Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMất 8 năm để hoàn thành một dự án điện gió ngoài...

Mất 8 năm để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi

Chuyên gia Đan Mạch cho biết, mỗi dự án ĐGNK được thực hiện trung bình khoảng 8 năm, từ khâu chuẩn bị đến khâu hoàn thành.

Các diễn giả tham gia hội thảo.

Thông tin trên được ông Aisma Vitina – Cố vấn của Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết tại Hội thảo: “Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công thương tổ chức vào chiều nay 2/6.

Chia sẻ của ông Aisma Vitina cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng: Mỗi dự án ĐGNK được thực hiện trung bình khoảng 8 năm, từ khâu chuẩn bị đến khâu hoàn thành. Như vậy, từ nay đến năm 2030 còn 8 năm, nhưng mọi chính sách ở nước ta “vẫn chưa rõ ràng”.

Ông Stuart Livesay, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió La Gàn bày tỏ: “Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ĐGNK đến năm 2030 là 7 GW, nhưng mục tiêu đấy triển khai như thế nào, lộ trình, hợp đồng mua bán điện ra sao thì chưa rõ ràng. Nếu không có sự đảm bảo nhất định, sẽ rất khó để thực hiện được!”

Không chỉ lo lắng về chính sách “còn trống”, vị này còn băn khoăn: Liệu khi dự án hoàn thiện, lưới điện có sẵn sàng để truyền tải công suất, truyền tải được bao nhiêu… khi việc đầu tư lưới điện để đáp ứng yêu cầu truyền tải đến năm 2030 cũng cần con số lớn.

Theo ông Stuart Livesay, sự thiếu rõ ràng trong các chính sách và những rủi ro khác sẽ dẫn đến việc gia tăng chi phí cho nhà đầu tư. Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, mà còn ảnh hưởng đến giá điện và sự cạnh tranh của họ.

Bởi vậy, cần có một lộ trình rõ ràng là rất quan trọng. Rõ ràng về thời điểm và cách thức các dự án được lựa chọn và triển khai.

Từ góc độ nhà làm chính sách, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhìn nhận, để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi mất từ 7-8 năm, như vậy, thời điểm này chúng ta phải bắt tay vào triển khai mới có thể đạt được mốc quy hoạch đến năm 2030.

Theo ông Hùng, các công việc cần làm để triển khai các dự án ĐGNK như: Quy hoạch Điện VIII sớm được phê duyệt, (hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch); Sau khi được duyệt, Bộ Công thương còn chuẩn bị kế hoạch thực hiện.

“Nếu kế hoạch triển khai chậm sẽ làm giảm hiệu quả của Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, cũng cần phải hoàn thiện khung pháp lý. Thực tế, ĐGNK có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, ở chỗ phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn. Đây cũng là vấn đề cần hóa giải sớm”, ông Hùng nói.

Do đó, theo ông Hùng, có Quy hoạch điện rồi, chúng ta cần phải có Quy hoạch không gian biển. Vấn đề ở chỗ “giải quyết khung pháp lý thì ai là thẩm quyền quyết định, vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng…”.

Còn về vấn đề kết nối nguồn ĐGNK vào hệ thống điện quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng – Bộ Công thương cho biết, do còn chưa xác định được rõ nét dự án ĐGNK nào sẽ được cấp chủ trương đầu tư, dẫn tới sự bị động trong đầu tư nâng cấp lưới điện đồng bộ với dự án.

Bên cạnh đó, còn vấn đề phân chia ranh giới đầu tư lưới điện đấu nối giữa nhà đầu tư ĐGNK với đơn vị quản lý vận hành và đầu tư hệ thống truyền tải (EVN).

Ngoài ra, cũng chưa có quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án ĐGNK để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế ngư dân.

“Quy trình, thủ tục đầu tư còn phức tạp, sự chồng chéo về quản lý giữa các bộ ngành địa phương đối với vùng biển, dẫn tới thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài và tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện”, ông Cường nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới