phản chủ nghĩa xã hội”, “hướng tới nhân dân cả nước cúi đầu nhận tội”.

Mặc dù Trữ An Bình đã đầu hàng nhưng cuộc “đấu tranh” chống lại ông chưa kết thúc. Vào ngày 12 tháng 11 cùng năm, ông bị cách chức Tổng biên tập Nhật báo Quang Minh. Từ khi nhậm chức đến khi bị bãi nhiệm, ông đã làm việc tại tòa báo này tổng cộng 68 ngày.

Sau đó, dưới sự chỉ huy của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Cửu Tam Học Xã liên hợp với Nhật báo Quang Minh đã cử hành “Đại hội phê đấu ngàn người” để vạch trần và chỉ trích Trữ An Bình một cách có hệ thống. Rất nhiều nhân sĩ danh tiếng tham gia, hơn 30 người phát biểu, quang cảnh choáng ngợp, uy khí hừng hực. Chương Di Hòa nói rằng, đại hội phê đấu lần này có thể được coi là “tham gia phê đấu là công việc hàng đầu của tám đảng phái dân chủ”.

Tháng 1 năm 1958, Trữ An Bình bị truất quyền tham gia Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Ngay sau đó, Trung ương Hội Cửu Tam Học Xã đã quyết định thu hồi chức Ủy viên Trung ương, phó bộ trưởng thường trực Bộ Tuyên truyền Trung ương.

Sau đó, Trữ An Bình bị đày đến một nông trường ở ngoại ô Tây Nam Bắc Kinh, nơi ông phải chăn cừu trong hai năm. Sau đó, ông được phép về nhà mà không có bất kỳ sự phân công công tác nào. Ông chỉ có thể đọc sách sau cánh cửa đóng kín cả ngày, và nuôi một vài con cừu ngay trong nhà.

Trữ An Bình đã đi đâu?

Ngày 16/5/1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Trữ An Bình một lần nữa lại bị xung kích, bị phê đấu, tịch thu nhà.

Vào một ngày mùa thu năm đó, Trữ An Bình trở về nhà sau khi quét dọn đường phố, ông phát hiện một Hồng vệ binh khác đến bắt ông đi phê đấu. Ông lập tức chạy trốn qua bức tường ở sân sau và nhảy xuống sông Triều Bạch cách đó hàng chục dặm để tự sát, nhưng không chết. Sau khi được người giải cứu, ông bị đưa trở lại Cửu Tam Xã và giao cho phái tạo phản quản. Một ngày nọ, ông được thả về nhà, nhưng kể từ đó về sau không ai nhìn thấy ông nữa.

Cho đến một ngày tháng 10, khi con gái Trữ An Bình về nhà, phát hiện đồ đạc trong nhà đã bị lật tung bừa bãi, trên ghế chính giữa phòng chỉ có một gói hành lý, còn Trữ An Bình thì không thấy tung tích. Cô đi tìm cha khắp nơi nhưng không tìm thấy, đành phải báo cho đại biểu quân đội của Cửu Tam Xã. Đại biểu quân đội ngay lập tức báo cáo với Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Chu đã chỉ đạo Bộ Công an tổ chức một tổ điều tra chuyên môn. Tổ điều tra đã tìm kiếm khắp đất nước trong hai năm, họ đã tìm kiếm tất cả những nơi mà Trữ An Bình có thể đến, nhưng không tìm thấy. Trữ An Bình biến mất một cách bí ẩn.

“Kết luận tử vong” của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương từ đâu ra?
Sau đó, có nhiều tin đồn khác nhau về tung tích của Trữ An Bình: một số nói rằng ông đã xuất gia thành một hòa thượng ở Giang Tô, một số nói rằng ông đã tự sát bằng cách nhảy xuống biển ở Tanggu, Thiên Tân, và một số thậm chí còn nói rằng đã nhìn thấy ông ở một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ.

Theo Đặng Gia Vinh , một nhân viên tham gia cuộc điều tra vào thời điểm đó, trong bài báo “Tìm kiếm Trữ An Bình”, đã tiết lộ: “Tôi được lệnh truy tìm, đâu đâu cũng đụng tường”. Vậy thì, rốt cuộc cái gì là “đâu đâu cũng đụng tường”? Những người ở bộ phận nào đã tạo ra rào cản? Tại sao phải thiết lập các rào cản? Đặng Gia Vinh mơ hồ không rõ. Chỉ từ mấy chữ “đâu đâu cũng đụng tường”, có thể thấy trong đó hẳn phải có một số chuyện mờ ám.

Con trai của Trữ An Bình là Trữ Vọng Hoa hồi ức lại trong bài “Cha ơi, cha ở đâu?” Tháng 6/1982, anh rời Bắc Kinh sang Úc du học. Khi anh đang tạm biệt bạn bè đến tiễn và chuẩn bị đón xe buýt ra sân bay, anh bất ngờ nhìn thấy lãnh đạo đơn vị cũ chạy vội đến với một tài liệu trong tay, thông báo cho anh: “Vừa nhận được thư của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương, chính thức đưa ra ‘kết luận tử vong’ cho cha anh, Trữ An Bình, và đặc biệt thông báo cho các con của ông.”

Trữ Vọng Hoa chua xót viết: “Sau 16 năm cha mất tích, nhiều lần điều tra trên phạm vi toàn quốc không có kết quả, đúng lúc tôi sắp ly biệt quê hương bao tai ương, thì nhận được ‘hung tin’ của cha như một hành trang đến tống biệt mình đi xa, một cảm xúc đau đớn khó tả không ngăn nổi đã trào dâng trong tim… “

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương đi đến “kết luận tử vong” như thế nào? Rất có thể họ đã biết Trữ An Bình đã chết như thế nào.

Theo bài báo “Bí ẩn về cuộc sinh tử của Trữ An Bình” do tờ “Khoa học thời báo” của Hoa lục đăng ngày 18 tháng 3 năm 1999 có viết: Trữ An Bình đã bị Hồng vệ binh đánh đến chết!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới