Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngHải quân nhóm "Bộ Tứ" cùng 4 nước ven Biển Đông tham...

Hải quân nhóm “Bộ Tứ” cùng 4 nước ven Biển Đông tham gia tập trận hải quân RIMPAC 2022

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2022 có sự góp mặt của các đối tác quan trọng của Mỹ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – các thành viên nhóm Bộ Tứ và 5 quốc gia ven Biển Đông.

Màn phô diễn lực lượng của các tàu chiến tham dự tập trận Rimpac 2014.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2022 diễn ra chủ yếu ở Honolulu và San Diego, có sự tham gia của các đơn vị quân đội từ 26 quốc gia, kéo dài từ 29/6 đến 4/8, CNN đưa tin.

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới sẽ có 38 tàu thuyền, 4 tàu ngầm và 170 máy bay, Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ tiết lộ trong thông cáo ngày 31/5. Khoảng 25.000 quân nhân sẽ tham gia cuộc tập trận này, trong đó có binh sĩ trên bộ từ 9 quốc gia.

Các quốc gia ven Biển Đông gồm: Philippines, Malaysia và Brunei, Indonesia và Singapore sẽ tham gia tập trận RIMPAC 2022.

Các nước nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã tổ chức 2 cuộc tập trận hải quân chung kể từ năm 2020. Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ cũng đã họp 4 lần kể từ năm ngoái, bao gồm cả tại các hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Nhà Trắng vào tháng 9 năm ngoái và gần đây hơn vào ngày 24/5 ở Tokyo.

Cuộc tập trận RIMPAC 2022 bao gồm các cuộc diễn tập tập trung vào “các hoạt động đổ bộ, diễn tập với pháo, tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không, cũng như các hoạt động chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ, và hoạt động lặn, trục vớt”.

Cuộc tập trận RIMPAC 2022 cũng có sự tham gia của Canada, Chile, Colombia, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Israel, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Tonga và Vương quốc Anh.

Cuộc tập trận sắp tới sẽ là phiên bản thứ 28 của RIMPAC, bắt đầu từ năm 1971.

Cuộc tập trận hải quân này, tuy được tổ chức thường niên, vẫn được giới phân tích đặc biệt chú ý trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, bao gồm cả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, hải quân nước này đã từng được mời tham dự Rimpac từ năm 2014. Tuy nhiên, sau những hành động leo thang tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã không tham gia Rimpac từ năm 2018.

Gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái cáo buộc lẫn nhau về vấn đề Đài Loan. Tuần trước, Hải quân Trung Quốc đã điều nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tham dự một cuộc tập trận tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ đã ngay lập tức cử 2 nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Ronald Reagan ra khu vực trên để huấn luyện và theo dõi tình hình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới