Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnEU "mua dầu Nga để ngăn Nga hưởng lợi" - Ông Lavrov...

EU “mua dầu Nga để ngăn Nga hưởng lợi” – Ông Lavrov nêu sự thật về các lệnh trừng phạt Nga

EU hôm 29/5 vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức đã bày tỏ lo ngại rằng sự đoàn kết của EU đang “bắt đầu rạn nứt”.

Giá dầu tăng cao trước thềm cuộc họp của EU

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, trong ngày hôm nay (30/5), giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) sắp có cuộc họp thượng đỉnh để bàn về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ.

Theo ghi nhận của Reuters vào lúc 1h11′ GMT, tức 8h11′ sáng nay theo giờ Hà Nội, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 46 cent, tương đương 0,4% lên 119,89 USD/thùng; trong khi giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 60 cent, tương đương 0,5% lên 115,67 USD/thùng, tiếp tục đà tăng từ tuần trước.

Trong 2 ngày 30 và 31/5, EU sẽ nhóm họp để thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó gồm kế hoạch cấm vận dầu mỏ bị một số quốc gia như Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia vốn không giáp biển và phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga, phản đối.

Bất kỳ lệnh cấm vận nào được tung ra thêm nhằm vào dầu mỏ của Nga sẽ khiến thị trường dầu thô – vốn đang rất “nóng” – càng thêm căng thẳng, trong bối cảnh nhu cầu về xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay tăng cao trong mùa hè ở Mỹ và châu Âu.

Cũng theo Reuters, các đại diện của EU hôm 29/5 vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, nhưng các nhà ngoại giao vẫn sẽ cố gắng đạt được tiến bộ trước khi hội nghị thượng đỉnh chính thức bắt đầu ngày hôm nay (30/5).

Với hy vọng có được cái gật đầu từ Hungary, EU đã đưa ra sáng kiến trừng phạt một phần – theo đó khối này sẽ miễn trừ cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga thông qua các đường ống dẫn dầu, và chỉ nhắm đến hoạt động xuất khẩu qua đường biển.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết “vẫn còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết” để có thể đạt được một thỏa thuận trước cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU ngày 30-31/5.

Các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga đã kéo dài trong một tháng mà không có tiến triển gì và các nhà lãnh đạo đã muốn đạt được một thỏa thuận trong lần hội nghị thượng đỉnh này, nhằm duy trì sự đoàn kết toàn khối trong phản ứng đối với Moskva.

Các quan chức EU cho hay, Budapest ủng hộ đề xuất nói trên, nhưng trong cuộc thảo luận ngày 29/5, Hungary lại bày tỏ mong muốn tăng thêm công suất đường ống dẫn dầu từ Croatia và chuyển các nhà máy lọc dầu của họ từ sử dụng dầu thô Urals của Nga sang dầu thô Brent – một đề xuất sẽ gây khó khăn cho nguồn tài chính của EU.

EU giải thích lý do tiếp tục mua dầu Nga

Trong cuộc phỏng vấn với đài MSNBC (Mỹ) đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã lý giải nguyên nhân khiến EU không thể áp đặt lệnh cấm vận ngay lập tức đối với dầu mỏ của Nga – đó là bởi điều đó sẽ cho phép Moskva bán dầu ở nơi khác và có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

“Nếu chúng tôi cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu Nga ngay lập tức, thì [Tổng thống Nga Vladimir] Putin có thể mang loại dầu mà ông ấy không bán cho EU ra thị trường thế giới, nơi giá cả sẽ tăng, và do đó Nga sẽ bán dầu với giá cao hơn”, bà Von der Leyen giải thích.

EU, cùng với Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga trong vòng 3 tháng qua do cuộc khủng hoảng địa chính trị – quân sự ở Đông Âu.

Cho đến nay, EU đã tung ra 5 gói trừng phạt và đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 6, bao gồm các lệnh cấm vận nhằm vào năng lượng Nga, đặc biệt là dầu mỏ.

Bà Von der Leyen cho biết: “Các lệnh trừng phạt đang giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga”, nhưng một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu.

“Chúng ta phải tìm ra giải pháp cân bằng phù hợp giữa việc trừng phạt và việc không gây ra tổn thương quá lớn đối với nền kinh tế của chúng ta, vì đây là đòn bẩy mạnh nhất mà chúng ta có trước nước Nga và ông Putin.. Vì vậy, chúng ta cần tiếp ca vấn đề này một cách chiến lược…”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay.

Tuy nhiên, Von der Leyen cũng đã nhấn mạnh rằng việc thoát phụ thuộc vào dầu khí của Nga là một trong những mục tiêu chính của EU về lâu dài, đặc biệt là khi xét đến các mục tiêu chuyển ổi xanh của châu Âu.

Đầu tháng 5 này, Brussels đã giới thiệu một gói biện pháp mới kết hợp hai mục tiêu nói trên, có tên gọi là REPowerEU.

REPowerEU dự kiến sẽ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên – từ nguồn khí đốt của Nga sang các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, đồng thời thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các loại hình năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời, thủy điện…

“Mục tiêu về lâu dài của chúng tôi là loại bỏ sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch của Nga nói chung – cả 3 loại nhiên liệu hiện có – và không bao giờ trở lại.

Nếu có bất cứ điều gì mà Tổng thống Putin đạt được thì đó là ông ấy đã mất đi khách hàng tốt nhất của mình và châu Âu sẽ không bao giờ trở lại trở lại. Chính ông ấy đã thúc đẩy chúng tôi – và điều đó thật tốt cho bước chuyển mình sang năng lượng tái tạo của EU”, bà Von der Leyen tuyên bố.

Sự đoàn kết của EU về trừng phạt Nga “bắt đầu rạn nứt”?

Theo Yahoo News, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 29/5 đã bày tỏ lo ngại rằng sự đoàn kết của EU đang “bắt đầu rạn nứt” trước thềm hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga và kế hoạch nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Bộ trưởng Habeck kêu gọi Đức thể hiện tiếng nói thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh – thay vì bỏ phiếu trắng do sự khác biệt về quan điểm trong liên minh cầm quyền của nước này. Đồng thời, ông Habeck cũng kêu gọi sự thống nhất tương tự từ các quốc gia EU khác.

“Châu Âu vẫn là một khu vực kinh tế khổng lồ với sức mạnh kinh tế đáng kinh ngạc. Và khi có sự đoàn kết, nó có thể sử dụng sức mạnh đó”, Bộ trưởng Habeck phát biểu tại buổi khai mạc hội chợ thương mại Hannover Messe của Đức.

Ông Lavrov: Các lệnh trừng phạt chống Nga khó có thể được dỡ bỏ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Hôm 29/5, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1 của Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết phương Tây đã lên kế hoạch cho các biện pháp trừng phạt chống Nga từ lâu và khó có khả năng sẽ dỡ bỏ chúng.

“Bạn nói rằng cả hai phe đều trục xuất các nhà ngoại giao. Chúng tôi chưa bao giờ trục xuất bất kỳ ai. Các lệnh trừng phạt này, giống như một cơn cuồng loạn do phương Tây khởi xướng. Tốc độ mà họ bị áp đặt và phạm vi của họ chứng minh rằng chúng không thể được quyết định chỉ sau một đêm”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Vị Ngoại trưởng Nga nói thêm: “Ít nhất thì Mỹ cũng đang nói – dù không công khai, nhưng họ nói trong các cuộc tiếp xúc với các đồng minh của họ – rằng khi mọi chuyện kết thúc, các lệnh trừng phạt sẽ được giữ nguyên.”

Thủ tướng Đức thừa nhận hậu quả của lệnh trừng phạt Nga

Đài RT (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil mới đây cho biết, lệnh cấm vận đối với khí đốt tự nhiên của Nga sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như xã hội Đức.

Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Funke được công bố hôm 28/5, ông Heil cảnh báo: “Chúng ta nên dần thoát phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt [Nga], nhưng việc áp đặt lệnh cấm vận ngay lập tức sẽ khiến tình hình thêm phức tạp với việc giá cả tăng cao và gây ra tình trạng mất việc làm. Vì vậy, chúng ta cần tránh điều này.”

Ông Heil lưu ý rằng thị trường lao động ở Đức hiện đang ổn định trở lại sau khi phải hứng chịu hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng các biện pháp quyết liệt như cắt đứt nguồn cung khí đốt của Nga sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Vị Bộ trưởng Lao động Đức nói thêm rằng lệnh cấm vận khí đốt Nga sẽ là “liều thuốc độc cho xã hội [Đức].”

Trong khi đó, theo hãng thông tấn trung ương Nga (TASS), trong bài phát biểu khai mạc hội chợ thương mại Hannover Messe hôm 29/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thừa nhận rằng đất nước của ông cũng sẽ phải trả giá cho các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Ông Scholz nói: “Các biện pháp trừng phạt này đang ảnh hưởng nặng nề đến giới lãnh đạo Nga và nền kinh tế Nga, và chúng càng ngày càng khó khăn hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt gây ra tác động nặng nề hơn đối với Nga hơn là đối với Đức và các đối tác của Đức ở châu Âu.”

“Việc các doanh nghiệp ủng hộ chính sách này là một điều tốt. Tôi biết rằng chính sách này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế cho nhiều công ty. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng hơn với sự trợ giúp của các khoản vay, phí bảo hiểm và các gói viện trợ có mục tiêu”, ông tiếp tục.

Theo lời nhà lãnh đạo Đức, mục tiêu của sự hy sinh này là làm cho cuộc xung đột ở Đông Âu kết thúc càng sớm càng tốt.

Cùng với các quốc gia EU khác, Berlin đang nỗ lực loại bỏ dần năng lượng từ Nga, nhưng chính phủ nước này đã nhiều lần tuyên bố rằng việc loại bỏ ngay lập tức là điều không thể, vì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và công nghiệp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới