Kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở Thiên Tân, Trung Quốc vào tháng Một năm nay, nhiều trường đại học trong thành phố đã bị phong tỏa. Sau khi một số trường đại học ở Bắc Kinh bảo vệ quyền lợi thành công, sinh viên Thiên Tân cũng bắt đầu một cuộc biểu tình quy mô lớn.
Tối 26/5 theo giờ địa phương, một số video quay cảnh sinh viên đại học ở Thiên Tân biểu tình đã được đăng tải lên Internet. Trong video, rất đông sinh viên đã tập trung tại quảng trường trong trường để phản đối việc phong tỏa, đồng thời hô vang các khẩu hiệu như “Đả đảo chủ nghĩa quan liêu”, “Đả đảo chủ nghĩa hình thức”.
Một đoạn video gắn định vị “Đường Thái Lôi” cho thấy, cuộc biểu tình diễn ra bên trong khuôn viên Đại học Thiên Tân.
Trong một đoạn video khác, có thể thấy một lượng lớn cảnh sát đang di chuyển tới địa điểm biểu tình. Các biển báo trên đường cho thấy hướng đi của cảnh sát đúng là đang hướng tới khuôn viên Đại học Thiên Tân.
Trên Internet cũng xuất hiện một tấm áp phích cho thấy, các sinh viên Đại học Thiên Tân sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình vào ngày 28/5. Trên áp phích viết, yêu cầu trường làm rõ hình thức và thời gian thi cuối kỳ, xác định rõ thời gian nghỉ hè để sinh viên trở về nhà, cũng như không được triệu tập hay truy cứu sinh viên.
Trước đó, trong hai ngày 23 và 24 tháng 5, sinh viên Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc cùng Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã lần lượt biểu tình, yêu cầu nhà trường làm rõ hình thức và thời gian thi cuối kỳ và cho phép sinh viên về quê. Cuộc biểu tình đã nhận được sự thỏa hiệp từ chính quyền, sinh viên sẽ được phép về nhà sau kỳ thi. Cuộc đấu tranh đòi quyền lợi tại Đại học Thiên Tân dường như được truyền cảm hứng từ Bắc Kinh.
Khi sinh viên Đại học Thiên Tân tụ tập kháng nghị, họ cũng trình bày rõ các nguyên nhân trên mạng Internet, bao gồm: giá cả hàng hóa trong khuôn viên trường tăng vọt, nhà trường tổ chức kỳ thi cuối kỳ ngoại tuyến để ngăn sinh viên về quê, cách quản lý phòng chống dịch bệnh của trường gây hỗn loạn, cấm sinh viên ra khỏi trường nhưng giảng viên và các nhân viên khác vẫn được tùy ý ra vào, v.v.
Đại học Thiên Tân đóng cửa hơn 4 tháng khiến sinh viên khốn khổ
Khi Covid bùng phát ở Thiên Tân vào ngày 8/1, nhiều trường đại học ở Thiên Tân đã chuyển sang trạng thái đóng cửa quản lý khép kín, sinh viên không được phép ra khỏi khuôn viên trường. Sau kỳ nghỉ đông, trường tiếp tục đóng cửa cho đến nay.
Hồi giữa tháng 1, Đại học Thiên Tân bất ngờ ra lệnh cho hơn 30.000 sinh viên không được về quê và “đón năm mới tại chỗ”. Sự việc từng khiến dư luận phẫn nộ.
Đầu tháng 4, một sinh viên Đại học Thiên Tân đặt câu hỏi trên Zhihu: Trường học vẫn bị đóng cửa, chính sách phòng chống dịch ngày càng nghiêm ngặt, với vòng tuần hoàn vô tận như vậy, lẽ nào sẽ đóng cửa và kiểm soát vĩnh viễn? (Zhihu là một trang web hỏi – đáp của Trung Quốc, nơi các câu hỏi được tạo, trả lời, chỉnh sửa bởi cộng đồng người dùng)
Bài đăng này vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý và thảo luận. Theo các câu trả lời bên dưới, nhà trường đã đóng cửa và kiểm soát trong nhiều tháng nhưng không hề có ca dương tính nào; sinh viên không được phép gọi đồ ăn bên ngoài, phải ăn những món khó nuốt, đắt đỏ trong nhà ăn của trường; hàng ngày phải tham gia các lớp học trực tuyến, thậm chí không thể thực hiện các thí nghiệm.
Ngoài ra còn có sinh viên phàn nàn rằng căng tin nhà trường vô đạo đức, những người buôn bán vô lương tâm: Thịt trong căng tin của trường đã bốc mùi nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng. Một bát mì Liangpi nhỏ có giá 7 nhân dân tệ (24 nghìn VNĐ), còn dâu tây trong cửa hàng hoa quả thì thối nát và được bán với giá 13,8 nhân dân tệ (khoảng 48 nghìn VNĐ) nửa cân. Sinh viên khiếu nại với nhà trường nhưng đều không được giải quyết.
Một câu trả lời tiết lộ rằng, sau một thời gian dài bị phong tỏa, một số bạn học quanh họ có biểu hiện mất kiểm soát cảm xúc.
Sinh viên Đại học Nam Khai cũng đang kháng nghị
Tại Đại học Nam Khai – ngôi trường chỉ cách Đại học Thiên Tân một bức tường, các sinh viên cũng đã lên mạng tìm kiếm sự giúp đỡ và phát động nhiều hình thức phản đối trong khuôn viên trường.
Theo một bức ảnh được đăng tải trên Internet, các sinh viên đã treo khẩu hiệu lớn trên một tòa nhà trong khuôn viên trường, chế giễu Đại học Nam Khai “tự cô lập với xã hội”.
Cũng có sinh viên phun dòng chữ “Tôi muốn làm một sinh viên đại học tự do” trên tấm tôn phong tỏa của trường. Ngày 4/5, nhiều nơi trong khuôn viên trường dán tờ đơn phản đối việc tiếp tục phong tỏa.
Hồi cuối tháng 4, một sinh viên Đại học Nam Khai tiết lộ trên Zhihu, giá cả trong trường cực kỳ đắt đỏ nhưng nhà trường không giải quyết, một lần cắt tóc mất 40 tệ (khoảng 140 nghìn VNĐ), phải đặt chỗ trước, tóc cắt xong nhìn “như bị chó cắn”; mấy ngày nay nhà trường mở hơn 20 đợt xét nghiệm PCR, nhưng ngày nào vào căng tin cũng phải quét mã.
Sinh viên này cáo buộc nhà trường đối xử với sinh viên “như virus” và bày tỏ phản đối mạnh mẽ hình thức này.
T.P