Hôm 5/6, Triều Tiên đã cùng lúc phóng 8 tên lửa. Thật là một thách thức lớn đối với an ninh thế giới. Trước hết nó khiến cho Nhật Bản và Hàn Quốc hết sức bực tức. Vì sao Bình Nhưỡng tiếp tục coi thường Liên hợp quốc đến vậy?
Sau vụ việc đúng là động trời theo nghĩa đen của Triều Tiên, lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên án mạnh mẽ Triều Tiên đã “ngang ngược và liều lĩnh”.
Ông Kishida Fumio lên án “hành vi không thể chấp nhận được, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ đối phó với Triều Tiên”. Còn Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno trong cuộc họp báo đã phê phán kịch liệt hành vi của Triều Tiên. Đây là lần đầu trong cùng một lúc, Triều Tiên phóng liên tục 8 tên lửa. Hành động này đã uy hiếp nền hòa bình, an ninh, không chỉ đối với Nhật Bản mà trên toàn thế giới.
Về phía Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng Kishi Nobuo thông báo, toàn bộ tên lửa đều rơi ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Sáng 6/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phê phán Triều Tiên ngày càng gia tăng hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa. Tại thời điểm này, uy hiếp bằng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang ở mức cao độ, đe dọa bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á. Hàn Quốc sẽ tăng cường hơn nữa năng lực quốc phòng để đối phó với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, nhằm bảo đảm an ninh của Hàn Quốc và khu vực.
Hàn Quốc sẽ cùng Nhật Bản, Mỹ tổ chức Hội nghị cấp thứ trưởng Ngoại giao ba nước, tại Seoul, vào ngày 8/6 tới. Ba nước cũng sẽ tổ chức cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng nhân dịp Hội nghị an ninh châu Á diễn ra tại Singapore trong tuần này, thảo luận các giải pháp đối phó với hành động của Triều Tiên.
Rõ ràng, Bình Nhưỡng đang ngấm ngầm tổ chức chạy đua vũ trang. Theo ông Youngshik Bong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, phản ứng của Washington và Seoul đã thay đổi hẳn so với thái độ im lặng từng thấy dưới thời cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Nếu như trước đây ông Moon Jae In luôn tìm cách hạn chế sự can dự quân sự của Mỹ cũng như tránh xa các cuộc tập trận quân sự lớn với Mỹ, nhằm thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên, thì nay chính phủ của Yoon Suk Yeol có lập trường cứng rắn hơn, khi muốn tăng cường khả năng răn đe của liên minh Mỹ – Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã tăng cường chế tạo tên lửa và tàu ngầm hạt nhân từ thời ông Moon Jae In. Tương tự, Triều Tiên tiếp tục phát triển thêm vũ khí. Một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên trở thành nguy cơ hiện hữu.
Washington có vai trò gì trong cuộc chạy đua vũ trang này? Tổng thống Joe Biden luôn khẳng định, Lầu Năm Góc không có “ý định thù địch” với Bình Nhưỡng, mà sẵn sàng gặp gỡ “vô điều kiện” nhằm biến mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trở thành hiện thực. Tiếc rằng, ông Kim tỏ ra không tin tưởng vào những lời hứa của Mỹ.
Xem ra, việc phi hạt nhân hóa chỉ là mục tiêu của Mỹ, không phải của Triều Tiên. Bình Nhưỡng dường như không muốn đàm phán vào lúc này, mà chỉ muốn có được sự nhượng bộ, chủ yếu từ Mỹ, yêu cầu Washington từ bỏ “chính sách thù địch” với Triều Tiên.
Vấn đề kiểm soát vũ khí và giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn khó khăn và dài lâu. Những tuyên bố và hành động răn đe, ngăn chặn là lựa chọn thực tế duy nhất cho chính quyền Joe Biden trong việc đối phó với Triều Tiên.
Hiện nay quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc – hai nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an – sẽ khiến Liên hợp quốc khó đưa ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì thử nghiệm vũ khí. Nắm được cái “tử huyệt” này, Bình Nhưỡng tiếp tục giỡn mặt các siêu cường.
Những cái đầu bốc lửa ở Washington, Tokyo và nhất là Seoul lại tiếp tục phải chườm đá!
H.Đ