Những ngày qua, hơn lúc nào hết, “Bộ Tứ” được những nhà nghiên cứu chính trị quốc tế quan tâm đặc biệt, gắn với chuyến công du Châu Á của ông Biden.
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là tổng thống Mỹ – ông Biden – sẽ chọn giải pháp nào trước sự tha thiết được chính thức tham gia cơ chế Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ) của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol?
Thêm một thành viên mới, phải là quyết định của cả 4 thành viên, sao chỉ dồn cho người đứng đầu Nhà Trắng?
Về lý thuyết là thế. Nhưng trong thực tế, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – viết tắt là NATO), là thành viên, nhưng vai trò, tiếng nói của Mỹ “nặng đồng cân” nhất. Lý do đơn giản: trong 4 quốc gia, ai “mạnh gạo, bạo tiền” bằng Mỹ. Thế nên, Mỹ chưa cần tự tôn, đã nghiễm nhiên đóng vai trò đầu tàu trong “bộ tứ” hay còn còn gọi là “bộ tứ kim cương” – một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc, mục tiêu duy trì trật tự an ninh dựa trên quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mục tiêu này, nếu nói trần trụi, là nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trở lại mong muốn thành thành viên chính thức “Bộ Tứ” của Hàn quốc. Xét cho cùng, mục tiêu của “Bộ Tứ” cũng là điều mà Seoul mong muốn. Trong khu vực, ngoài việc luôn bị Trung Quốc đe dọa về việc cho Mỹ triển khai tên lửa tầm cao, Trung và Hàn còn xung đột liên quan việc đánh bắt hải sản trên biển. Đó là chưa kể cạnh tranh thương mại giữa Trung – Hàn, quyết liệt nhất là trong mảng bán dẫn, hóa dầu, màn hình điện tử…
Cũng chính thế, vốn đã hiểu, đồng thời hậm hực bấy nay về những gì “Bộ Tứ”đã hoặc sắp triển khai, Bắc Kinh sẽ càng ra mặt thù địch hơn, nếu “Bộ tứ” trở thành “Bộ Ngũ” với một thành viên mới là là Hàn Quốc – nền kinh tế có quy mô lớn thứ 10 toàn cầu, với GDP danh nghĩa của Hàn Quốc ước tính đạt 1.820 tỷ USD trong năm 2021 và 1.910 tỷ USD trong năm 2022.
Về phía Mỹ, muốn kiềm chế Trung Quốc, nhưng Washington thừa hiểu, thời buổi này, chẳng dại dột mà đoạn tuyệt làm ăn với Trung Quốc – nền kinh tế thứ 2 thế giới, với GDP danh nghĩa khoảng 17 nghìn tỷ USD, đồng thời, cũng là một thị trường lớn nhất thế giới với 1,7 tỷ dân, trong đó, tầng lớp trung lưu và giàu đang tăng nhanh chóng…
Đó chưa kể, trong “Bộ Tứ”, Nhật là thành viên có quan hệ được coi là “phức tạp” với Hàn Quốc. Sự phức tạp này bắt nguồn từ những xung đột trong quá khứ, từ tranh chấp biển đảo, và gần đây, là xung đột kinh tế gắn với việc Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu để sản xuất sản phẩm công nghệ sang Hàn Quốc. Vậy thì, thêm Hàn quốc, rất có thể, thành viên sẽ thêm việc chứng kiến, đau đầu về lục đục nội bộ?
Thế nên, mặc cho Seoul tha thiết, mặn mà để được tham gia, tới thời điểm này, đáp lại từ phía Nhà Trắng và “Bộ Tứ” vẫn chỉ là sự… im lặng!
T.V