Đầu tháng 4/2022, Trung Quốc xác nhận đã ký thoả thuận an ninh với Quần đảo Solomon. Mặc dù nội dung của thỏa thuận chưa được công bố, nhưng một số quốc gia ở Thái Bình Dương đang rất quan ngại vì thỏa thuận này có thể gây ra tình trạng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Mới đây, South China Morning Post (SCMP) đã đăng tải bài viêt mới với tiêu đề: “Tại sao Hiệp ước Trung Quốc – Solomon lại đang gây sóng gió tại Thái Bình Dương”. Trong đó cho thấy, thỏa thuận khiến cho giới chức của một số quốc gia lớn trên thế giới phải “đứng ngồi không yên” và có chút “đề phòng”.
Theo đó, dự thảo Hiệp ước hợp tác an ninh Trung Quốc – Quần đảo Solomon hiểu một cách ngắn gọn đó là một bản thỏa thuận mang tính chất một chiều, thể hiện tham vọng của Trung Quốc. Cho thấy rõ ràng việc hợp tác chỉ là “tấm vải thưa”, che đậy tham vọng quyền lực của Trung Quốc trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại khu vực.
Mặc dù dự thảo Hiệp ước an ninh phải được Quốc hội Solomon thông qua trước khi được ký kết nhưng giới chuyên gia an ninh trong khu vực cho rằng đó chỉ là thủ tục và chắc chắn sẽ không có sự phản đối nào đối với các yêu cầu do Trung Quốc đưa ra.
Được biết, ngay sau khi những thông tin cơ bản về Hiệp ước được tiết lộ, Mỹ, Australia và New Zealand đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nội dung thoả thuận và những tác động an ninh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Hôm 26/4, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng thỏa thuận cho thấy sự “thiếu minh bạch hoàn toàn”. Ông cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả tương xứng với mọi nỗ lực thiết lập sự hiện diện quân sự ở quốc đảo Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Một trong những quan chức cấp cao nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết Mỹ không loại trừ hành động quân sự chống lại Quần đảo Solomon nếu họ cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ ở đó. Quan chức Mỹ lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc đặt ra “những tác động tiềm tàng về an ninh khu vực” đối với Mỹ và các đồng minh khác.
Riêng Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton thì gọi hiệp ước an ninh tại Solomon là hành động “gây hấn”. Trong khi quan chức chuyên trách ngoại giao của Công đảng, bà Penny Wong, nói rằng khu vực đã “trở nên mất an toàn hơn” vì thoả thuận tại Solomon.
Theo SCMP, Australia hiện nhà tài trợ lớn nhất của Solomon và là đối tác an ninh tin cậy của quốc đảo này đã cố gắng thúc đẩy nước láng giềng rút khỏi thoả thuận với Trung Quốc. Tuy nhiên, Australia cũng tỏ ra lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon sẽ giúp Trung Quốc có thể dễ dàng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực cách Solomon chỉ chưa đầy 2.000km.
Từ lâu, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến Solomon, trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu từ lâu. Năm 2019, dưới sức ép mời gọi từ Trung Quốc, Quần đảo Solomon theo chân láng giềng là đảo quốc Kiribati chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc.
Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu hiện diện và ngày càng gia tăng sự hiện diện này tại Nam Thái Bình Dương. Từ Quần đảo Solomon, trước đó là đảo quốc Kiribati, sẽ là bàn đạp để Trung Quốc từng bước mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng, các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đảo quốc nhỏ trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Sự hiện diện của Trung Quốc làm dấy lên làn sóng phản đối trong dân chúng, với nhiều cuộc biểu tình, bạo lực diễn ra trên đường phố. Tháng 11-2021, Australia đã phải cử 100 cảnh sát đến Quần đảo Solomon nhằm hỗ trợ Solomon vãn hồi trật tự nhưng đã vấp phải sự phản đối gay gắt của lực lượng cảnh sát Trung Quốc.
Ông Anthony Albanese, Tân thủ tướng Australia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, cho rằng Australia đang tự đánh mất vị thế, tầm ảnh hưởng của mình ở Nam Thái Bình Dương. Lí do được đưa ra rằng Australia đã không hành động kịp thời về vấn đề biến đổi khí hậu – một mối bận tâm sống còn của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Mặt khác, Australia không những không tăng viện trợ nước ngoài mà còn cắt giảm đến 12,6% trong năm tài khóa 2021-2022.
Tương tự, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng, việc Trung Quốc ký Hiệp ước hợp tác an ninh quân sự và chuyển vũ khí cho lực lượng cảnh sát Solomon là điều rất đáng quan ngại.
Phát biểu trên truyền thông, bà Ạdern đặt vấn đề “liệu New Zealand có chấp nhận được hay không nếu Trung Quốc đồn trú quân sự ở Quần đảo Solomon?”. Bà Ardern cũng cho biết, New Zealand đã tiếp xúc trực tiếp với Quần đảo Solomon ở cấp lãnh đạo để bày tỏ sự quan ngại về hướng đi của Quần đảo Solomon trong hiệp ước hợp tác an ninh trên.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta tuần trước cũng cho biết Auckland đã tuyên bố rõ ràng với cả Quần đảo Solomon và Trung Quốc về những lo ngại mất ổn định an ninh của khu vực Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, New Zealand sẽ “tiếp tục lên án mạnh mẽ” mọi thỏa thuận được đề xuất với Trung Quốc.
Trước Quần đảo Solomon, Trung Quốc cũng đã tiến hành rất nhiều hành vi sai trái khác trên Biển Đông và bị cộng đồng Quốc tế đồng loạt lên án.
Từ năm 2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc với hàng chục tàu hộ tống đã tiến hành các hoạt động trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông là một chuỗi dài, thể hiện giữa lời nói không đi đôi với việc làm; nói một đằng, làm một nẻo, coi thường cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực, đe dọa hòa bình và an ninh.
Trung Quốc đã từng đưa ra chiến lược, mục tiêu đến năm 2049 sẽ trở thành một trong những siêu cường quốc hàng đầu trên thế giới, luôn coi Biển Đông là “lối thoát chiến lược” để mở rộng “không gian sinh tồn”. Để thực hiện ý đồ của mình, Trung Quốc luôn yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò”, đơn phương mở rộng lãnh hải của mình lên gấp 7 lần, từ 370.000 km2 lên gần 3.000.000 km2, chiếm gần 80% Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Những năm gần đây, bất chấp dư luận, Trung Quốc luôn có những hành động không thể chấp nhận được, không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam và một số nước khác trên Biển Đông. Điển hình là việc Trung Quốc cho tàu cắt cáp tàu Bình Minh của hai Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thăm dò dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thuê thăm dò dầu khí.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Huy động hàng trăm tàu thuyên đâm va vào tàu chấp pháp của Việt Nam đến khẳng định chủ quyền và yêu cầu phía Trung Quốc dừng các hành động. Mặc dù luôn tuyên bố “tuân thủ luật pháp quốc tế” nhưng Trung Quốc vẫn luôn có những hành động ngang ngược đi ngược với tuyên bố của chính mình.
Những hành động của Trung Quốc không chỉ gặp phải phản ứng mạnh từ các nước liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà còn gánh chịu sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Đơn cử như ngày 5/5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông nhằm đánh lạc hướng về COVID-19. Tờ Financial Express dẫn lời Bộ trưởng Esper phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc: “Chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành xử hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc đe dọa tàu của hải quân Philippines cho tới đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đe dọa, ngăn cản các quốc gia khác không được tham gia thăm dò, phát triển các dự án dầu khí ngoài khơi”.
Căng thẳng với Nhật, quan hệ đang ngày càng xấu đi với Australia, sự đối đầu dai dẳng với Mỹ cùng những bất đồng về cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm phức tạp hóa các tham vọng hàng hải rộng lớn hơn của Trung Quốc. Dễ dàng nhận thấy với những động thái của Trung Quốc, tình hình chiến sự tại khu vực Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn thế giới nói chung thời gian tới sẽ có những diễn biến rất khó lường và phức tạp.
T.P