Cách đây hơn một tháng, Biendong.net có bài “Chẳng lẽ Liên hợp quốc lại sợ Bắc Triều Tiên?”. Quả là Liên hợp quốc không hề…sợ. Nhưng sự rạn nứt trong quan hệ giữa các thành viên trong Hội đồng bảo an thì đã xuất hiện.
Tuần trước trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, Bình Nhưỡng bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo. Hành động ngang ngược này đã được thu thập trong một báo cáo mới nhất của HĐBA Liên hợp quốc. Rất tiếc, hồ sơ về tên lửa đạn đạo của chính phủ Bắc Triều đã làm lộ rõ những bất đồng ngấm trong HĐBA – cơ quan thường trực của Liên hợp quốc.
Hôm 26/05, trong hội nghị HĐBA, chỉ có 13 nước thành viên ủng hộ đề xuất trừng phạt một nhóm tin tặc của chế độ Bình Nhưỡng và cấm xuất khẩu dầu lửa, thuốc lá cho Bắc Triều Tiên. Hai thành viên bỏ phiếu chống là Trung Quốc và Nga.
Về vụ phóng tên lửa đạn đạo, thông tin chi tiết như sau: Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào khoảng 18 h 29 (giờ địa phương) ngày 12/5. Nơi phóng tên lửa là khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận với Hãng tin AFP: Triều Tiên đã phóng tên lửa, đồng thời phát cảnh báo cho các tàu thuyền trong khu vực.
Đây có thể là vụ thử vũ khí lần thứ 16 của nước này trong năm 2022. Thật là một con số rất lớn, đáng báo động, từ trước đến nay. Đặc biệt, vụ phóng diễn ra chỉ hai ngày sau khi tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhậm chức. Vuốt mặt không nể mũi. Không hiểu chính quyền ông Kim muốn nhắn gửi điều gì tới Hàn Quốc?
Còn trước đó, tức là trước lễ nhậm chức của ông Yoon, Hàn Quốc và Nhật Bản thông báo, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không xác nhận chuyện này.
Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình vũ khí của mình, Triều Tiên đã tăng cường đáng kể các vụ phóng thử trong năm nay. Bình Nhưỡng đã phớt lờ mọi đề nghị đàm phán của Mỹ. Trong một diễn biến khác, cuối tháng 4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố xúc tiến xây dựng kho vũ khí hạt nhân.
Trở lại Hội nghị HĐBA Liên hợp quốc, Washington hoàn toàn không bất ngờ mà đã lường trước lá phiếu chống của Bắc Kinh và Moscow. Tuy nhiên, việc bàn thảo, bày tỏ thái độ trước thái độ ngông nghênh của Bình Nhưỡng là không thể trì hoãn và cũng cần nắm bắt quan điểm, thái độ của các thành viên trong Hội đồng.
Quan điểm của Bắc Kinh được thể hiện qua ý kiến của Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân. Ông này nói trắng phớ, biện pháp của Mỹ không phù hợp với biện pháp đối thoại và hòa giải của HĐBA. Bắc Kinh không chấp nhận “mọi ý đồ biến châu Á thành một chiến trường hoặc gây nên những xung đột và căng thẳng trong khu vực”.
Bình luận của báo chí Mỹ và phương Tây đánh giá: Nhìn bề ngoài, đây là lần đầu tiên HĐBA Liên hợp quốc bị chia rẽ công khai, kể từ khi cơ quan này bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006. Với tư cách Chủ tịch HĐBA, Hoa Kỳ rất sốt sắng, đã đưa ra bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về loạt trừng phạt mới đối với vào lúc Bình Nhưỡng.
Thật ra hồ sơ của Liên hợp quốc về Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo đã bị bế tắc từ lâu. Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào năm 2017, đã thuyết phục được Nga và Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Thế nhưng, sau hai chuyến công du Singapore và Việt Nam của Tổng thống Trump không đạt kết quả gì, Bắc Kinh đã “trách” Washington “xui dại” Trung Quốc. Và rồi sau đó, Bắc Kinh cho rằng, trừng phạt Bình Nhưỡng chỉ là biện pháp giải quyết phần ngọn, không cơ bản. Bế tắc của HĐBA vì thế đã kéo dài hơn ba năm nay.
Sau khi HĐBA không có được sự đồng thuận, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thảo luận về hạt nhân Bắc Triều Tiên tại Seoul vào tuần tới. Nội dung chủ yếu sẽ bàn về những mối đe dọa nguyên tử và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Theo Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, trong cuộc họp trực tuyến ngày 26/05, quân đội hai nước cam kết hợp tác chặt chẽ để tăng khả năng răn đe và đáp trả trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo.
Có thể thấy tiến trình ngăn chặn Bắc Triều Tiên phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vẫn đang gặp những rủi ro, bế tắc. Điều này đòi hỏi Liên hợp quốc cần có những giải pháp tổng thể, chi tiết hơn. Ngăn chặn hành động của triều Tiên suy cho cùng là nhằm bảo vệ an ninh, an toàn cho khu vực và thế giới, tháo ngòi nổ của chiến tranh thế giới thứ ba. Đó là hành động ngăn chặn cái ác, ngăn chặn tai họa cho loài người.
Dẫu còn những bất đồng trong HĐBA do sự tính toán lợi ích của hai siêu cường hàng xóm của Bắc Triều Tiên, nhưng chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp đồng thuận. Chưa thấy đường đi không có nghĩa là không có con đường nào.
H.Đ