Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy tuyến đường sắt cao tốc xuyên Á- Âu sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển hàng hoá qua lại giữa hai châu lục, bất chấp áp lực rất lớn đối với chuỗi cung ứng.
Trang web ‘Tài chính kinh tế’ của Trung Quốc cho biết, giao thông đường sắt xuyên biên giới của Trung Quốc có thể được nâng cấp sau khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chấp thuận hỗ trợ xây dựng vào tháng 12. Trang web cho biết thêm rằng, Ngân hàng sẽ hỗ trợ “đáng kể” cho các nhà kho, khu hậu cần, mạng lưới phân phối và các dự án vận tải đa phương thức
Tuyến đường vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới mang tính biểu tượng của Trung Quốc là tuyến tàu chở hàng Trung Quốc – Châu Âu dài 12.000 km.
Các chuyên gia dự đoán rằng việc nâng cấp nhằm mục tiêu cải thiện tốc độ của các đoàn tàu và nhiều đường ray hơn dọc theo tuyến đường sắt 11 năm tuổi. Những cải thiện này có thể bảo đảm các đoàn tàu chạy thông suốt bất chấp chiến tranh ở Ukraina và bù đắp tổn thất do tắc nghẽn giao thông đường biển trong thời kỳ đại dịch.
Điều đó có nghĩa là tất cả các mặt hàng xuất khẩu do Trung Quốc sản xuất sẽ tiếp cận thị trường châu Âu thuận lợi hơn, và Trung Quốc cũng có thể tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài nguyên trên khắp lục địa, các chuyên gia cho biết thêm.
Ông James Berkeley, giám đốc điều hành của Ellice Consulting ở London, cho biết “rủi ro lớn nhất của hai yếu tố này là chiến tranh và dịch bệnh. Ngành sản xuất của Trung Quốc liên quan đến ngoại thương và bị ảnh hưởng bởi cả hai”. “Điều này đặt ra thách thức lớn nhất đối với thương mại chuỗi cung ứng của Trung Quốc”. Ông nói:
Vận chuyển đường biển vẫn còn giá trị, nhưng đường sắt “rõ ràng là cung cấp một giải pháp thay thế”.
Việc đóng cửa Thâm Quyến và Thượng Hải của Trung Quốc đã gây ra sự thụt lùi trong chuỗi cung ứng, làm chậm việc vận chuyển hàng hóa như điện thoại di động, vật liệu xây dựng và ô tô. Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa Thâm Quyến vào tháng 3 và Thượng Hải vài tuần sau đó.
Việc Nga xâm lược Ukraina đã làm gián đoạn một số chuyến hàng đường sắt qua châu Âu và châu Á, gây ra sự chậm trễ trong các chuyến hàng châu Âu.
Tờ Financial News cho biết việc nâng cấp đường sắt là phù hợp với sáng kiến ”Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Số lượng chuyến tàu trên đường sắt Trung Quốc đã vượt quá 50.000 chuyến tính đến tháng Giêng. Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho biết điều này “đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chất lượng cao của Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Tờ Trung Quốc Nhật báo của nhà nước TQ cho biết, số lượng các chuyến tàu chở hàng của châu Âu đã tăng lên trong tháng 4 trong khi vẫn duy trì “hoạt động ổn định”. Bài báo cũng dẫn lời một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết các chuyến hàng vận chuyển hàng hóa tăng 3% so với tháng trước lên 1.170 chuyến. Năm ngoái, tuyến đường sắt này đã đạt kỷ lục vận chuyển là 15.183 chuyến tàu.
Trang web Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc cho biết, bất chấp cuộc chiến ở Ukraina và áp lực của phương Tây trong việc làm ăn với Nga, các tuyến đường sắt qua Ba Lan, Belarus và Nga vẫn mở.
Ông Lưu nói: “Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina bùng nổ, tuyến đường sắt Trung Quốc – châu Âu đã gặp phải những khó khăn ngắn hạn, nhưng nhìn chung, rủi ro hoạt động có thể kiểm soát được”.
Ông Trần Dịch Phàm (Chen Yifan), trợ lý giáo sư ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan cho biết “Đây là một giải pháp thay thế cho Trung Quốc để bảo đảm giao thông vận tải”, “Dù sao, Trung Quốc cũng kết nối với Nga và lục địa châu Âu, vì vậy đó là một cách tốt để kiểm soát cái gọi là nội địa ở đó”.
Các chính phủ EU cho biết xuất khẩu của EU sang Trung Quốc đạt đỉnh 239 tỷ USD, và nhập khẩu của EU từ Trung Quốc đạt 506 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông Trần cho biết Trung Quốc duy trì quan hệ với cả Nga và Ukraina trong suốt thời gian chiến tranh. Điều này sẽ giúp cải thiện tuyến đường sắt, nơi Trung Quốc có đủ kinh nghiệm kỹ thuật. Các quan chức châu Âu nên xem tham vọng của Trung Quốc là cơ hội để nâng cấp hệ thống đường sắt của chính họ. Bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis cho biết: “Tôi nghĩ họ yêu cầu phải đi một đường, vì vậy trước tiên họ cần nhận được sự đồng ý của Nga, và sau đó có thể là Ukraina”.
Nhưng bà Herrero cho biết các quan chức Trung Quốc có thể gặp trở ngại đối với bất kỳ chuyến hàng đường sắt xuyên biên giới nào ở Tây Âu, nơi các nhóm môi trường đã khiến cho việc kết nối trở nên bất khả thi.
T.P