Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThị trường trái phiếu doanh nghiệp, cái chân kiềng lung lay của...

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cái chân kiềng lung lay của nền tài chính VIỆT NAM

Thị trường trái phiếu được ví là một chân kiềng của hoạt động kinh tế quốc gia, nếu chân kiềng không vững thì thứ nó đỡ sẽ lung lay và nguy cơ sụp đổ.

Xây dựng và phát triển một thị trường trái phiếu lành mạnh, minh bạch và quy củ phải được xem là ưu tiên hàng đầu nhằm kiện toàn hệ thống tài chính Việt Nam.

Thị trường cổ phần, tín dụng ngân hàng và thị trường trái phiếu được ví là cái kiềng ba chân làm bệ đỡ tài chính cho hoạt động kinh tế của một quốc gia. Xét về đặc tính nguồn vốn, cổ phần là nguồn vốn trường kỳ (rất dài hạn) của chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng về nguyên tắc là ngắn hạn. Trái phiếu chính là mảnh ghép trung đến dài hạn trong cơ cấu vốn của khối doanh nghiệp. Nếu một trong ba chân của cái kiềng không vững thì thứ nó đỡ sẽ lung lay và có nguy cơ sụp đổ.

Đáng tiếc, thực trạng của thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện nay như là cái chân lung lay của một cái kiềng vậy!

Sự bùng nổ về số lượng trái phiếu phát hành trong vài năm gần đây cho thấy những “sáng tạo” không lành mạnh. Nhiều trái phiếu thực chất là công cụ để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng biến tướng các khoản tín dụng hoặc chuyển rủi ro sang cho các nhà đầu tư trái phiếu.

Ví dụ, doanh nghiệp mẹ cần đảo nợ hoặc không đủ điều kiện tín dụng thì lấy doanh nghiệp con phát hành trái phiếu. Ngân hàng hết hạn mức cho vay trung và dài hạn thì chuyển trái phiếu sang cho công ty chứng khoán trực thuộc nắm giữ hoặc bán lại trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, tổ chức hay các quỹ đầu tư. Nếu có một sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư thì quả thật không có quy định nào là khó “lách”.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư ngoài khối này, họ thường được doanh nghiệp phát hành hay tổ chức tài chính đưa ra nhiều hứa hẹn và cam kết khi mua trái phiếu. Tuy nhiên nếu xét kỹ thì rất nhiều cam kết là hữu danh mà ít thực như bảo lãnh thanh toán giữa công ty mẹ và con, cam kết mua lại của đơn vị phân phối cho nhà đầu tư thứ cấp… Tài sản đảm bảo của trái phiếu trong nhiều trường hợp là cổ phiếu, dự án, tài sản hình thành trong tương lai cũng chỉ mang nặng tính hình thức vì rất khó định giá hoặc giá trị biến thiên quá lớn. Qua một ma trận những cam kết hữu danh mà ít thực như thế trái chủ sẽ rất khó nhận ra những rủi ro mình phải gánh chịu khi đầu tư vào những sản phẩm này.

Những sản phẩm tài chính được ra đời bởi sự “sáng tạo” nhằm “lách” những quy định về an toàn tài chính của nhà chức trách luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường cho toàn bộ hệ thống tài chính.

Vì sao có sự bùng nổ thiếu lành mạnh?

Đó là vì ta đang “xây nhà từ nóc”, đang để cho thị trường phát triển quá tự phát mà thiếu đi một nền móng vững chắc.

Nền móng của thị trường trái phiếu gồm hai yếu tố chính: một là khung pháp lý và hồ sơ phát hành, hai là xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Chúng ta cần phải hoàn thiện rất nhiều những yếu tố đó.

Ngoài ra, một vai trò ít được chú ý nhưng lại vô cùng quan trọng nữa của trái phiếu đó là vai trò của một sản phẩm tài chính không thể thiếu cho hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, trái phiếu là kênh đầu tư cung cấp nguồn thu ổn định và dài hạn cho các quỹ bảo hiểm nhân thọ và hưu trí, hai thực thể không thể thiếu được trong bất cứ hệ thống an sinh xã hội nào.

Các công ty bảo hiểm khi bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ phát sinh nghĩa vụ tài chính dài hạn với người mua (vì từ thời điểm mua bảo hiểm đến thời điểm tiền bảo hiểm được trả thường là một quãng thời gian rất dài). Hơn nữa, số tiền bảo hiểm người mua phải đóng và sẽ nhận được thường là cố định. Xét về đặc tính sản phẩm thì trái phiếu là sản phẩm duy nhất phù hợp để các quỹ bảo hiểm đầu tư nhằm thực hiện nghĩa vụ tài chính đó.

Thực tế lấy ví dụ các quỹ bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản, trong danh mục đầu tư của họ có đến trên dưới 80% là trái phiếu và các sản phẩm lãi suất khác. Nếu xét về tỉ lệ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ bảo hiểm và hưu trí Nhật Bản nắm giữ hơn 31% tổng lượng phát hành. Ở các thị trường phát triển khác tỉ lệ này còn cao hơn; ở Anh, khối châu Âu và Mỹ tỉ lệ này lần lượt là 32%, 35% và 49% (dữ liệu OECD).

Ở nước ta, do nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp rất hạn chế nên các công ty bảo hiểm chỉ có thể mua trái phiếu chính phủ hoặc phải xoay vòng đầu tư ngắn hạn kết hợp với các khoản đầu tư rủi ro cao. Trái phiếu chính phủ hiện nay chỉ có lãi suất khoảng 2,3% cho kỳ hạn 10 năm, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ lạm phát.

Xoay vòng đầu tư ngắn hạn kết hợp với các khoản đầu tư rủi ro thì có thể mang đến một mức lợi nhuận chấp nhận được trong ngắn hạn nhưng không có gì đảm bảo mức đó có thể được duy trì trong dài hạn.

Thực tế, vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng cho một nền kinh tế. Đất nước ta đang trong giai đoạn tăng trưởng cao ở thời kỳ dân số vàng. Sự phát triển của thị trường này một mặt góp phần cởi bỏ một nút thắt về vốn mà cho doanh nghiệp mà chắc chắn sẽ mang lại sự phát triển kinh tế bùng nổ hơn. Mặt khác, nó còn là một điều kiện cấp thiết cho quá trình xây dựng và phát triển mạng lưới an sinh xã hội, khi mà sự già hóa và giảm dân số sẽ xảy ra trong tương lai không còn xa nữa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới