Tình hình kinh tế Trung Quốc có vẻ ngày một ngột ngạt, không chỉ nhiều hộ gia đình đã cạn kiệt nguồn tiền tiết kiệm, kinh tế lao dốc và bước vào suy thoái trong tháng 4/2022, chính sách ‘zero covid’ của ông Tập Cận Bình đang bị âm thầm chỉ trích bởi chính các quốc sư của ông và của cả người đứng đầu chính phủ lúc này là ông Lý Khắc Cường.
Ngày 25/5/2022, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị từ xa về “ổn định kinh tế trên toàn quốc”, bàn thảo về việc làm, mưu sinh cho người dân cũng như các giải pháp, khả năng phục hồi kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý trong quý II/2022, giảm tỷ lệ thất nghiệp đang bùng phát tại nước này. Đây là động thái khác thường và hiếm hoi của Thủ tướng Trung Quốc trước tình hình kinh tế lâm vào suy thoái tiêu cực cùng với rủi ro từ thị trường bất động sản và nợ xấu bùng phát ở hệ thống tài chính.
Hội nghị khẩn để vãn hồi kinh tế: Lớn chưa từng có
Trong Hội nghị, ông Lý Khắc Cường cho biết trong tháng Ba, đặc biệt là từ tháng Tư, các chỉ số kinh tế của Trung Quốc suy giảm đáng kể, khó khăn lớn xuất hiện ở một số khu vực nền kinh tế, thậm chí khó khăn tồi tệ hơn so với thời điểm dịch bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2020.
Trong các cuộc họp gần đây của Bắc Kinh, cụm từ “cơ bản ổn định kinh tế” đã trở thành từ vựng phổ biến nhất. Trong ba cuộc họp gần đây của Bắc Kinh, ngày 11/4, ngày 18/5 và 23/5, “cơ bản ổn định kinh tế” đã xuất hiện với tần xuất đáng kinh ngạc, trở thành mục tiêu hàng đầu của chế độ. Cuộc họp ngày 25/5 mà ông Lý Khắc Cường chủ trì cũng lấy ổn định kinh tế trở thành mục tiêu cốt lõi.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp hết sức quy mô với lượng lớn các nhân sự nòng cốt của Bắc Kinh, bao gồm hai ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Hàn Chính), ba thành viên Bộ Chính trị (Tôn Chunlan, Hu Chunhua, Liu He, Cả ba đều là phó thủ tướng) và bốn ủy viên Hội đồng Nhà nước (Wei Fenghe, Wang Yong, Xiao Jie và Zhao Kezhi). Các lãnh đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và các ban ngành khác cũng lần lượt có bài phát biểu.
Theo ấn tượng của ông Guan Qingyou, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Russo, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ có một cuộc họp để bàn thảo về kinh tế với quy mô lớn như vậy trong quá khứ.
Ông Feng Qiaobin, Phó giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói với tờ Economic Observer rằng cuộc họp nhằm đạt được sự đồng thuận và hành động phối hợp nhịp nhàng hơn từ Bộ Chính trị tới các Bộ, Ngành để ổn định tăng trưởng, đó là mục đích chính của Hội nghị.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã suy giảm mạnh trong tháng Ba, nhưng tình hình còn trở nên tồi tệ hơn trong tháng Tư.
Doanh số bán lẻ tháng 4/2022 của Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với dự báo trước đó, trong khi sản lượng công nghiệp giảm 2,9%, đi ngược lại với dự báo rằng sản lượng công nghiệp sẽ tăng nhẹ trong tháng 4/2022 của các nhà kinh tế học.
Ông Mitul Kotecha, người đứng đầu chiến lược các thị trường mới nổi tại Công ty chứng khoán TD cho biết trên Reuters: “Dữ liệu [kinh tế công bố trong tháng Tư của Bắc Kinh] vẽ ra bức tranh về một nền kinh tế đang đình trệ. Trung Quốc cần được kích thích mạnh mẽ hơn và nới lỏng nhanh chóng các hạn chế COVID. Nhưng cả hai điều kiện này đều không dễ xuất hiện ở Trung Quốc”.
“Quỹ đạo tăng trưởng yếu hơn của Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực lên thị trường của nước này và khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, đè nặng lên các tài sản rủi ro. Chúng tôi kỳ vọng giá đồng CNY sẽ giảm giá thêm nữa”, ông Kotecha cho biết.
Chi phí phong tỏa Thượng Hải bằng tổng sản lượng công nghiệp của tỉnh năm 2021
Ông Xue Yunkui, giáo sư kế toán tại Trường QTKD Cheung Kong Trung Quốc, phó chủ tịch sáng lập Trường QTKD Cheung Kong, đồng thời là phó chủ tịch sáng lập Học viện Kế toán Quốc gia Thượng Hải, gần đây đã xuất bản một bài báo phân tích có tiêu đề “Chi phí phong tỏa và kiểm soát ở Thượng Hải”. Bài báo của ông đã lan truyền mạnh mẽ trên Internet.
Trong bài viết này, Giáo sư Xue Yunkui tin rằng các chi phí liên quan đến “phong tỏa và kiểm soát” có thể được chia thành ba loại: chi phí trực tiếp, chi phí ngầm (gián tiếp) và chi phí tiềm tàng. Sau tính toán của ông, những con số này lên tới 4,07 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY), gần bằng tổng giá trị sản lượng công nghiệp của Thượng Hải vào năm 2021 (4,32 nghìn tỷ CNY).
Đó là chưa bao gồm chi phí tiềm tàng. Theo cách tính của Giáo sư Xue, chi phí tiềm tàng cao tới 3,97 nghìn tỷ CNY, trung bình 76,3 tỷ CNY mỗi ngày. Nếu các chi phí tiềm tàng được cộng thêm, tổng chi phí cho việc đóng cửa và kiểm soát dịch bệnh ở Thượng Hải trong những ngày qua đã vượt xa tổng giá trị sản lượng công nghiệp của Thượng Hải vào năm 2021.
Đầu tiên, chi phí trực tiếp đề cập đến các chi phí liên quan trực tiếp đến việc ngăn chặn và kiểm soát, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt, chi phí xét nghiệm xét nghiệm Covid, chi phí xây dựng bệnh viện tạm thời và trợ cấp cho tình nguyện viên cộng đồng.
Thứ hai, chi phí gián tiếp, bao gồm chi phí thuê, nước, điện và khí đốt, chi phí thời gian chờ đợi xét nghiệm Covid, tổn thất do giá trị sản phẩm đầu ra giảm, tổn thất do giá cổ phiếu giảm và các chi phí liên quan đến thảm họa thứ cấp… cũng có thể được gọi là chi phí ẩn hoặc gọi là chi phí cơ hội.
Thứ ba, có các chi phí tiềm tàng, chẳng hạn như tổn thất do vi phạm hợp đồng có thể do ngừng hoạt động trong thời gian đóng cửa và kiểm soát, chi phí mất khách hàng vĩnh viễn do phá vỡ chuỗi cung ứng, tổn thất hàng tồn kho được chuẩn bị trước khi đóng cửa và kiểm soát do hết hạn sử dụng và xuống cấp và các hạn chế về tinh thần và thể chất của cư dân…
Ông Tao Chuan, nhà phân tích vĩ mô trưởng tại Công ty Chứng khoán China Soochow, cho biết trong một báo cáo hồi đầu tháng rằng Trung Quốc nhấn mạnh vào việc xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, ở tất cả các thành phố cấp một và cấp hai, với giới hạn chi phí một năm khoảng 1,7 nghìn tỷ CNY. Tuy nhiên, từ cấu trúc chi phí được nghiên cứu bởi Xue Yunkui, người ta cũng có thể thấy rằng chi phí kinh tế thực tế lớn hơn nhiều so với những số liệu trên báo cáo.
Nhà kinh tế Wu Jialong của Đài Bắc gần đây nói với VOA rằng nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về sản xuất và việc làm do chiến tranh Nga-Ukraine và việc phong tỏa khắc nghiệt. Tất cả khiến kinh tế Trung Quốc đang rơi vào vòng luẩn quẩn: suy thoái sản xuất và việc làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm càng tăng thêm áp lực suy giảm sản xuất và việc làm; niềm tin vào đầu tư cũng dẫn đến giảm đầu tư; ngân hàng sợ nợ xấu nên giảm cho vay dẫn đến tăng nhiều khoản nợ chờ xử lý; giảm phát tài sản buộc mọi người phải bán tài sản, và việc bán tài sản dẫn đến thị trường bất động sản khủng hoảng hơn nữa.
Ông Wu Jialong cho rằng vòng luẩn quẩn bốn bước này xảy ra cùng lúc, ảnh hưởng xấu hơn đến nền kinh tế Trung Quốc.
T.P