Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLiên minh châu Âu (EU) ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo...

Liên minh châu Âu (EU) ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông và khu vực

Tại diễn đàn hôm 28/2, ông Luc Véron, Đại sứ của EU tại Manila nhần mạnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò đặc biệt quan trọng vì 60% thương mại hàng hải của thế giới đi qua khu vực này và 1/3 trong số đó đi qua Biển Đông, EU có lợi ích lớn trong việc đảm bảo tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông, do vậy EU cần nỗ lực phối hợp với các nước ven Biển Đông trong việc bảo vệ tuyến hàng hải quan trọng này.

Phát biểu tại diễn đàn này, Giám đốc CRIMARIO, ông Martin Inglott cho biết IORIS hoạt động giống một “nền tảng Facebook rất, rất an toàn” và không yêu cầu bất kỳ phần cứng hoặc phần mềm cụ thể nào để vận hành. Giấy phép IORIS trọn đời trị giá 134.300 USD; sau khi đăng ký, hải quân và lực lượng tuần duyên các nước thành viên có thể tạo hồ sơ riêng và kết hợp với những bên khác để tạo ra “một cộng đồng” tập trung theo dõi một sự cố cụ thể, chẳng hạn như một con tàu chở hàng hóa độc hại có nguy cơ bị chìm.

Thay vì sử dụng thư điện tử hoặc gọi điện thoại, các cơ quan có thể liên lạc, trao đổi dữ liệu và xác định tọa độ của máy bay và tàu thuyền trên biểu đồ hàng hải trên nền tảng IORIS. Ông Martin Inglott ví IORIS như “một trung tâm hoạt động hoặc bảng trắng hoạt động trực tuyến”. “Tất cả được tích hợp trong một. Nó rất an toàn – nhờ được mã hóa đầu cuối”.

Cũng theo ông Martin Inglott, nền tảng này cũng cho phép chia sẻ các thông tin khác như hình ảnh vệ tinh và tần số vô tuyến của các tàu đánh bắt cá trái phép đã tắt bộ phát đáp; IORIS đặt mục tiêu “tăng cường an ninh và an toàn hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua hợp tác liên ngành, liên cơ quan và liên khu vực”, bằng cách ngăn chặn các đối tượng buôn người, buôn ma túy, các hiểm họa môi trường và tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU), cùng nhiều mối đe dọa khác.

Ông Martin Inglott khẳng định rằng nền tảng chia sẻ thông tin IORIS cũng như dự án CRIMARIO đều không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào; chúng “hoàn toàn trung lập và được sử dụng với những mục đích tốt đẹp”. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là thành viên của IORIS. Trả lời câu hỏi liệu EU có cân nhắc mời Trung Quốc sử dụng IORIS hay không, ông Martin Inglott cho biết: “Hiện tại, khuôn khổ xác định chương trình CRIMARIO được gọi là mô tả hành động. Và mô tả hành động này không bao gồm việc hợp tác với Trung Quốc”.

Giới phân tích cho rằng mặc dù  Giám đốc của CRIMARIO khẳng định dự án và chương trình OIRIS không nhằm chống bất kỳ quốc gia nào, song với việc triển khai dự án ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng rõ ràng EU đang sử dụng công nghệ 4.0 vào việc bảo vệ tự do và an ninh hàng hải ở Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và Biển Đông trước những thách thức và mối đe dọa từ Trung Quốc, thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, mặc dù EU và Trung Quốc đang tiến hành đối thoại an ninh hàng hải song phương, song Trung Quốc không phải là thành viên OIRIS và theo như ông Martin Inglott cho biết thì dưòng như EU chưa tình đến việc để Bắc Kinh tham gia vào dự án này, thậm chí ông còn cho rằng đây là vấn đề “chính trị nhạy cảm”. Việc Trung Quốc không được tham gia một dự án công nghệ về chia sẻ thông tin hoạt động tàu thuyền trong khu vực.

Mặt khác, có thể thấy việc sử dụng công nghệ 4.0 trên nền tảng OIRIS để bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông và trong khu vực là nhằm triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU mà một trong những mục tiêu chính của nó là nhằm kiềm chế Trung Quốc, do vậy tuy không nói ra nhưng chương trình OIRIS là để chia sẻ các thông tin liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc gây nguy hại đến an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông và trong khu vực.

Hai là, thời gian qua, Trung Quốc có nhiều hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông và khu vực. Mấy năm trở lại đây, Trung Quốc đẩy mạnh cái gọi là chiến lược “vùng xám” với việc gia tăng của lực lượng dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu cá với sự ủng hộ của các tàu hải cảnh để thúc đẩy các yêu sách phi lý ở Biển Đông; các lực lượng chức năng của Trung Quốc thường xuyên truy đuổi, bắt bớ, thậm chí đâm chìm tàu cá của các nước ven Biển Đông; các tàu khảo sát xâm phạm trái phép vào vùng biển các nước láng giềng.

 Đặc biệt, chỉ trong năm 2021, Trung Quốc sửa đổi hai bộ luật (Luật hải cảnh và Luật an toàn giao thông hàng hải) cho phép các lực lượng chức năng Trung Quốc khám xét, lục soát thậm chí nổ súng vào các tàu nước ngoài hoạt động trong các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách “thuộc quyền tài phán” của họ. Động thái này đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông và khu vực khiến các nước EU không thể làm ngơ mà cần có biện pháp đáp trả.  

Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất bị cáo buộc thường xuyên hoạt động bất hợp pháp và không được kiểm soát tại Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng nhiều tàu của dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu cá để tiến hành các hoạt động gây hấn ở Biển Đông. Tháng 3/2021, Philippines đã tố cáo trên 240 tàu cá và tàu dân quân biển Trung Quốc tụ tập dài ngày ở đá Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Đầu năm 2022 này, một số nguồn tin cho biết một số lượng lớn hơn so với thời điểm tháng 3/2021 tàu cá và tàu cá giả danh tập trung ở hai khu vực đá Ba Đầu và gần đá Huy Gơ khiến giới quan sát lên tiếng cảnh báo Trung Quốc có thể tận dụng thời cơ Nga xâm lược Ukraine để tiến hành động thái gây hấn mới ở khu vực Biển Đông.

Ba là, EU thường xuyên lên tiếng phản đối các hoạt động gây hấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số nước EU đã đưa ra lập trường pháp lý chính thức trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông thông qua việc gửi công hàm lên Liên hợp quốc (Pháp, Đức gửi chung công hàm với Anh) hay ra tuyên bố của Bộ Ngoại giao (Hà Lan). Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông, năm 2021 một số nước châu Âu (Pháp, Đức và Hà Lan) đã điều tàu chiến đến khu vực và Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải.

Trong thời đại của công nghệ số, việc EU triển khai chương trình 4.0 trên nền tảng của IORIS để tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông thể hiện rõ chính sách nhất quán của EU trên vấn đề Biển Đông là thượng tôn pháp luật nhằm duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Chương trình thử nghiệm của IORIS đang được triển khai tại Philippines. Giới phân tích cho rằng việc EU chọn Philippines để bắt đầu kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông là việc làm có sự tính toán kỹ bởi Philippines là một đồng minh của Mỹ và có tranh chấp lớn thứ 2 với Trung Quốc ở Biển Đông (sau Việt Nam). Những năm gần Philippines chịu nhiều sức ép lớn từ Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines đi đầu trong việc sử dụng pháp lý để đầu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông với việc đệ đơn khởi kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (năm 2013, sau khi Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough) và giành thắng lợi tuyệt đối trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, Trung Quốc không thực thi phán quyết mà ngang nhiên khống chế bãi cạn Scarborough và xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi khu vực này; Trung Quốc còn thường xuyên cho tàu xâm lấn trong vùng biển của Philippines, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines hồi năm 2016; cho tàu chiến dượt đuổi tàu chở phóng viên của Philippines trong vùng biển của Philippines….

Sau khi quá trình thử nhiệm được hoàn tất ở Philippines, IORIS sẽ được mở rộng sang các nước Đông Nam Á khác. Khi tất cả các nước ven Biển Đông trong ASEAN là thành viên của IORIS, họ có thể chia sẻ thông tin trên biển với nhau và với các nước EU trên nền tảng kỹ thuật số của IORIS. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông mà còn giúp các nước này đối phó hiệu quả với chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh ở Biển Đông bởi lẽ thông qua IORIS, các nước ven Biển Đông có thể nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc. Các chuyên gia đều cho rằng việc EU triển khai chương trình IORIS với việc ứng dụng công nghệ số 4.0 để bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông là rất hữu ích cho các nước ven Biển Đông trong việc đối phó với các thách thức từ Trung Quốc. Đây chính là việc hỗ trợ các nước ven Biển Đông nâng cao năng lực quản lý các vùng biển của mình thông qua việc ứng dụng nền tảng kỹ thuật số.

Thuc Nguyen

RELATED ARTICLES

Tin mới