Tại Diễn đàn Bác Ngao tháng trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đổ lỗi cho Mỹ về chiến tranh và hiện trạng kinh tế toàn cầu mà không thực sự nêu tên Mỹ. Ông Tập đồng thời công bố “Sáng kiến An ninh Toàn cầu”. Đây là một kế hoạch khác để Bắc Kinh tiến ra thế giới, đe dọa đến an ninh toàn cầu.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) là diễn đàn thường niên do Trung Quốc dẫn đầu, họp mặt 28 quốc gia, được mô phỏng theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ. BFA được đặt theo tên của Bác Ngao (Bo’ao), một thị trấn ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Diễn đàn Bác Ngao năm nay diễn ra từ hôm 20/04 đến hôm 22/04 với chủ đề “Thế giới trong COVID-19 và hơn thế: Hợp tác cho phát triển toàn cầu và tương lai chung”.
ĐCSTQ luôn nói ngược lại với những gì họ làm
Ông Tập đã nói về hợp tác, hội nhập, thương mại và kinh tế trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn. Ngôn ngữ được sử dụng là một cuộc tấn công ngầm nhắm vào Mỹ – quốc gia mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) miêu tả là nước theo chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ. Trong khi trên thực tế, thuế quan của Trung Quốc đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cao hơn thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc hầu như không bị hạn chế đầu tư và tiếp cận thị trường ở Mỹ, trong khi rất khó để tiếp cận các thị trường Trung Quốc.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do đa phương mà Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ và Mỹ đã rút khỏi, đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Nhiều nước thành viên trong RCEP đã tham dự BFA. Điều này có tác dụng tốt đối với việc ĐCSTQ định hình Mỹ là một quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ, bất chấp số lượng các hiệp định thương mại song phương mà Mỹ đã có với các thành viên RCEP.
Cùng với việc đổ lỗi cho Mỹ về cản trở thương mại thế giới, ĐCSTQ chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc tăng lãi suất. Trong khi đó, BFA đã có một phiên họp bàn về “Lạm phát toàn cầu, tăng lãi suất và ổn định kinh tế”.
Vào tháng 3, Mỹ đang phải đối mặt với mức lạm phát 8,5% trong khi châu Âu hứng chịu mức lạm phát kỷ lục 7,5%. ECB và Fed đã tăng lãi suất để chống lạm phát. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất để bù đắp cho tác động tiêu cực của các đợt phong tỏa do Covid-19 tại các thành phố lớn và các trung tâm thương mại.
Bắc Kinh đã chỉ trích Washington về việc tăng lãi suất, nói rằng Mỹ nên xem xét các hành động của họ tác động như thế nào đến các nước đang phát triển. Việc Mỹ tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc vì các nhà đầu tư sẽ rút khỏi Trung Quốc và sang Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhận thấy rằng khi các đợt phong tỏa kéo dài, nước này khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5,5% của năm nay.
Trong một động thái hướng tới chủ nghĩa toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo, ông Tập nói rằng thế giới nên “chấp nhận một triết lý quản trị toàn cầu”. Theo ông Tập, các quốc gia phải “bảo vệ vững chắc hệ thống quốc tế với cốt lõi là Liên Hợp Quốc và trật tự quốc tế với nền tảng là luật pháp quốc tế”.
ĐCSTQ nói về việc ủng hộ Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nhưng Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hoặc cuộc đảo chính ở Myanmar đã lật đổ người đạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi.
Trong số các chủ đề khác, ông Tập đã nói về an ninh toàn cầu và cải cách “hệ thống quản trị an ninh của thế giới”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ” – một ám chỉ tinh tế về Đài Loan, ngụ ý rằng Mỹ không nên can thiệp nếu Trung Quốc xâm lược quốc đảo này.
Ông Tập kêu gọi các quốc gia loại bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và chính trị theo nhóm. Đây là cách ám chỉ các tổ chức an ninh đa quốc gia như NATO, Bộ tứ (Quad), Ngũ Nhãn (Five Eyes) và AUKUS, vốn được thành lập để bảo vệ các nền dân chủ khỏi các tổ chức như Nga và Trung Quốc.
‘Sáng kiến An ninh Toàn cầu’ của ĐCSTQ đe dọa đến an ninh toàn cầu
Mặc dù không có gì mới trong việc ĐCSTQ đổ lỗi cho Mỹ về hầu hết các tệ nạn trên thế giới, bao gồm cả những ‘thói xấu’ mà Trung Quốc mắc phải; nhưng điều đáng chú ý nhất là việc ông Tập công bố “Sáng kiến An ninh Toàn cầu”. Không có nhiều chi tiết cụ thể được đưa ra, nhưng ông Tập đã sử dụng cụm từ “an ninh không thể chia cắt”. Nói một cách đơn giản, cụm từ này có nghĩa là an ninh nên được xem như một khái niệm tập thể; vì vậy nếu hành động của một quốc gia này đe dọa đến an ninh của quốc gia khác, thì nguyên tắc an ninh không thể chia cắt sẽ bị vi phạm. Do đó, không nhà nước nào nên củng cố an ninh của mình bằng cái giá của nước khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng chính cụm từ này trong cuộc điện đàm hôm 02/02 với Thủ tướng Anh Boris Johnson để biện minh cho cuộc đối đầu của ông với Ukraine.
Trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Bác Ngao và các tuyên bố sau đó được đăng tải trên phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc đã cung cấp nhiều chi tiết hơn về Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Ông Vương nói, “sáng kiến này đóng góp trí tuệ của Trung Quốc để bù đắp cho thâm hụt hòa bình hiện nay”.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times giải thích tuyên bố của ông Vương là “Trung Quốc sẽ không bao giờ tuyên bố quyền bá chủ, tìm kiếm sự bành trướng hoặc phạm vi ảnh hưởng, cũng như không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang”. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã và đang làm tất cả những điều đó. Global Times cáo buộc một cách tinh vi rằng Mỹ đang phá hoại trật tự an ninh toàn cầu bằng cách tìm kiếm bá quyền nhân danh dân chủ.
Một trong sáu thành phần của Sáng kiến An ninh Toàn cầu là “cam kết coi trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh của tất cả các quốc gia và duy trì nguyên tắc an ninh không thể chia cắt”. Một lần nữa, cụm từ “an ninh không thể chia cắt” xuất hiện.
Mặc dù không rõ sáng kiến an ninh này sẽ được thực hiện theo hình thức nào, nhưng rõ ràng là nó đang tìm cách hợp pháp hóa việc Nga xâm lược Ukraine và ủng hộ lập trường của ĐCSTQ trong việc chiếm Đài Loan. Các học giả địa chính trị từ châu Âu, Ấn Độ, Úc và Mỹ đồng ý rằng đây là những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh toàn cầu.
T.P