Không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái còn mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Chuyển từ “may sẵn” sang “may đo”
Xu hướng dịch chuyển nhà máy và thách thức từ đại dịch Covid-19 đang đặt ra những bài toán mới đối với các nhà kinh doanh hạ tầng KCN.
Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong xu hướng hiện nay, KCN không thể chỉ dừng lại ở mô hình “may sẵn” (tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối…), mà phải chuyển sang “may đo” phù hợp với nhu cầu của từng lĩnh vực, nhà đầu tư.
Theo đó, các KCN cần được xây dựng theo hướng chuyên sâu, đa chức năng, tạo thành một hệ sinh thái bền vững.
Một trong những lợi ích nổi bật khi chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái là hiệu quả kinh tế khi các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp.
Bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia Ban Quản lý Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu cho biết, các doanh nghiệp trong KCN áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp đã tiết kiệm được nguyên vật liệu đầu vào, tái sử dụng tài nguyên, kết nối thành mạng lưới để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh.
“Một doanh nghiệp ngành sữa tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) tiêu thụ nhiều nước, lượng nước thải nhiều, trước đó chưa có giải pháp tái sử dụng, nhưng từ khi thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả đã thu lợi ích rõ rệt. Chi phí đầu tư là 600 triệu đồng, lợi ích thu về mỗi năm 1 tỷ đồng; giảm tiêu thụ điện, giảm phát thải khí CO2…” bà Trâm Anh nêu ví dụ.
Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí KCN sinh thái
KCN Amata (Đồng Nai) là một trong 5 KCN được chọn thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái. Phần lớn doanh nghiệp trong KCN này sản xuất sản phẩm cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới, đều đã đạt các yêu cầu cao về quản lý, sản xuất, môi trường, lao động.
Bà Trâm Anh đánh giá, căn cứ 4 mục tiêu lớn để xây dựng KCN sinh thái (hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội và quản lý) và hơn 30 tiêu chí nhỏ, thì KCN Amata đã đạt được khá nhiều tiêu chí. “Ban Quản lý Dự án đang đánh giá theo tiến trình, đồng thời hỗ trợ tỉnh Đồng Nai để cuối năm 2023 có thể hoàn thành các tiêu chí đưa Amata trở thành KCN sinh thái đầu tiên của Việt Nam”, bà Trâm Anh thông tin.
Tại TP.HCM, KCN Hiệp Phước cũng đang gấp rút chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái – đô thị – cảng biển.
Theo ông Huỳnh Thanh Trực, Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, KCN TP.HCM, KCN Hiệp Phước có một số thuận lợi về vị trí, hạ tầng (nhà máy xử lý nước thải, nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, khuôn viên cây xanh, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt công nhân, siêu thị)…, nên có điều kiện để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành KCN sinh thái. Các KCN tại TP.HCM, nhất là những KCN đang hình thành, đều có thể áp dụng bộ tiêu chí KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường và hiệu quả kinh tế.
Thực tế cho thấy, mặc dù được đánh giá là xu hướng tất yếu, nhưng để đạt được các tiêu chí của KCN sinh thái không dễ, vì lệ thuộc rất nhiều vào từng doanh nghiệp trong khu, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Đại diện một chủ đầu tư KCN tại Đồng Nai cho biết, phần lớn các KCN trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đạt tỷ lệ lấp đầy cao từ nhiều năm trước, nên không còn nhiều quỹ đất cho việc thực hiện các tiêu chí của KCN sinh thái. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách phát triển KCN sinh thái… “Nhà nước cần có các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái”, vị này kiến nghị.
T.P