Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLo ngại tăng cao ở Hong Kong khi Lý Gia Siêu lên...

Lo ngại tăng cao ở Hong Kong khi Lý Gia Siêu lên nắm quyền

Vị cựu cảnh sát là lựa chọn của Trung Quốc để dẫn dắt những người dân Hong Kong đang cảnh giác với luật an ninh.

Những cảnh quay võ thuật tại Hong Kong là thứ đã sản sinh ra nhiều huyền thoại và nhiều bộ phim bom tấn. Thế nhưng, một sự kiện bất ngờ đã xảy ra trong tháng qua, khi một huấn luyện viên và trợ lý nữ của ông bị bắt giam và buộc tội lên kế hoạch “xây dựng quân đội” chống lại nhà nước.

Cảnh sát cho biết họ đã tịch thu một loạt vũ khí, bao gồm kiếm, dao, nỏ, và một khẩu súng hơi. Họ cũng cho biết đã tìm thấy các bài đăng chống Đảng Cộng sản Trung Quốc trên trang Facebook của trung tâm võ thuật.

Dù cơ sở của vụ việc là gì, nó cũng minh họa cho những nỗi sợ hãi đang ẩn giấu bên dưới lớp vỏ bình yên của Hong Kong.

Không khí nay không còn đặc quánh hơi cay. Đường phố cũng không còn tràn ngập những người biểu tình như thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và trung ương dường như vẫn lo sợ rằng một bộ phận đáng kể người dân sẽ chống lại họ. Về phần mình, các công dân Hong Kong lại lo sợ đạo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, và nguy cơ phải ngồi tù nếu họ nói ra điều không nên nói.

Chính trong môi trường đầy rẫy khó khăn này, một nhà lãnh đạo mới sẽ được chọn vào ngày 08/05, vì Đặc khu Trưởng đương nhiệm – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) – đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Lý Gia Siêu (John Lee), một sĩ quan cảnh sát kỳ cựu, người cho đến gần đây vẫn là phụ tá của Lâm với tư cách Ty trưởng Ty chính vụ, có lẽ là ứng viên duy nhất có đủ sự ủng hộ để chính thức tranh cử.

Cho đến nay, ứng viên cứng rắn này là người duy nhất nhận được sự ủng hộ hết sức quan trọng của chính phủ Trung Quốc, những người trong ủy ban bầu cử tiết lộ với Nikkei Asia. Vị trí Đặc khu Trưởng không phải do dân chúng bầu ra, mà được chọn bởi gần 1.500 thành viên của ủy ban do Bắc Kinh kiểm soát.

“Ông ấy sẽ là ứng viên duy nhất,” một thành viên ủy ban dự đoán.

Sự nghiệp của Lý – 64 tuổi – tập trung hoàn toàn vào công tác trị an và an ninh. Ông có ít kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực tài chính và kinh doanh, vốn là điều mang lại sức mạnh cho nền kinh tế, cũng không có kiến thức về các vấn đề xã hội như nhà ở. Nhiều vị quản lý và chuyên gia ngân hàng chia sẻ với Nikkei Asia rằng việc lựa chọn ông Lý sẽ không giúp phục hồi niềm tin đang suy giảm trên toàn cầu đối với danh tiếng của trung tâm tài chính Hong Kong.

Một giám đốc tài chính tiết lộ rằng “Triển vọng đang không tốt lắm.”

Lý nói với các phóng viên “chẳng có người nào lại biết tất cả mọi thứ,” và thề sẽ xây dựng một đội ngũ với các quan chức giàu kinh nghiệm và hiểu biết, “những người có niềm đam mê làm việc vì Hong Kong.” Đội ngũ vận động tranh cử của ông chủ yếu gồm các nhân vật chính trị nặng ký thân Bắc Kinh, và đồng giám đốc điều hành của Ngân hàng Đông Á, Brian Li.

Nếu Lý cuối cùng được bầu làm Đặc khu trưởng, điều đó sẽ cho thấy những gì đang chờ đợi thành phố 7,4 triệu dân.

Điều đó có nghĩa là chính quyền trung ương “vẫn lo lắng về an ninh quốc gia hoặc môi trường chính trị ở Hong Kong,” giáo sư Liu Dong-shu từ Khoa Chính sách Công của Đại học Thành thị Hong Kong cho biết. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh “lo ngại về vị trí của Hong Kong, việc Hong Kong bị Mỹ – hay cái gọi là ‘các nước phương Tây thù địch’ – sử dụng để chống lại Trung Quốc.”

Những người biểu tình trẻ tuổi của thành phố từng chế nhạo Lý, khi sử dụng phiên âm tên tiếng Trung của ông sang tiếng Anh, Lee Ka-chiu. Họ gọi ông là Pikachu, theo tên con vật lông xù, mũm mĩm trong loạt phim Pokemon. Nhưng hồ sơ của vị quan chức không hẳn dễ thương và đáng yêu như vậy.

Dưới sự giám sát của ông trên cương vị Cục trưởng Cục Bảo an, và trong thời gian ngắn giữ chức Ty trưởng Ty Chính vụ, bộ phận an ninh quốc gia bí mật, được thành lập tại Hong Kong theo luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, đã bắt giữ gần 200 người và dập tắt phong trào ủng hộ dân chủ. Danh sách bắt giữ bao gồm nhiều chính trị gia, nhà hoạt động xã hội, luật sư, nhà báo, và học sinh-sinh viên, có người chỉ mới 15 tuổi. Các cáo buộc chống lại họ bao gồm các tội danh như “kích động hận thù” chống lại chính phủ Hong Kong và Trung Quốc, hoặc sử dụng khẩu hiệu chống đối “Giải phóng Hong Kong, Cách mạng của Thời đại chúng ta” – mà nay đã bị cấm.

Một số người đang ăn mừng viễn cảnh Lý lên nắm quyền. Lưu Triệu Giai, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc Macao và Hong Kong được nhà nước hậu thuẫn, gọi Lý là “lựa chọn tốt nhất.”

“Ưu điểm lớn nhất của Lý Gia Siêu là sự bình tĩnh và can đảm của ông ấy trong quá trình dập tắt bạo loạn,” Lưu nói, đồng thời dự đoán rằng chính quyền trung ương sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc điều hành Hong Kong trong những năm tới.

Việc Lâm nhường lại ghế cho Lý sẽ không phải là sự thay đổi lãnh đạo cấp cao đầu tiên trong năm, nhằm báo hiệu quyết tâm của Bắc Kinh trong việc siết chặt vòng kìm kẹp của mình.

Hồi tháng 3, Wang Linggui được chọn làm phó giám đốc phụ trách các vấn đề Hong Kong và Macao, cơ quan trực thuộc đảng của Bắc Kinh, chịu trách nhiệm định hình chính sách của hai thành phố. Wang là một chuyên gia an ninh quốc gia, người đã tập trung vào Tân Cương, khu vực phía tây bắc của Trung Quốc, nơi các nhóm nhân quyền nói rằng chính quyền đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Mỹ và một số nước khác đã cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng, nhưng Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Tháng 1, Bành Kinh Đường, một vị tướng lãnh đạo các hoạt động chống khủng bố ở Tân Cương, đã nắm quyền chỉ huy đơn vị đồn trú của Quân Giải phóng Nhân dân ở Hong Kong.

Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong Baptist, cho biết những động thái này “thể hiện sự sợ hãi, hoặc cảm giác bất an … rằng Hong Kong có thể vẫn là căn cứ cho hoạt động lật đổ.”

Ngân sách của cảnh sát được cho là cũng phản ánh điều này.

Chi tiêu của chính phủ cho lực lượng cảnh sát dự kiến sẽ tăng hơn 14% trong năm 2022-2023, lên 26,7 tỷ đô la Hong Kong (3,4 tỷ đô la Mỹ). Ngân sách để mua thiết bị và phương tiện cảnh sát đã tăng gần gấp 4 lần trong năm nay, từ 125 triệu đô la Hong Kong lên 508 triệu đô la Hong Kong – tất cả là dành cho thành phố thường xuyên được xếp hạng là một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới. Lực lượng này đã mua sắm xe buýt chiến thuật, xe chống bạo động được trang bị vòi rồng, và nhiều thiết bị khác.

Từng là một cảnh tượng không phổ biến, nay các nhóm gồm ít nhất 4 cảnh sát thường xuyên tuần tra các khu phố và ga tàu, tiến hành các hoạt động lục soát (stop-and-search) những người qua đường trẻ tuổi.

Eric Lai, chuyên gia về luật Hong Kong tại Trung tâm Luật Châu Á thuộc Đại học Georgetown, cho biết: “Hong Kong đã trở thành một thành phố có mức độ giám sát cao và [đã] trao quyền nhiều hơn cho cơ quan hành pháp.”

Một số hành vi giám sát là dựa vào chính công chúng. Một đường dây nóng an ninh quốc gia, ra mắt vào tháng 11/2020, để khuyến khích người dân báo cáo các hành vi vi phạm có thể xảy ra, đã nhận được hơn 230.000 cuộc gọi trong năm đầu tiên.

Hàng xóm tố cáo lẫn nhau chỉ là một phần của làn sóng xói mòn tự do, vốn đã khiến một bộ phận dân cư không khỏi lo lắng, dữ liệu khảo sát cho thấy.

Trong một cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong, hơn một nửa trong số 6.723 cư dân tham gia khảo sát cho biết họ không tự tin một phần, hoặc hoàn toàn không tự tin vào tương lai của tự do cá nhân. Cứ bốn người thì có một người cho biết họ có kế hoạch rời thành phố vĩnh viễn. Mong muốn rời đi cũng không phụ thuộc vào ý thức hệ: Khoảng 17% những người dự định di cư cho biết họ không phải là người ủng hộ phong trào dân chủ.

Tàn dư của phong trào dân chủ vẫn là mục tiêu bị săn đuổi. Việc theo dõi các phiên tòa liên quan đến những người phản đối chính quyền đã trở nên khó khăn hơn, sau khi các nền tảng truyền thông độc lập như Stand News và Citizen News bị đóng cửa. Một tổ chức phi chính phủ giấu tên cho biết, hơn 10.000 người đã bị bắt và gần 3.000 người bị truy tố kể từ cuộc biểu tình năm 2019.

Các đại diện pháp lý nói với Nikkei Asia rằng sau 3 năm, cảnh sát vẫn đang tiếp tục truy lùng và buộc tội những người liên quan có đến các cuộc biểu tình. Một số luật sư giấu tên lưu ý rằng số tiền bảo lãnh tại ngoại đã được đẩy lên cao hơn nhiều so với bình thường, và việc trì hoãn xét xử dài hạn cũng đồng nghĩa là các bị cáo sẽ bị giam giữ vô thời hạn mà không cần xét xử.

Một luật sư cho biết, “Giờ đây việc bảo lãnh tại ngoại thường bị từ chối, và ngay cả khi nó được chấp thuận, các công tố viên vẫn sẽ kháng nghị và cố gắng giam giữ thân chủ của chúng tôi.”

Mặt khác, cảnh sát lại không bị truy cứu trách nhiệm, dù một báo cáo độc lập kết luận rằng vũ lực quá mức đã được sử dụng để chống lại những người biểu tình. Không một sĩ quan nào được cho là phải chịu trách nhiệm.

Năm nay, nhiều khả năng bộ công cụ pháp lý mà chính quyền dùng để trấn áp bất đồng chính kiến sẽ được mở rộng, khi người ta dự kiến thông qua một đạo luật an ninh địa phương.

Đạo luật mới này tách biệt với luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hong Kong kể từ tháng 6/2020. Cho đến nay, luật an ninh đã đàn áp quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp được thiết lập bởi khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” – khi người Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Luật an ninh nhắm vào các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố, và cấu kết với các thế lực nước ngoài, với mức án lên đến tù chung thân.

Các nhà chức trách cũng đang sử dụng luật chống lật đổ năm 1938. “Sau nhiều thập niên không được dùng đến, luật chống lật đổ thời thuộc địa gần đây đã được áp dụng thường xuyên hơn đối với các trường hợp bị cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia,” công ty tư vấn A2 Global Risk cho biết trong một bài bình luận sau cuộc đột kích vào trung tâm võ thuật. Người huấn luyện viên trong vụ việc đã bị buộc tội theo luật này.

Đầu tháng 3, một DJ tên Tam Tak-chi trở thành người đầu tiên bị tuyên án dựa trên luật chống lật đổ kể từ năm 1997.

A2 cho biết, “Kích động lật đổ sẽ được thêm vào một số tội đe dọa an ninh quốc gia mới vào cuối năm nay, nghĩa là khung hình phạt có thể tăng so với mức tối đa hiện tại là hai năm tù.”

Luật an ninh địa phương, trong trường hợp chính thức có hiệu lực, dự kiến sẽ bao gồm tội phản quốc, gián điệp, và đánh cắp bí mật nhà nước.

Tháng 1, Cục trưởng Cục Bảo an Chris Tang cáo buộc nước ngoài đang cố gắng xúi giục một cuộc “cách mạng màu” ở Hong Kong. Và trong chuỗi cuộc họp lập pháp thường niên của Trung Quốc vào tháng 3, Lật Chiến Thư, Chủ tịch Nhân đại, đã cam kết duy trì sự ủng hộ đối với Hong Kong trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm một “kế hoạch về những loại vũ khí pháp lý cho các cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng nước ngoài.”

Trong khi đó, “khủng bố” và “cực đoan hóa” đã trở thành từ ngữ thông dụng. Một bản tin cộng đồng phát hành trên toàn thành phố nhằm “nâng cao nhận thức chống khủng bố của cộng đồng” đã được lực lượng cảnh sát chính thức triển khai vào ngày 28/03. Bản tin được nhét vào hòm thư gia đình, kêu gọi mọi người báo cáo những cá nhân hoặc hành động đáng ngờ. Quảng cáo chống khủng bố xuất hiện khắp mọi nơi, được phát đi phát lại trên truyền hình, và dán kín trên những bức tường ở ga tàu.

Các quan chức hiện đang xem xét liệu các học viên của trung tâm võ thuật có bị cực đoan hóa hay không. Khi một người đàn ông 50 tuổi đâm một sĩ quan cảnh sát vào tháng 7 năm ngoái, trước khi tự quay mũi dao vào mình, người ta đã mô tả đó là “hành động khủng bố trong nước kiểu con sói đơn độc.” Các sinh viên đại học sau đó cũng bị buộc tội ủng hộ chủ nghĩa khủng bố sau khi họ thông qua một đề nghị của hội sinh viên nhằm ủng hộ người tấn công cảnh sát.

Người đầu tiên bị kết án theo luật an ninh quốc gia, cựu nhân viên nhà hàng Tong Ying-kit, bị kết tội khủng bố vì điều khiển xe máy đâm vào cảnh sát. Ba người đã bị thương trong vụ việc.

Trong hai năm qua, tổng số vụ bắt giữ với cáo buộc khủng bố đã tăng từ 0 lên 19.

Trong bối cảnh này, một số nhà phân tích đang thận trọng chống lại việc sử dụng tràn lan cáo buộc “khủng bố”, cho rằng mối đe dọa này đã bị thổi phồng quá mức. “Không có rủi ro khủng bố nghiêm trọng ở Hong Kong, và không có nguy cơ thực sự,” một chuyên gia an ninh giấu tên cho biết.

Eric Lai của Đại học Georgetown cho biết “không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ [Hong Kong] đang cố gắng kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn, và kiểm duyệt tất cả các lực lượng phản kháng tiềm năng, hoặc những tiếng nói bất đồng, dưới vỏ bọc chống khủng bố.”

Các chuyên gia cho rằng những diễn biến ở Hong Kong đang làm nổi bật mong muốn của Bắc Kinh đối với kiểm soát nhà nước tuyệt đối. Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học London, nhận xét Hong Kong đang trải qua một quá trình “đại lục hóa” không thể bị thách thức hoặc đảo ngược. Dưới sự lãnh đạo của Lý Gia Siêu, hoặc một Đặc khu Trưởng khác được Bắc Kinh chấp thuận, quá trình đó gần như chắc chắn sẽ tiếp tục.

Tsang nói: “Các sáng kiến mới không báo hiệu sự hà khắc lớn hơn như một bước phát triển mới. Thay vào đó, chúng xác nhận sự tiếp tục của đường lối cứng rắn vốn đã có từ trước.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới