“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc sốt ruột nói trong buổi làm việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này với lãnh đạo các địa phương.
Địa phương nào cũng quyết tâm
Tính đến ngày 15/5/2022, theo số liệu của Bộ Tài chính, 5 tỉnh thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ Công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng mới giải ngân được hơn 5.506 tỷ đồng, đạt 20,7% kế hoạch, trong đó Khánh Hòa chỉ đạt 14,5%.
“Đây là so với kế hoạch vốn Thủ tướng giao từ đầu năm, còn so với tổng nguồn vốn đầu tư công bao gồm cả Chương trình Mục tiêu quốc gia và Chương trình Hỗ trợ kinh tế, thì tỷ lệ giải ngân có thể nói là đặc biệt thấp”, ông Phớc nói.
Là địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt mức trên trung bình cả nước, Vĩnh Phúc đang phải đối mặt với thực tế là nhiều công trình giãn, hoãn, tạm dừng tiến độ thi công do giá vật liệu xây dựng tăng cao ngoài dự toán. “Hiện chúng tôi giải ngân được trên 21% kế hoạch vốn, nhưng rất quyết tâm hoàn thành kế hoạch”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Việt Văn cam kết.
Đứng ở top cuối về giải ngân vốn đầu tư công, Phú Yên mới giải ngân chưa đến 17% kế hoạch. Theo ông Trần Kim Ba, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, hậu quả của đại dịch khiến nguồn thu ngân sách địa phương từ đất đai giảm mạnh, nguồn vốn đầu tư hạn chế… Ngoài ra, chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi liên tục; hồ sơ pháp lý về đất đai phức tạp dẫn đến giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư mất rất nhiều thời gian.
“Hoạt động đầu tư công cũng đang phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng, nên nhiều chủ thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công để chờ chính sách mới”, ông Ba nói và cho biết, lãnh đạo Phú Yên rất quyết tâm hoàn thành tiến độ giải ngân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng cho biết, từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã đặt quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công, nên ngay cả ngày nghỉ, lễ tết, lãnh đạo tỉnh vẫn đi đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo. Tuy nhiên, hiện địa phương này mới hoàn thành được 14,8% kế hoạch.
“Chúng tôi đã mời các nhà thầu đến làm việc và đưa ra thông điệp rõ ràng là nhà thầu nào không tiếp tục thực hiện, không còn đủ năng lực thì kiên quyết loại ra ngay. Với công chức, viên chức, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xếp loại thi đua năm 2022”, ông Hoàng nói. Ông cam kết, hết quý II, Khánh Hòa sẽ giải ngân tối thiểu 50% kế hoạch vốn, hết quý III đạt tối thiểu 65% và sẽ cán đích khi hết thời hạn giải ngân (31/1/2023).
Càng chậm giải ngân càng đội giá
Đã hoàn thành được 31,24% kế hoạch, Bình Thuận cũng phải đối mặt với giải phóng mặt bằng khó khăn và giá nguyên vật liệu xây dựng leo thang. Ông Lê Ngọc Yến, Giám đốc Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cho rằng, cần phải tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.
Theo ông Yến, các cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hợp đồng xây lắp vì hợp đồng xây dựng ở các địa phương đều ký theo hình thức “trọn gói”, không điểu chỉnh hợp đồng. Trong khi đó, nhà thầu, chủ đầu tư bị lỗ sẽ không bỏ tiền túi ra để tiếp tục thi công công trình.
Chủ tịch UBND Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền đồng tình với các phương án trên vì tỉnh cũng gặp phải vướng mắc này. “Chúng tôi mới giải ngân được 20% vốn, nhưng đặt quyết tâm hoàn thành 95% kế hoạch. Vì vậy, đến ngày 30/6/2022, dự án nào chưa khởi công, chưa giải ngân hoặc giải ngân quá thấp, chúng tôi sẽ kiên quyết điều chuyển vốn sang dự án khác”, bà Hiền cam kết.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong khi chờ sửa đổi quy định, các địa phương cần thành lập đoàn công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công. “Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng, điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn theo hướng kiên quyết điều chuyển nguồn vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án có khả năng hoàn thành đúng kế hoạch. Với dự án mà trong 6 tháng chưa giải ngân, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thì kiên quyết đưa ra khỏi danh mục đầu tư”, ông Tâm đề xuất.
T.P