Kết quả điều tra cho thấy, Tôn Đức Thuận đã sử dụng các “công ty bình phong” và thủ pháp tài chính để thực hiện việc chuyển tiền với mức độ chuyên môn hóa và phức tạp cao hiếm gặp.
Cảm thấy việc nhận hối lộ tiền mặt là quá “tầm thường”, cựu Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Trung Tín (CITIC) Tôn Đức Thuận đã dùng năng lực nghiệp vụ của mình để tạo ra tầng tầng lớp lớp “ma trận” và liên tục nhận những khoản hối lộ khổng lồ với tổng trị giá lên tới gần 1 tỷ Nhân dân tệ (NDT, gần 150 triệu USD).
Tạo “ma trận” để che giấu tội lỗi
Tội lỗi của Tôn Đức Thuận đã được phản ánh trong tập thứ tư “Quản trị hệ thống” của bộ phim tài liệu chống tham nhũng “Không khoan dung” do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào đầu năm 2022.
Tôn Đức Thuận có một đặc điểm: nhận hối lộ nhưng không nhận tiền mặt. Trong mắt ông ta, việc nhận tiền mặt là “quá tầm thường, quá đơn giản và thô tục”. Cách Tôn thu lợi bất hợp pháp rất “chuyên nghiệp”, lợi dụng các thủ pháp và sản phẩm tài chính độc đáo để che đậy bằng “ma trận” nhiều lớp, thiết lập một số lượng lớn “công ty bình phong” và chuyển tiền vòng vèo.
Ông ta đã bố trí hai cựu nhân viên cấp dưới làm người đại diện và mở hai công ty đầu tư. Những người đại diện về mặt pháp luật ở hai công ty này thực chất chỉ là “cái bóng” của Tôn Đức Thuận.
Tại Ngân hàng Trung Tín, Tôn Đức Thuận đã lợi dụng chức quyền để phê duyệt các khoản vay cho các chủ doanh nghiệp. Dưới danh nghĩa đầu tư, một số chủ doanh nghiệp này đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào các công ty đầu tư mà Tôn Đức Thuận là người kiểm soát thực sự.
Số tiền này sẽ được công ty của Tôn đầu tư vào các dự án của các chủ doanh nghiệp trên, dùng tiền đẻ ra tiền, chia sẻ lợi nhuận và cổ tức với các chủ doanh nghiệp để tạo thành một nhóm lợi ích.
Tôn Đức Thuận đã thiết kế một “ma trận” với cấu trúc cực kỳ phức tạp để che giấu hành vi phạm pháp của mình. Dưới hai công ty đầu tư tài chính còn có hơn mười công ty dự án được thành lập, là lớp thứ hai trong “ma trận”. Các công ty dự án và doanh nghiệp đưa hối lộ cũng không trực tiếp giao dịch mà tiếp tục thành lập các công ty vỏ bọc như lớp thứ ba của “ma trận”, để che đậy các hoạt động chuyển tiền.
Chủ thể của giao dịch đã được “che kín”, và các giao dịch vốn đã được ngụy trang thành các sản phẩm tài chính hoặc thỏa thuận đầu tư cổ phần có vẻ hợp pháp.
Tôn Đức Thuận đã làm việc trong ngành ngân hàng hơn 40 năm. Ông ta là cán bộ cấp cao duy nhất trong ngành tài chính Trung Quốc khởi nghiệp với vị trí thủ quỹ – cấp thấp nhất trong một chi nhánh ngân hàng – và dần dần trở thành giám đốc của một ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.
Trong bộ phim tài liệu chống tham nhũng “Không khoan dung”, Tôn Đức Thuận nói: “Vì trưởng thành từ cơ sở và có năng lực nghiệp vụ giỏi, tôi luôn tìm thấy cơ hội kiếm lời cho mình”.
Nhưng hành vi phạm pháp này cũng không kéo dài được lâu. Vào ngày 20/3/2020, Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã ra thông báo rằng, Tôn Đức Thuận đã vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước nghiêm trọng, đang bị điều tra xét xử.
Ngày 22/2/2022, vụ án của Tôn Đức Thuận – cựu Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Trung Tín – đã được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tế Nam cáo buộc: Từ năm 2003 đến 2019, bị cáo Tôn Đức Thuận đã lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc Chi nhánh Bắc Kinh của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Giám đốc Chi nhánh Bắc Kinh của Ngân hàng Giao thông, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Ngân hàng Trung Tín để hỗ trợ các đơn vị liên quan trong các vấn đề như phê duyệt khoản vay và hạn mức tín dụng, từ đó thu lợi bất chính số tiền lên tới gần 1 tỷ NDT.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Tôn Đức Thuận đã nhận tội.
T.P