Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 1.045km đường biên giới, đạt khoảng 84%.
Chiều 26/5, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về việc phân chia đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được báo giới đưa ra.
Đã phân giới cắm mốc khoảng 1.045km
Mới đây, có thông tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong chuyến công du Châu Âu có phát biểu Campuchia và Việt Nam đạt được thỏa thuận về 6% biên giới trong số 16% đường biên giới chưa phân định.
Nêu quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền để xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình hữu nghị và phát triển bền vững là nguyện vọng chính đáng lâu nay của nhân dân 2 nước.
“Trong những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã hợp tác chặt chẽ, hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 1.045km đường biên giới, tương đương với khoảng 84% chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến” – bà Hằng thông tin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng đây là thành quả hết sức quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng như việc phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước.
“Hiện nay 2 bên đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại” – bà Hằng nhấn mạnh.
Những dấu mốc đáng chú ý
Quá trình phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia ghi dấu ấn vào năm 1999. Thời điểm đó, hai nước chính thức nối lại tiến trình đàm phán phân giới cắm mốc đường biên giới chung theo quy định của Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 27/12/1985 (gọi tắt là Hiệp ước hoạch định 1985).
Tháng 10/2005, Việt Nam – Campuchia ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985″ (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung 2005). Hiệp ước bổ sung 2005 đã được cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 06/12/2005.
Vào tháng 12/2005, hai nước đã thông qua kế hoạch tổng thể về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia để bước vào triển khai từ đầu năm 2006.
Tháng 9/2006, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã cắt băng khánh thành cột mốc số 171 tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Bà Vẹt giữa cặp tỉnh Tây Ninh – Svay Riêng, là cột mốc được cắm đầu tiên, khởi động cho tiến trình phân giới cắm mốc theo Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005.
Tháng 6/2007, Việt Nam – Campuchia đồng loạt triển khai công tác phân giới cắm mốc.
Năm 2011, hai nước đã thống nhất thuê bên thứ ba để thành lập bản đồ địa hình biên giới mới tỷ lệ 1/25.000 và ký bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phân giới cắm mốc.
Cuối năm 2016, Việt Nam – Campuchia bắt đầu triển khai việc cắm mốc phụ, cọc dấu bổ sung trên thực địa để làm rõ thêm đường biên giới đã phân giới trên thực địa và triển khai việc xây dựng các văn kiện pháp lý để ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc.
Đến cuối năm 2018, khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới trên đất liền giữa 2 nước đã đạt khoảng 84%.
Ngày 5/10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chứng kiến ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng là Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Việt Nam và Campuchia và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
Từ tháng 11/2019 – 12/2020, các cơ quan liên quan của mỗi nước đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý.
Ngày 22/12/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn đồng chủ trì lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn hai văn kiện pháp lý bằng hình thức trực tuyến.
Với việc hoàn tất trao đổi văn kiện phê chuẩn, 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020 và đi vào đời sống chính trị của hai nước.
T.P