TTXVN (Bắc Kinh) – Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/5, Trung Quốc hiện đang phải gồng mình chống dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất bị ngừng trệ tại nhiều trung tâm sản xuất lớn. Khi dịch COVID-19 do biến chủng Omicron bùng phát tại các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, những số liệu kinh tế quý 1 của Việt Nam dường như cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn trong bối cảnh đại dịch. Ở Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị mất nhiều đơn hàng sản xuất vào tay Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam trong quý 1/2022 tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua Trung Quốc – quốc gia có mức tăng 4,8%. Hơn nữa, ngoại thương của Việt Nam đã tăng lên 176,35 tỷ USD trong quý 1, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ngoại thương quý 1/2022 của Trung Quốc tính theo đồng Nhân dân tệ tăng 10,7%.
Nếu những con số chưa nói lên đủ, thì việc gần đây báo chí Việt Nam đưa tin rằng ông trùm kinh doanh Lý Gia Thành (Li Ka-shing) đã đầu tư nhiều tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam sau khi rút khỏi Anh chắc chắn đã gây ra những làn sóng chấn động cho những người theo dõi thị trường Trung Quốc. Những khoản đầu tư của Lý Gia Thành từ lâu đã được xem là một xu hướng thị trường.
Liệu các đơn đặt hàng nhà máy có tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc hay không? Sản xuất toàn cầu có thể ngừng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chuyển sang các nước như Việt Nam hay không?
Từ góc độ kinh tế và dân số, Việt Nam khó có thể hấp thụ một phần đáng kể sản xuất từ Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lực lượng lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, ngay cả khi Việt Nam thành công trong việc thu hút sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử và dệt may, thì họ cũng không thể thay thế được nền sản xuất tổng thể của Trung Quốc.
Bất chấp cuộc chiến thương mại và đại dịch, những chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và năng lực sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng chống chọi với các cú sốc toàn cầu trong vài năm qua và tỷ trọng của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu là điều không thể lay chuyển, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đúng là Việt Nam đã đảm nhận khâu lắp ráp cuối cùng của một số sản phẩm điện tử, nhưng cấp độ sản xuất tổng thể của Trung Quốc vẫn luôn ở mức cao.
Theo Maritime Executive, từ năm 2019 – 2021, Apple đã giảm địa điểm sản xuất của họ ở Trung Quốc Đại lục từ 48% xuống 42%, phần lớn trong số đó là sự chuyển dịch công việc sử dụng nhiều lao động sang Việt Nam. Tuy nhiên, Apple cũng đã bổ sung thêm 14 nhà cung cấp mới của Trung Quốc, nhiều nhà cung cấp trong số đó là các nhà sản xuất có giá trị cao và giàu kiến thức chuyên sâu về các cấu thành quang học, cảm biến và kết nối.
Cơ cấu thương mại Trung – Việt cũng thể hiện những sự bổ sung hơn là cạnh tranh. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tập trung vào trái cây, các sản phẩm thủy sản, dệt may và điện tử, trong khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu và thiết bị cho hoạt động sản xuất thâm dụng lao động. Trên thực tế, theo số liệu từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Trung Quốc là nhà cung cấp trung gian lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 1/3 tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm trung gian của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Theo một báo cáo từ Quỹ Carnegie Vì hòa bình quốc tế, sự hội nhập của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng lên trong những năm qua và Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất.
Lợi thế khác của Trung Quốc là tầng lớp trung lưu khổng lồ và thị trường nội địa khổng lồ. Hãng truyền thông CNBC (Mỹ) dẫn phân tích của công ty tư vấn McKinsey trước đây ước tính rằng tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thể đạt 550 triệu người vào năm 2022, gấp rưỡi toàn bộ dân số Mỹ. Các công ty muốn khai thác thị trường khổng lồ Trung Quốc đương nhiên sẽ muốn chuyển hoạt động sản xuất đến gần hơn với những khách hàng của họ.
Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận ra khó khăn mà ngành sản xuất Trung Quốc đang gặp phải. Trong tương lai, có thể thấy trước được Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và là điểm đến cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng khả năng của Việt Nam trong việc thâm nhập vào thị phần sản xuất của Trung Quốc bị hạn chế.
T.P