Theo Nhà Trắng, hôm 13/05 Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật ủng hộ sự tiếp cận hợp lệ của Đài Loan với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành luật.
Đạo luật lưỡng đảng S.812 chỉ thị ngoại trưởng Hoa Kỳ phát triển một chiến lược để giành lại tư cách quan sát viên cho Đài Loan tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA). Đây là cơ quan ra quyết định cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tìm cách thúc đẩy tiếng nói của hòn đảo tự quản này khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục nỗ lực nhằm cô lập và bịt miệng Đài Loan trên trường thế giới.
“Đài Loan vẫn là một nhà đóng góp kiểu mẫu cho nền y tế thế giới”, nội dung đạo luật nêu rõ. “Năm 2020, sau khi ngăn chặn thành công sự lây lan của virus corona chủng mới trong biên giới của mình trong khi vẫn duy trì các nguyên tắc dân chủ, Đài Loan đã hào phóng quyên tặng hàng triệu thiết bị bảo hộ cá nhân và các kít xét nghiệm COVID-19 cho các quốc gia có nhu cầu”.
“Việc loại bỏ Đài Loan một cách không cần thiết khỏi sự hợp tác y tế toàn cầu làm tăng nguy cơ do đại dịch toàn cầu gây ra”.
Dự luật này được Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey), chủ tịch Ủy ban Quan hệ Ngoại giao Thượng viện giới thiệu. Hạ viện thông qua dự luật với tỷ lệ biểu quyết 425–0 hồi cuối tháng Tư. Thượng viện thông qua với “sự đồng thuận hoàn toàn” hồi cuối tháng Tám. Dự luật này được gửi lên Nhà Trắng để xin chữ ký của Tổng thống Biden.
Ông Menendez và Thượng nghĩ sĩ Jim Inhofe (Cộng Hòa-Oklahoma), đồng chủ tịch của Nhóm về Đài Loan tại Thượng viện, đã hoan nghênh việc tổng thống ký ban hành luật này. Một tuần trước đó, các phái đoàn từ tất cả các quốc gia thành viên của WHO đã tham dự cuộc họp WHA năm nay, bắt đầu từ ngày 22/05 tại Geneva.
Ông Menendez nói trong một tuyên bố: “Khi lập trường hiếu chiến của Bắc Kinh đối với Đài Loan tiếp tục gia tăng, Hoa Kỳ một lần nữa thể hiện cam kết của mình trong việc bảo đảm sự hiện diện của Đài Loan trên vũ đài quốc tế”.
Ông Inhofe cho biết tư cách quan sát viên của Đài Loan “phải” được phục hồi.
“Chúng tôi đang tiến gần hơn một bước tới mục tiêu đó”, ông nói. “Với hành vi ác ý liên tiếp của Trung Quốc, chúng tôi không thể cho phép họ từ chối Đài Loan ở vị trí thành viên có quyền ra quyết định thêm nữa”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự cảm ơn để đáp lại “sự hỗ trợ lưỡng đảng, lưỡng viện” từ Hoa Kỳ.
Năm mươi năm trước, Đài Loan, chính thức được biết đến vào thời điểm đó là Trung Hoa Dân Quốc (ROC), đã bị trục xuất khỏi WHO sau khi tổ chức toàn cầu của Liên Hiệp Quốc này chuyển từ công nhận Trung Hoa Dân Quốc dân chủ tự do sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. ĐCS Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai mặc dù đảo này chưa từng bị ĐCS Trung Quốc cai trị.
Đài Loan đã tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới thường niên với tư cách là quan sát viên từ năm 2009 đến năm 2016, nhưng sau đó đã bị tước bỏ tư cách đó vì sự phản đối của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Đảng Dân Chủ Tiến bộ cầm quyền dưới sự lãnh đạo của bà xem Đài Loan là một quốc gia trên thực tế.
Giới chức Đài Loan đã bác bỏ điều kiện chính do Trung Quốc đặt ra để Đài Loan có quyền tham gia vào WHO với tư cách một quan sát viên — chấp nhận là một phần của Trung Quốc – tại một cuộc họp trước đó được tổ chức trong thời kỳ đại dịch.
Tuần trước, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết Bộ của ông đang “nỗ lực một cách chủ động” để được mời tham dự cuộc họp WHA.
T.P