Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNam Thái Bình dương làm đau đầu các nước lớn

Nam Thái Bình dương làm đau đầu các nước lớn

Chuyến công du nhóm đảo quốc Nam Thái Bình dương của ngoại trưởng Trung Quốc đã kết thúc. Nhưng tới lúc này, nó vẫn còn là sự kiện được các chuyên gia quốc tế quan tâm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Fiji, ngày 30/5

Kết cục, Bắc Kinh đã không đạt mục tiêu như mong muốn là tìm kiếm thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực, dù đã sốt sắng, công phu dự thảo sẵn một văn bản có tên là Thỏa thuận về “Tầm nhìn Phát triển Chung” để ông Vương Nghị mang theo sẵn trong cặp.

Nhưng hóa ra nhóm đảo quốc Nam Thái Bình dương xa cách nghìn trùng mà ông Vương Nghị ghé thăm không như Solomon – đảo quốc trước đó đã ký chính thức “Thỏa thuận khung về hợp tác an ninh” với Trung Quốc. Nói cách khác, họ “khó bảo” hơn so với những gì Bắc Kinh đã nghĩ. Sự “khó bảo” đó khiến chuyến đi của ông Vương Nghị chỉ đạt kết quả một nửa so với dự kiến: nhất trí được 5 lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc, gồm: hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các vấn đề về nông nghiệp và ứng phó thảm họa, không có lĩnh vực an ninh.

Không nói, ai cũng biết, thời điểm này, bên “vui” với cái nửa Bắc Kinh không đạt được, là Mỹ, là Úc và một số đồng minh – những quốc gia vừa bị “sốc” với việc Thỏa thuận an ninh Trung Quốc – Solomon, vì lo lắng rằng, Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận tương tự với nhóm đảo quốc Nam Thái Bình dương còn lại.

Cho dù nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết “sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận và tham vấn sâu, liên tục để đạt được đồng thuận hơn trong hợp tác”, thì giới chuyên gia quốc tế cũng như dư luận nói chung vẫn cho rằng, thời điểm để đạt được cái đích đồng thuận đó là…còn lâu.

Tại sao lại lâu? Đây thực ra một câu hỏi khá đơn giản với dư luận.

Thứ nhất, sau cái “thở phào” bớt phần lo âu trước chuyến đi thăm và chủ trì chủ trì hội nghị lần thứ hai với các ngoại trưởng đảo quốc Thái Bình Dương tại Fiji của ông Vương Nghị, Mỹ, Úc, có thể thêm các đồng minh khác, sẽ không ngồi im để Trung Quốc thúc đẩy câu chuyện dở dang của mình, mà sẽ hành động.

Trong thực tế, đon trước Trung Quốc sẽ bành trướng ra Nam Thái Bình dương, các nước đó, với lý do “thỏa thuận an ninh có thể gia tăng bất ổn ở quần đảo Solomon và có thể tạo ra tiền lệ cho khu vực”, Mỹ, Úc, đã có chủ động một số động thái.

Ngày 13/4/2022, ông Zed Seselja – bộ trưởng Úc về vấn đề quốc tế và Thái Bình Dương – đã yêu cầu Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon không ký các thỏa thuận an ninh với Trung Quốc (…). Solomon không phải là căn cứ quân sự đóng quân của các cường quốc nước ngoài”, đồng thời, để ngỏ giải pháp về việc Úc sẵn sàng hỗ trợ về mặt an ninh cho Solomon nếu nước này cần.

Còn Mỹ, từ tháng 2 năm nay, đã công bố kế hoạch mở Đại sứ quán Mỹ tại Solomon để “tăng cường hợp tác” – một động thái mà dư luận xem như sự “kích hoạt” lại ngoại giao đối với các đảo quốc Thái Bình Dương – nơi mà giới chiến lược quân sự Mỹ đánh giá là “lý tưởng để xây dựng căn cứ hải quân và triển khai trang thiết bị quân sự” nhằm đảm bảo vị thế của Mỹ trong khu vực. Thậm chí, trước đó lâu hơn, ngày 5/8/2019, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tới các quốc đảo nam Thái Bình Dương, gia hạn Hiệp ước Kết hợp tự do giữa Mỹ và FAS hết hạn vào năm 2023.

Với tầm nhìn xa đó, sau “sự kiện Solomon”, Mỹ, Úc sẽ triển khai ráo riết hơn các tính toán của mình.

Thứ hai, trừ Solomon đã ký Thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, nhóm đảo quốc còn lại cho rằng: chậm hóa ra lại hay. Hay vì có thời gian để biết, hạ một chữ ký như Solomon với Trung Quốc, hiện tại, đảo quốc này đang chịu sức ép như thế nào trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
“Không ăn được thì đạp đổ” – cách hành xử “tiểu nhân” đó vẫn thường được các nước lớn – áp dụng. Một khi như thế, gánh hậu quả khôn lường, là Solomon chứ ai? Đó là chưa kể sự hậm hực của Úc – quốc gia cho rằng, mình là bên bị đe dọa nhiều nhất trước Thỏa thuận Solomon.

Nói gì thì nói, đe dọa, nhưng chưa ký; hoặc có ký, thì gạt lĩnh vực an ninh ra – hẳn các đảo quốc còn lại sẽ được cả Mỹ, Trung Quốc và Úc cùng ve vãn, chiều chuộng…

“Không có bữa trưa nào miễn phí”. Sẽ tới lúc chẳng còn một sự chiều chuộng nào nữa nếu không thể hiện rõ thái độ. Tuy nhiên, thời gian tới lúc đó có thể còn là dài dài nếu khôn khéo. Được thế, nhóm đảo quốc còn lại sẽ cùng khai thác, lợi dụng được cả hai bên để thu được lợi ích lớn nhất cho mình.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới