Sách giáo khoa Trung Quốc đang gây bão mạng, dấy lên làn sóng phẫn nộ bởi những hình ảnh minh họa bị coi là xấu xí, khêu gợi tình dục, thân Mỹ.
CNN Hong Kong đưa tin, Trung Quốc đã ra lệnh rà soát sách giáo khoa trên toàn quốc sau khi những bức tranh minh họa bị cho là xấu xí, khêu gợi và ngầm thể hiện “thân Mỹ” khiến dư luận mạng xã hội dậy sóng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và phụ huynh bày tỏ quan ngại chiến dịch này có màu sắc chính trị và sẽ có sự thắt chặt quá mức cần thiết đối với việc kiểm duyệt các ấn phẩm văn hóa vốn đã rất nghiêm ngặt của đất nước này.
Các bức tranh in trong một số cuốn sách giáo khoa Toán đang được các trường tiểu học Trung Quốc sử dụng từ gần một thập kỷ, đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi vì nhiều lý do khác nhau.
Một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc lên tiếng chỉ trích những bức tranh vẽ trẻ em có đôi mắt nhỏ, sụp mí, mắt to và trán to là xấu xí, phản cảm và phân biệt chủng tộc.
Những người khác thì cho rằng hàm ý tình dục trong một số bức vẽ thể hiện sự xúc phạm. Một số hình ảnh cho thấy các bé trai được vẽ phồng lên ở quần, trông giống như đường viền của bộ phận sinh dục; trong một bức vẽ minh họa khác về nhóm trẻ em đang chơi trò chơi, có một cậu bé đặt tay lên ngực một cô gái trong khi một cậu bé khác thì kéo váy cô gái; ở một bức vẽ khác, nội y của một bé gái bị lộ khi cô bé đang nhảy dây.
Người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc cũng có những cáo buộc cho rằng các hình minh họa thể hiện sự “thân Mỹ” – “ủng hộ Hoa Kỳ”, vì trong tranh có một số trẻ em mặc quần áo hoa văn với các ngôi sao và sọc có màu sắc của lá cờ Mỹ.
Sự phẫn nộ đối với các bức tranh minh họa trong sách giáo khoa càng lúc càng “dậy sóng”, thống trị các cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số tag liên quan đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Weibo, một nền tảng giống Twitter rất thịnh hành ở Trung Quốc.
Nhiều người bày tỏ sự sốc và tức giận khi những hình minh họa “không đạt tiêu chuẩn” không chỉ được đưa vào sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân thuộc Trung Quốc xuất bản, mà thậm chí các hình vẽ này đã không được chú ý trong nhiều năm nay. Dữ liệu ghi nhận bộ sách giáo khoa này đã được được sử dụng trên toàn đất nước Trung Quốc từ năm 2013. Nhiều người đặt ra câu hỏi về việc, làm thế nào để những cuốn sách giáo khoa như thế đã vượt qua quy trình đánh giá xuất bản nổi tiếng nghiêm ngặt của đất nước này?
Những người theo chủ nghĩa dân tộc nhanh chóng đổ lỗi cho sự xâm nhập văn hóa phương Tây, cáo buộc – mà không đưa ra bằng chứng – rằng những người vẽ tranh minh họa đã lén lút làm việc cho các thế lực nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, để làm hư hỏng tâm hồn của những đứa trẻ vô tội ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh hỗn loạn, báo Giáo dục Nhân dân Trung Quốc mới đây cho biết tin tức, Trung Quốc đang thu hồi bộ sách giáo khoa và sẽ thiết kế lại các hình minh họa – nhưng điều này cũng không thể dập tắt được sự tức giận của công chúng.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã vào cuộc, yêu cầu nhà xuất bản chấn chỉnh và cải cách các ấn phẩm của mình và đảm bảo rằng phiên bản mới sẽ được chuẩn bị cho năm học tiếp theo sẽ bắt đầu từ mùa thu. Bộ này cũng ra lệnh kiểm tra kỹ lưỡng sách giáo khoa trên toàn quốc để đảm bảo tài liệu giảng dạy tuân thủ các định hướng và giá trị chính trị đúng đắn, quảng bá văn hóa Trung Quốc nổi bật và phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.
Đã có giai đoạn, dưới thời ông Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc đã cấm các tài liệu giảng dạy nước ngoài – bao gồm sách giáo khoa và tiểu thuyết cổ điển – trong tất cả các trường tiểu học và trung học công lập.
Những lời chỉ trích về sách giáo khoa cũng trở thành những lời công kích cá nhân đối với những người vẽ minh họa. Wu Yong, người có xưởng vẽ thiết kế các bức tranh minh họa, bị cáo buộc là gián điệp của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ngay cả trường cũ của Wu, Học viện Nghệ thuật & Thiết kế thuộc Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, cũng không tránh khỏi sự phẫn nộ.
Dù sao, một số phụ huynh bày tỏ, so với sự xâm nhập của các thế lực nước ngoài, họ cảm thấy lo lắng hơn về việc kiểm duyệt nghiêm ngặt quá mức đối với những nội dung có thể mang đến cho trẻ em một góc nhìn tự do hơn, đa dạng hơn. “Bởi chính việc kiểm duyệt quá chặt đang khiến sách giáo khoa của Trung Quốc ngày càng trở nên bảo thủ và buồn tẻ, không tốt cho sự phát triển của trẻ em”, một vị phụ huynh bày tỏ.
T.P