Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKiểm soát lạm phát: Sức ép lớn trong năm 2022

Kiểm soát lạm phát: Sức ép lớn trong năm 2022

Các yếu tố gây trở ngại đến việc kiểm soát lạm phát trong các tháng tiếp theo là tổng cầu tăng đột biến, giá cả nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng ở cả trong nước và quốc tế.

Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trong quý I/2022.

Trong quý I năm 2022, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh.

Thêm vào đó là xung đột giữa Nga và Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt giảm mạnh nguồn cung cho các nước châu Âu vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Ngoài ra, Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất trên thế giới, tổng nguồn cung của 2 quốc gia này chiếm 30% thương mại toàn cầu về lúa mì.

Điều này dẫn đến áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước bao gồm cả những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu như lạm phát tai Mỹ tháng 02/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1 năm 1982; Tây Ban Nha 7,6%; Nhật Bản tháng thứ 6 liên tiếp có lạm phát tăng (tháng 1 tăng 0,5%, tháng 2 tăng 0,9%); Hàn Quốc tháng 2 tăng 3,7%, Thái Lan tăng 5,3% … Các nhà kinh tế dự báo lạm phát của nền kinh tế toàn cầu ở mức 6,2%, cao hơn 2,25 điểm phần trăm so với dự báo tại tháng 1 năm 2022.

Tại Việt Nam, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới với tổng sản phẩm trong nước GDP quý I năm 2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I năm 2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I năm 2021. Có một số nguyên nhân chính làm lạm phát của Việt Nam trong quý I năm nay không tăng cao:

Thứ nhất, Việt Nam là nước nông nghiệp do đó việc cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định. Nhóm thực phẩm quý I năm 2022 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm. Giảm mạnh nhất là giá thịt lợn giảm 21,55%; mỡ ăn giảm 22,6% và giá thịt chế biến giảm 4,63%.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số địa phương miễn giảm học phí từ kỳ học I năm học 2021 – 2022 làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm. Giá thuê nhà giảm 15,14% do nhiều hộ gia đình đã hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh.

Thứ hai, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể như ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiêu liệu bay từ ngày 01/01 đến hết 31 tháng 12 năm 2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cùng với đó, việc giám sát và điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới và nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Bên cạnh một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2022, các nguyên nhân làm CPI tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,76 điểm phần trăm); giá gas tăng 21,04% (tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm).

Song song, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào (tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm). Giá gạo tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng giêng tăng cao.

Nhìn chung trong quý I năm 2022, lạm phát đã được kiểm soát, tránh được bão giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo lạm phát Việt Nam trong các tháng tiếp sẽ chịu sức ép cao. Các yếu tố gây trở ngại đến việc kiểm soát lạm phát trong các tháng tiếp theo của năm 2022 chính là tổng cầu tăng đột biến, giá cả nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng ở cả trong nước và quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, tổng cầu tăng đột biến sau khi Việt Nam khắc phục khá thành công đại dịch. Thêm vào đó là sự kiện mở cửa du lịch ngày 15/3/2022 đã khiến ngành du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống, vận chuyển … tăng mạnh mẽ. Đặc biệt với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội chính tạo áp lực lạm phát rất lớn.

Thứ hai, nền kinh kế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Tổng cầu thế giới tăng nên nguyên vật liệu nhập khẩu hàng hóa trên thế giới cũng tăng rất cao, dẫn tới nhập khẩu lạm phát cũng là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, với chính sách Zero – Covid của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn tới hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Theo thống kê năm 2021, Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng nhập khẩu là nước cung ứng nguyên vật liệu đầu vào sản xuất lớn nhất cho Việt Nam.

Thứ ba, đứt gãy chuỗi cung ứng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trên thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt … đã đẩy giá xăng dầu lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó xăng dầu là một loại hàng hóa huyết mạch, là máu của nền kinh tế nên giá xăng dầu tăng đẩy giá một loạt hàng hóa khác tăng, gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Các chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt và đồng bộ, hạn chế tối đa nguồn cung tiền ra thị trường.

Đồng thời, kiểm soát và duy trì chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả các hàng hóa tiêu dùng giữ các địa phương với nhau, giữa Việt Nam và thế giới; tăng cường kiểm tra, thanh tra thị trường, chống găm hàng thổi giá của các nhà cung cấp.

Đặt biệt đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở trong nước, giảm bớt sự lệ thuộc và tác động tiêu cực của giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn kết hợp với các công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tạo ra giá trị tăng mới, thắt chặt cho vay mua bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu không hoặc kém hiệu quả, hạn chế đầu tư công.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới