Wednesday, January 1, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐề xuất lương tối thiểu theo giờ: Độ phủ tăng cao nhưng...

Đề xuất lương tối thiểu theo giờ: Độ phủ tăng cao nhưng mức lương còn rất thấp

Bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng như hiện hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất từ ngày 1.7.2022 sẽ có thêm mức lương tối thiểu tính theo giờ, được quy định cho 4 vùng. Quy định này được cho là tăng độ phủ về lương tối thiểu tới lực lượng lao động khu vực không chính thức nhưng mức lương đưa ra theo đề xuất còn thấp, chưa đủ để thực sự bảo vệ người lao động.

Đề xuất mức lương tối thiểu tính theo giờ để tăng độ phủ đối với lao động khu vực phi chính thức.

Áp dụng mức lương tối thiểu tháng trả lương theo giờ có sự cứng nhắc

Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Lý giải về đề xuất trên, bộ này cho rằng, trên thực tế, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê…) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.

Bộ LĐTBXH cho hay, việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Đối với hình thức trả lương khác (theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán) thì do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng, hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Không yêu cầu doanh nghiệp thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng mức độ tuân thủ mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Bộ LĐTBXH cũng nhận định, việc bổ sung mức lương tối thiểu giờ sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu của Việt Nam, tăng tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang đề xuất gia nhập.

Bao phủ mức tiền lương tối thiểu

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho hay, theo tinh thần Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, có bổ sung quy định pháp luật về lương tối thiểu theo giờ. Từ đó bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng, Bộ luật Lao động năm 2019 đã đưa vào quy định tiền lương tối thiểu theo giờ.

“Lẽ ra mức tiền lương tối thiểu theo giờ đã được quy định và có hiệu lực từ 1.1.2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên đợt này nhân đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1.7.2022, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ” – ông Quảng nói.

Theo vị này, mục đích của việc trên vừa thực hiện Bộ luật Lao động, vừa đảm bảo nâng độ bao phủ của mức tiền lương tối thiểu, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc không trọn vẹn theo ngày tháng. Bên cạnh đó, sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương, tăng tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang đề xuất gia nhập.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới