Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTruyền thông Hồng Kông: “Nga đang mắc sai lầm tính toán địa...

Truyền thông Hồng Kông: “Nga đang mắc sai lầm tính toán địa chính trị lớn nhất sau Thế chiến II!”

Trang tin Hồng Kông Hk01 ngày 17/7 cho rằng, với việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO do tác động của việc Nga đưa quân vào Ukraine, Nga đã mắc sai lầm địa Chính trị lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ II.

Truyền thông Hồng Kông Hk01 cho rằng ông Putin đã tính toán sai lầm địa chính trị lớn khiến Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Bài báo viết: Ngày 15/5, Chính phủ Phần Lan chính thức thông báo họ sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Tại cuộc họp báo chung diễn ra cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin đã gọi ngày này là “một ngày lịch sử”, đánh dấu “một kỷ nguyên mới đang bắt đầu”…

Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển sau đó cùng ngày cũng tuyên bố thay đổi ý kiến ​​phản đối việc gia nhập NATO lâu nay, nói rằng việc gia nhập NATO là “biện pháp tốt nhất cho sự an toàn của đất nước và người dân Thụy Điển”.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự phản đối việc hai nước này gia nhập, nhưng do các nước NATO khác gần như nhất trí ủng hộ, nhiều nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ nhân nhượng, rút bỏ sự phản đối sau khi giành được một số lợi ích; có nghĩa là Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO đã chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ lấp đầy khoảng trống chiến lược đã tồn tại ở hướng Bắc Âu kể từ khi NATO thành lập, và toàn bộ phía Châu Âu của họ sẽ áp sát Nga hơn.

Bài báo viết, một trong những lý do chính khiến Tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến chống Ukraine là do NATO đang mở rộng về phía đông cố gắng kết nạp Ukraine, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga nên họ quyết định tung đòn quân sự trước kiểu “tiên phát chế nhân” để loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa an ninh do việc Ukraine trở thành thành viên NATO gây nên.

Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của ông Putin, khi mà mối đe dọa từ Ukraine vẫn chưa được dẹp bỏ, ở hướng Tây Bắc biển Baltic quan trọng hơn, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vì chiến tranh Nga-Ukraine kích thích khiến biên giới NATO mở rộng hơn về phía biên giới biển Baltic nhạy cảm đối với Nga. Việc tìm kiếm an ninh tuyệt đối chắc chắn sẽ dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh lớn hơn, và Nga hiện đang lâm vào tình thế khó xử như vậy.

Giữa Phần Lan và Nga có một đường biên giới dài hơn 1.300 km, là một tuyến trọng điểm trên biển Baltic cùng với Thụy Điển và chỉ cách St. Petersburg, Nga một bước chân. Phần Lan gia nhập NATO, ngoài việc tạo thành sự phong tỏa quân sự đối với Nga ở biển Baltic, cũng sẽ khiến Nga mất ngủ về an ninh trên đất liền. Nếu NATO triển khai tên lửa và máy bay ném bom chiến lược đến Phần Lan, một khi chiến tranh nổ ra, chỉ cần mười phút là các máy bay của họ đã bay đến St.Petersburg, điều này sẽ làm giảm đáng kể thời gian phản ứng của Nga. Tất nhiên, đây chỉ là tình huống giả định, bởi sau khi hàng loạt quốc gia Đông Âu gia nhập NATO, NATO đã không triển khai lực lượng quân sự tại các quốc gia này trước khi xảy ra Sự kiện Crimea.

Ngoài ra, một số chuyên gia đã tính toán rằng sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới giữa Nga và NATO sẽ tăng lên gấp ba lần. Theo đó, ngoài sự cần thiết phải điều chỉnh việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, Nga cũng phải tăng cường vũ khí thông thường và đầu tư vào quân sự, bao gồm cả việc mở rộng Hạm đội Baltic và Hạm đội Phương Bắc, điều này sẽ khiến nền kinh tế vốn đã căng thẳng của Nga và gánh nặng quân sự càng thêm nặng.

Do đó, sau khi Phần Lan và Thụy Điển bày tỏ ý muốn gia nhập NATO, Nga đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo an ninh đối với Phần Lan và Thụy Điển. Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cảnh báo rằng nếu Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải tăng cường lực lượng quân sự ở các khu vực giáp ranh giữa hai nước, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ rời của Nga nằm ở vùng ven biển Baltic.

Ông Stepanov, Đại sứ Nga tại Canada, tuyên bố, nếu Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải coi họ là đối thủ của Nga. Sau khi Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 16/5 tuyên bố thêm rằng “NATO không nên ảo tưởng rằng Nga sẽ bình tĩnh đối xử với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là một sai lầm của NATO, sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng trong tương lai”.

Vào tháng 7/2016, khi Tổng thống Nga Putin đến thăm Helsinki, ông đã khéo léo cảnh báo Tổng thống Phần Lan Niinisto: “Nga tôn trọng sự lựa chọn của Phần Lan, nhưng gia nhập NATO có nghĩa là quân đội Phần Lan sẽ mất quyền tự chủ và trở thành một lực lượng quân sự của NATO; khi đó quân đội Nga sẽ buộc phải bố trí lại”.

Bài báo nhận định, mặc dù đưa ra những lời đe dọa bằng lời nói, ít nhất cho đến nay, Nga hiện đang lún sâu vào chiến trường Ukraine, e rằng không có cách nào khác tốt hơn trước việc hai nước Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO bởi vì tình hình ngày nay đã hoàn toàn khác so với vài năm trước.

Bị thúc đẩy bởi cuộc chiến ở Ukraine, nỗi sợ hãi hàng thế kỷ về Nga đã được đánh thức trên khắp châu Âu, cũng như Phần Lan và Thụy Điển. Vì nguyên nhân lịch sử, Phần Lan và Thụy Điển luôn giữ thái độ trung lập đối với việc gia nhập NATO, đặc biệt là Phần Lan, vì những tranh chấp phức tạp với Nga trong lịch sử; đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi cuộc Chiến tranh Nga – Phần Lan và sự định hình của cục diện quốc tế sau Thế chiến II họ đã không bức thiết xin gia nhập NATO.

Tuy nhiên, chiến tranh Ukraine bùng nổ đã gây ra những thay đổi rất lớn trong dư luận cả hai nước. Truyền thông Phần Lan YLE hôm 14/3 đăng tải kết quả thăm dò dân ý cho thấy có tới 62% người dân nước này được hỏi tán thành Phần Lan gia nhập NATO đã tăng gấp đôi so với cuộc thăm dò tiến hành vào tháng 1/2022.

Số liệu thăm dò do Thụy Điển công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua cũng cho thấy tỷ lệ công dân ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO đã lên tới 57%, mức cao kỷ lục trong lịch sử. Trong hoàn cảnh như vậy, với tư cách là các chính phủ được bầu cử dân chủ, các nhà cầm quyền của Phần Lan và Thụy Điển chắc chắn sẽ gia nhập NATO tuân theo dư luận, cho dù họ không xem xét đến an ninh quốc gia, mà chỉ vì nhu cầu bỏ phiếu. Hơn nữa, ngay cả khi người Nga không muốn, cũng không có khả năng đưa ra các mối đe dọa chiến tranh với các quốc gia khác. Đối với Phần Lan và Thụy Điển, đây là một cơ hội chỉ có một lần trong đời, nếu bị bỏ lỡ sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa.

Bài bình luận viết: Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đồng thời cũng là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng. Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ kết thúc vĩnh viễn lịch sử “Phần Lan hóa” lâu nay của họ; khiến quốc gia này từ chỗ “An ninh trung lập” dưới sự chế ngự của Nga, trở thành nước được NATO bảo đảm “an ninh tuyệt đối”, sẽ làm thay đổi sâu sắc đường biên giới địa lý kể từ sau cuộc chiến tranh Nga – Phần Lan.

Bài báo kết luận: NATO đã mở rộng hơn nữa đường biên giới của mình về phía đông và sức mạnh sẽ được hồi sinh bằng cách kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói: cuộc chiến ở Ukraine “dường như đã mang lại cho NATO một sự thức tỉnh nhờ sốc điện”, khiến cho cỗ máy quân sự này này đang ở trên bờ vực “chết não”, được hồi sinh và chuyển động.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới