Chẳng còn mấy hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hỏi tới các gói hỗ trợ lãi suất 2% cùng tiến độ xử lý những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi nữa.
Đại diện một tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đã trả lời như vậy khi được hỏi về mối quan tâm của doanh nghiệp với các gói hỗ trợ, dù đầu năm nay, tổ chức này là địa chỉ nhận được rất nhiều kiến nghị, đề nghị tháo gỡ khó khăn, tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguyên nhân có thể vì các hoạt động sản xuất – kinh doanh đang trở lại, nên doanh nghiệp bận rộn sau 2 năm đình trệ do dịch bệnh, nhưng cũng có thể vì doanh nghiệp phải có những tính toán khác sau khi chờ đợi quá lâu. Chỉ có điều, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cả giới chuyên gia kinh tế cảm thấy tiếc khi tốc độ phục hồi của cả nền kinh tế, của doanh nghiệp hiện chủ yếu nhờ sự mở cửa trở lại sau dịch bệnh, chứ chưa có được sức đẩy, sức kéo mạnh từ các chính sách hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ đưa ra rất sớm, với khá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Song, cơ hội để tối ưu tốc độ phục hồi và phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát, khi nền kinh tế mở cửa trở lại chỉ xuất hiện ở thời điểm hiện nay có khả năng bị thu hẹp dần do các biến số bất lợi của nền kinh tế thế giới và trong nước đã xuất hiện nhiều hơn, phức tạp hơn.
Thực ra, Quốc hội, Chính phủ cũng đang rất rốt ráo với công việc trên.
Trong Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phần việc đã và đang làm được Chính phủ liệt kê khá rõ.
Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện trong tháng 2 và tháng 3 để đôn đốc, yêu cầu các bộ, các cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết 11), cũng như về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Hầu hết các bộ, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 11 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. Tuy vậy, phải thẳng thắn rằng, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm.
Nhiều chính sánh mà cộng đồng doanh nghiệp đang chờ, như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội… vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đang có thông tin là những văn bản này có thể được ban hành trong tháng 5/2022.
Ngay cả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 được đánh giá là chính sách đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân, nếu được thực hiện hiệu quả còn giúp lạm phát giảm khoảng 1%, song nhiều vướng mắc đang nổi lên. Cụ thể là vướng trong việc rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa, dịch vụ được hưởng chính sách giảm thuế cũng như việc xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng…
Trao đổi về sự chậm trễ này, nhiều doanh nghiệp nói, họ hiểu được lý do. Đó là nhiều cơ chế, chính sách lần này có những điểm mới, đặc thù, cần có sự cân nhắc, phân tích kỹ, nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng văn bản, đồng thời có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi. Đó là nhiều gói giải pháp không chỉ hướng tới giải quyết vấn đề trước mắt, mà gắn với các kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, đòi hỏi nhiều thời gian đánh giá…
Nhưng doanh nghiệp cũng cho rằng, nhiều phần việc đáng ra có thể làm ngay, nhưng vẫn chậm. Chẳng hạn, chậm cắt giảm thủ tục, điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ; chậm cắt giảm các loại điều kiện kinh doanh, chi phí đang làm khó doanh nghiệp; chậm trả lời các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp một cách thực sự trách nhiệm…
Có lẽ phải nhắc đến đánh giá của giới chuyên gia kinh tế về thực trạng nhiều nền kinh tế trên thế giới gần như bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào cùng một thời điểm, nhưng lại bước ra, phục hồi kinh tế theo cách khác nhau, ở thời điểm khác nhau. Điều đáng nói ở đây là, cách thức bước ra khỏi khó khăn, cách thức hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, cách thức phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng chính sách của mỗi nước.
T.P