Nổ súng bắn chết sinh viên chủ yếu là Tập đoàn quân 38 và Quân đoàn dù 15. Có lệnh nổ súng hay không? Ai đã ra lệnh? Chân tướng vụ thảm sát như thế nào? Bao nhiêu quân đội và cảnh sát tử vong? Tình huống tử vong của họ như thế nào? Sách “Đội quân thiết quân luật trong sự kiện 4/ 6” của Ngô Nhân Hoa đã làm rõ các vấn đề này.
Ngô Nhân Hoa, người giảng dạy tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc vào năm 1989, “đã trải qua một đêm đẫm máu nhất ở Quảng trường Thiên An Môn” khi Sự cố ngày 4 tháng 6 nổ ra. Kinh nghiệm xương máu này đã thúc đẩy ông viết “Nội tình cuộc thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn”. Vào đêm trước kỷ niệm 20 năm Ngày thảm sát 4/6 , Ngô Nhân Hoa đã xuất bản sách “Đội quân thiết quân luật trong sự kiện 4/ 6”. Tại sao ông lại viết sách này? Ngô Nhân Hoa nói, để tìm ra sự thật. Ông tin rằng sự thật quan trọng nhất của sự kiện ngày 4 tháng 6 là sự thật của vụ thảm sát, và vấn đề cốt lõi của nó là việc sử dụng quân đội để thảm sát thường dân.
Là người chứng kiến và là người tìm hiểu các tài liệu lịch sử, cuối cùng Ngô Nhân Hoa đã tìm ra tình hình của đội quân thiết quân luật sau nhiều năm điều tra. Ông giới thiệu chi tiết về quân số của quân thiết quân luật, lộ trình đến Bắc Kinh, và những nhiệm vụ mà họ thực hiện sau khi vào Bắc Kinh, đặc biệt là vào đêm xảy ra vụ thảm sát. Có lệnh bắn hay không, cách thức đưa ra lệnh bắn như thế nào, và tình hình quân đội và cảnh sát tử vong ra sao, v.v.
Sự thật về sự kiện ngày 4 tháng 6
Cái gọi là sự thật của sự kiện ngày 4 tháng 6 là gì? Ngô Nhân Hoa tin rằng sự thật quan trọng nhất là sự thật của vụ thảm sát. Vấn đề cốt lõi của nó là việc sử dụng quân đội để giết hại dân thường. Tác phẩm “Đội quân thiết quân luật trong sự kiện 4/ 6” đã kể chi tiết tình hình của các đội quân thiết quân luật tiến vào Bắc Kinh, trong cuộc đàn áp đẫm máu vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Cuốn sách khoảng 350.000 chữ, và mỗi đội quân thiết quân luật tiến vào Bắc Kinh lúc đó đều được mô tả chi tiết trong một chương đặc biệt, bao gồm lộ trình của đội quân thiết quân luật tiến vào Bắc Kinh, họ đã làm gì sau khi vào Bắc Kinh, và tình hình chấp hành nhiệm vụ của họ vào đêm tàn sát.
Số hiệu quân đội thiết quân luật
Về tình hình của quân đội thiết quân luật tham gia vào cuộc đàn áp đẫm máu Phong trào ngày 4 tháng 6, quan chức ĐCSTQ không chỉ giữ bí mật về quân số trong cái gọi là ‘thông tin công khai về trấn áp bạo lực’ sau sự kiện này, mà còn giữ bí mật số hiệu quân đội tham gia.
Sau nhiều năm thu thập thông tin, và sử dụng kiến thức chuyên môn nghiên cứu văn bản của mình, Ngô Nhân Hoa đã giải mã được từng số hiệu và mật mã của quân thiết quân luật, đồng thời xác định vị trí của quân thiết quân luật, và số lượng quân tiến vào Bắc Kinh.
Theo điều tra của Ngô Nhân Hoa, có tổng cộng 14 tập đoàn quân thực hiện nhiệm vụ thiết quân luật ở Bắc Kinh. Bao gồm Tập đoàn quân 24, 27, 28, 38, 63 và 65 thuộc Quân khu Bắc Kinh; 3 tập đoàn quân của Quân khu Thẩm Dương: Tập đoàn quân 39, 40 và 64; Tập đoàn quân 20, 26, 54 và 67 của Quân khu Tế Nam, và Tập đoàn quân 12 của Quân khu Nam Kinh. Tổng cộng có 14 tập đoàn quân. Ngoài ra còn có Quân đoàn dù 15 trực thuộc Quân ủy Trung ương, là quân đoàn dù duy nhất của ĐCSTQ vào thời điểm đó, và là đội quân tinh nhuệ nhất của ĐCSTQ vào thời điểm đó; còn bao gồm Sư đoàn pháo binh 14 của Quân khu Bắc Kinh; Sư đoàn xe tăng số 1 của khu vực đóng quân Thiên Tân; Sư đoàn cận vệ số 1, và Sư đoàn cận vệ số 3 bảo vệ Bắc Kinh; và Quân đoàn lực lượng cảnh sát vũ trang Bắc Kinh. Không phải tất cả binh lính của 14 tập đoàn quân đều vào Bắc Kinh, số sĩ quan và binh lính vào Bắc Kinh là từ 200.000 đến 250.000 người.
Nổ súng bắn chết sinh viên chủ yếu là Tập đoàn quân 38 và Quân đoàn dù 15
Từ tối ngày 3 tháng 6 đến sáng sớm ngày 4 tháng 6, có rất nhiều quân đội thực hiện nhiệm vụ trấn áp Thiên An Môn, các quan chức đã sắp xếp cẩn thận cho việc này vì họ lo lắng rằng sẽ có vấn đề với quân đội. Nhiệm vụ công khai của quân đội thiết quân luật tất nhiên là trấn áp phong trào sinh viên, và chiếm Quảng trường Thiên An Môn, đồng thời ngăn chặn một cuộc đảo chính có thể xảy ra trong đảng, và một cuộc binh biến trong quân đội.
Một trong những đội quân đã nổ súng là Tập đoàn quân 38 tiến vào từ phố Tây Trường An, và Quân đoàn dù 15 tiến vào Bắc Kinh từ Châu Thị Khẩu, Thiên Kiều và Tiền Môn ở phía nam Thiên An Môn. Các đơn vị khác cũng nổ súng, nhưng chính hai đơn vị này giết người nhiều nhất.
Ai ra lệnh nổ súng
Nhiều người đang rất băn khoăn về việc, liệu đã có lệnh nổ súng vào đêm 4/6 hay không? Lệnh nổ súng được đưa ra như thế nào? Ngô Nhân Hoa loại trừ khả năng từng tập đoàn quân nổ súng khi chưa được phép, mà là đã có lệnh nổ súng rõ ràng. Ngô Nhân Hoa đã có 11 tài liệu cụ thể để chứng minh điều đó: bao gồm các tài liệu viết tay của Thiếu tướng Ngô Gia Dân, Tư lệnh Tập đoàn quân 40, tất cả đều đề cập đến lệnh bắn, và cụ thể là cách thức nhận lệnh bắn.
Về cấp phát lệnh nổ súng, lệnh này không phải từ cấp quân đoàn, cũng không phải từ bộ tư lệnh tiền phương của đại quân khu đi theo tập đoàn quân. Sau khi điều tra, Ngô Nhân Hoa xác định rằng, lệnh xử bắn phải được đưa ra với sự đồng ý của Đặng Tiểu Bình. Một là Lưu Hoa Thanh, người phụ trách công việc của Quân ủy Trung ương lúc bấy giờ, và là Tổng tư lệnh lực lượng thiết quân luật, là Ủy viên Quân ủy Trung ương, và Phó Tổng thư ký Quân ủy Trung ương. Hai phó tư lệnh khác là Trì Hạo Điền, khi đó là tổng tham mưu trưởng, và Chu Y Băng, Tư lệnh quân khu Bắc Kinh. Họ hoàn toàn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Dương Thượng Côn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Quân ủy trung ương.
Dương Thượng Côn luôn là một người thận trọng. Ông ta thực sự quản lý quân đội với tư cách là thay mặt Đặng Tiểu Bình. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu và giữa của phong trào sinh viên năm 1989, Dương Thượng Côn luôn có thiện cảm với phong trào sinh viên, và đồng ý với ý tưởng của Triệu Tử Dương về việc giải quyết các vấn đề trên cơ sở dân chủ và pháp quyền. Sau đó, vì Đặng Tiểu Bình kiên quyết trấn áp, nên đương nhiên Dương Thượng Côn đã nghe theo Đặng Tiểu Bình, dốc toàn lực thi hành thiết quân luật và trấn áp hiện trường. Vì vậy, Ngô Nhân Hoa tin rằng, lệnh nổ súng là do người thống trị tối cao lúc bấy giờ đưa ra. Đó là, với sự đồng ý của Đặng Tiểu Bình. Sau khi Đặng Tiểu Bình đồng ý, nó được thông qua Quân ủy Trung ương, sau đó thông qua Bộ chỉ huy của quân đội thiết quân luật, và sau đó được truyền đạt đến các cấp tập đoàn quân.
Số lượng quân đội và cảnh sát tử vong
Số liệu chính thức về số người chết của quân đội và cảnh sát đã thay đổi ba lần. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu tháng 6 năm 1989, Lý Tích Danh, khi đó là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, đã đưa ra một báo cáo, ông đề cập rằng, số người chết của quân đội và cảnh sát là 23 người, trong đó có 10 cảnh sát vũ trang và 13 binh sĩ.
Đây là một con số rất cụ thể. Nhưng điều rất lạ là vài ngày sau, Trần Hy Đồng, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, và là Thị trưởng Bắc Kinh, được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giao làm báo cáo về việc xử lý các vụ bất ổn và bạo loạn ở Bắc Kinh, tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ông cho biết, hàng chục quân đội và cảnh sát đã thiệt mạng.
Ngay sau đó, Viên Mộc, Tổng thư ký của Quốc vụ viện, thậm chí không đề cập đến con số thiệt mạng mơ hồ này của quân đội và cảnh sát trong một cuộc họp báo ngày 6/6. Ông cho biết, tổng cộng 216 người đã bị giết là quân đội, cảnh sát và quần chúng. Có nghĩa là, số lượng người chết của quân đội và cảnh sát đã thay đổi từ cụ thể sang mơ hồ, và cuối cùng nó hoàn toàn là sự trộn lẫn với số lượng quần chúng chết.
Ngô Nhân Hoa nói, tại sao ông nghiên cứu cái chết của quân đội và cảnh sát? Đó là vì sau ngày 4 tháng 6, chính quyền ĐCSTQ luôn nói rằng, quân đội phải bắn hạ vì bạo loạn phản cách mạng ở Bắc Kinh. Nghiên cứu của Ngô Nhân Hoa về số liệu tử vong của quân đội và cảnh sát kết luận rằng: có tổng cộng quân đội và cảnh sát bị giết là 15 người, trong đó có 2 cảnh sát vũ trang. Ngô Nhân Hoa lần lượt liệt kê cấp bậc, thời gian chết và nơi chết của họ.
Một số tình huống tử vong của quân đội và cảnh sát
Tình huống cái chết của 15 binh sĩ quân đội và cảnh sát không giống nhau. Tình huống thứ nhất: 6 binh sĩ thuộc Lữ đoàn pháo binh của Tập đoàn quân 38, nhận được lệnh khẩn cấp vào đêm 3 tháng 6 phải đến Quảng trường Thiên An Môn để vận chuyển khí tài chống bạo động. Xe bị lật ở ngã tư đường Thúy Vi, bình xăng phát nổ, không thoát ra được và tử vong.
Tình huống thứ hai: Vương Cảnh Sinh, Thiếu úy của Tập đoàn quân 24, đột ngột lâm bệnh và qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1989, một tháng sau cuộc đàn áp ngày 4 tháng 6. Giấy báo tử của anh ta ghi rõ rằng, suy tim là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết. Cái chết của anh ta cũng không liên quan gì đến đám đông nổi loạn.
Tình huống thứ ba: Vu Cảnh Lộc, Thiếu tá Cục Chính trị Quân đoàn 39, một sĩ quan tuyên truyền, bị quân đội thiết quân luật giết chết. Vào đêm ngày 3 tháng 6 năm 1989, khi ông theo quân đội thiết quân luật đến Quảng trường Thiên An Môn, quân đội đã bị quần chúng chặn lại. Là một cán sự tuyên truyền, Vu Cảnh Lộc háo hức chụp ảnh hoạt động trấn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, và ghi lại quá trình trấn áp. Vì anh ta nóng lòng muốn lập công, nên không nghe theo lời ngăn cản của người khác, anh ta thay quần áo thường dân, và tiến về Quảng trường Thiên An Môn một mình, kết quả là anh ta bị bắn bị thương trên đường đi, anh ta được quần chúng đưa đến bệnh viện, chữa trị không được đã tử vong.
Cái chết của 8 người trên không liên quan gì đến cái gọi là ‘côn đồ bạo loạn’ cả. Chỉ có 7 người khác là có liên quan đến cái gọi là ‘côn đồ bạo loạn’.
Không có ‘bạo loạn phản cách mạng’ ở Bắc Kinh
Nghiên cứu của Ngô Nhân Hoa về cái chết của quân đội và cảnh sát giải thích: Thứ nhất, không có bạo loạn phản cách mạng ở Bắc Kinh vào thời điểm đó. Nếu có bạo loạn phản cách mạng, số quân đội và cảnh sát thiệt mạng sẽ nhiều hơn thế. Vì lúc đó Bắc Kinh đang trong tình trạng toàn dân “chặn đường” binh lính, tức là có vô số thường dân xuống đường để ngăn cản quân đội. Từ đêm ngày 3 tháng 6 đến sáng sớm ngày 4 tháng 6, ít nhất một triệu người đã chặn đường các cánh quân tiến về Quảng trường Thiên An Môn ở nhiều nơi khác nhau ở Bắc Kinh. Trong tình huống nhiều ‘côn đồ bạo loạn’ như thế này chặn đường, mà chỉ chết vài người thế này thì khó mà tưởng tượng nổi.
Ngô Nhân Hoa đưa ra một ví dụ: Vào đêm ngày 3 tháng 6, sáng sớm ngày 4 tháng 6, 880 cán bộ và chiến sĩ của Trung đoàn bộ binh 173 thuộc Tập đoàn quân 20 bị chặn lại ở cổng phía đông của Công viên Thiên Đàn, trong đó có khoảng 300 sĩ quan và binh lính đã bị chặn lại ở dưới một bức tường ở cổng phía đông của công viên này. Vào thời điểm đó, Chu Song Hỷ, một đảng viên của quân đội, đã viết trong một bài báo có kèm chữ ký rằng: Vào thời điểm đó, có hơn 60.000 người đã bao vây 300 sĩ quan và binh sĩ dưới bức tường.
Cứ thử tưởng tượng, nếu hơn 60.000 người cùng làm loạn thì kết cục của 300 cán bộ, chiến sĩ sẽ không thể tưởng tượng được. Và theo yêu cầu của Đại tá Trần Vinh Phúc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 173, người dân đã đưa 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong quá trình hành quân đến bệnh viện để cấp cứu. Ngô Nhân Hoa tin rằng ví dụ này phản ánh tình hình cơ bản ở Bắc Kinh lúc bấy giờ: chỉ cần quân đội ngừng tiến, dân thường không những không bạo lực với họ mà còn được đối xử rất tử tế.
Bắn súng và đàn áp một số người ở phía trước, bộ phận dân chúng dùng bạo lực đối phó bạo lực ở phía sau.
Sau đó, kết luận thứ hai được rút ra từ điều này: quân đội đã nổ súng bắn và đàn áp ở phía trước, và một số dân chúng ở phía sau dùng bạo lực đối phó bạo lực. Ngô Nhân Hoa nói rằng, ông chưa bao giờ phủ nhận rằng, trong cuộc đàn áp ngày 4 tháng 6, một số người đã sử dụng bạo lực để đối đầu với bạo lực, sử dụng gạch, đá và gậy gỗ, để đối phó với những người lính giết người. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận mối quan hệ giữa nhân quả và thời gian. Trước hết, bởi vì quân đội bắn giết người, cảnh tượng thương vong nặng nề khiến một số người phẫn nộ, bởi vì dù sao người ta cũng có tính hiếu chiến. Một điều cần nhắc mọi người chú ý là, không ai trong số 15 binh lính và cảnh sát chết sớm hơn 11 giờ đêm ngày 3 tháng 6 năm 1989. Phần lớn là vào khoảng đầu giờ ngày 4 tháng 6 năm 1989. Điều này cho thấy rõ ràng rằng, những quân cảnh này đã chết sau khi quân thiết quân luật bắn và tàn sát người biểu tình.
Ngô Nhân Hoa chỉ ra rằng, quân đội thiết quân luật đã nổ súng vào lúc 10 giờ tối ngày 3 tháng 6 năm 1989. Người đầu tiên thiệt mạng là Tống Hiểu Minh, một công nhân kỹ thuật tại Viện nghiên cứu thứ ba của Bộ Vũ trụ Trung Quốc. Anh ta bị bắn gần Ngũ Khỏa Tùng lúc 10 giờ tối ngày 3 tháng 6 năm 1989.
T.P