Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhó cho ông Tiêu Thiên

Khó cho ông Tiêu Thiên

Cuối năm 2021, những người theo dõi quan hệ Trung Quốc – Úc từng tràn đầy hy vọng, việc Bắc Kinh bổ nhiệm ông Tiếu Thiên (Xiao Qian) làm đại sứ tại Úc, quan hệ ngoại giao hai nước, nếu không mát lành trở lại, thì cũng dần hạ nhiệt.

J-16 – loại máy bay của Trung Quốc đe dọa máy bay Úc ngày 5/6 vừa qua.

Tại sao lại quan hệ giữa hai cường quốc như Trung Quốc và Úc, thời điểm đó, lại đặt hy vọng vào một cá nhân là ông Tiêu Thiên? Hàm đại sứ, dù là đại sứ tại một quốc gia quan trọng như Úc, suy cho cùng, vẫn chỉ là một chức quan “nhỏ”, nào to tát gì đâu để mà chờ, mà đợi?

Thật thế. Nhưng khi đó, những người hy vọng nhiều vào ông Tiêu Thiên do nhìn thấy ở nhân vật này sự ôn hòa cả trong quan điểm và ứng xử. Điều đó thể hiện rõ khi ông Tiêu Thiên gánh các chức vụ liên quan đến các vấn đề châu Á và Bán đảo Triều Tiên trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc: thông minh, nguyên tắc, cứng rắn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông lại là người hoài nghi và không ủng hộ những biện pháp cứng rắn mà Trung Quốc từng áp dụng – những biện pháp mà ông cho rằng: nó khiến quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh với các nước khác, trong đó có Úc, trở nên căng thẳng.

Người ta càng hy vọng nhiều hơn trước việc, vừa nhận nhiệm vụ tân đại sứ Tiêu Thiên nói rằng: ông nhận thức rõ sứ mệnh quan trọng của mình trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Úc căng thẳng; nhấn mạnh: Trung Quốc và Australia cần tăng cường tương tác và giao tiếp để nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, xóa bỏ hiểu lầm và nghi ngờ, thúc đẩy trao đổi và hợp tác cùng có lợi trong tất cả các lĩnh vực…

Dư luận thêm phấn khởi khi liền sau đó, bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton, cùng với hy vọng lời nói của ông Tiêu Thiên là chân thành, đã khẳng định Úc muốn có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và bền chặt với Trung Quốc. Có điều, ông Peter Dutton vẫn kèm theo lời cảnh báo: Bắc Kinh đang có cách tiếp cận hiếu chiến với Australia và nhiều quốc gia khác.

Nhà ngoại giao Tiêu Thiên, thậm chí còn bị coi là mất sĩ diện, khi vào cuối tháng 3/2022, bị Thủ tướng Australia Morrison đã từ chối gặp với lý do Bắc Kinh đình chỉ đối thoại cấp bộ trưởng giữa hai nước.

Chẻ nhỏ ngôn từ của ông Peter Dutton cũng như động thái của ông Morrison, có thể thấy, dù ông Tiêu Thiên có nói thế, chứ hơn thế, giới chức xứ xở chuột túi vẫn chưa thể có một niềm tin chính trị chắc chắn vào Bắc Kinh.

Dư luận từng có lúc cho rằng, Canberra chấp nhặt, thiếu thiện chí, không muốn hạ nhiệt những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh; rằng: làm thế được gì chưa thấy, nhưng mất thì đã và sẽ càng rõ hơn với cả hai chứ không chỉ một bên?
Tuy nhiên, thời gian càng dài ra trong nhiệm kỳ đại sứ của ông Tiêu Thiên, mới càng thấy, hóa ra, Úc có lý do để mà cảnh giác.

Thứ nhất, đó là những xung đột về thương mại. Cho dù giá trị thương mại hai chiều không mấy suy giảm, chỉ khoảng 2,3%, nhưng những đòn thuế mà áp dụng để trừng phạt nhau vẫn gây thiệt hại cho không riêng bên nào. Thiệt hại cho các doanh nghiệp Úc, tới nay, được cho là vượt thêm nhiều nhiều con số 20 tỷ USD năm 2020 (là năm quan hệ thương mại hai bên khủng hoảng nặng nhất) – theo tính toán của các chuyên gia.

Thứ hai, chưa kể những việc “lặt vặt” khác góp thêm làm mếch lòng hai bên, ông Tiêu Thiên nhận chức đại sứ khi vụ việc đình đám Australia nhất trí thành lập liên minh AUKUS với Mỹ và Anh được nhiều người xem là động thái nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã ra khỏi vòng bí mật. Sự việc còn nóng hôi hổi, sao Bắc Kinh có thể nuốt trôi quả đắng, nguôi hết cay cú để mà chân thành với Canberra? Thế nên, việc Úc chưa sẵn sàng cho sự vồ vập một nhà ngoại giao mới của Bắc Kinh, dù ông này đã có những lời “gan ruột” về chức phận cao cả của mình, cũng là lẽ dễ hiểu.

Hai diễn biến mới nhất cho thấy, sự cảnh giác của Úc trước Trung Quốc là không thừa. Trước hết, là việc Trung Quốc và Solomon – một đảo quốc Nam Thái Bình dương – đã chính thức thừa nhận một thông tin bị rò rỉ trước đó: hai bên đã đạt được Thỏa thuận an ninh Trung Quốc – Solomon. Liên quan sự kiện này, Úc cảm thấy không chỉ bị tổn thất, mà còn bị đe dọa về an ninh.

Chưa hết, ngày 5/6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Úc tố cáo một máy bay Trung Quốc đã có hành động can thiệp hung hăng, đe doạ an toàn của các phi công trên chiếc máy bay trinh sát của Úc khi họ đang hoạt động ở khu vực gần Biển Đông. Máy bay của Trung Quốc đã thả các mảnh vụn rơi vào một động cơ của máy bay Úc, khi nó đang hoạt động “phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển và vùng trời quốc tế” – Đó là thông tin được đưa ra bởi chính người đứng đầu Bộ Quốc phòng Úc.

Mới biết, dù có là một nhà ngoại giao thông minh, tháo vát, nhiều nỗ lực, thiện chí và chân thành, thời điểm này, mình ông Tiêu Thiên cũng chẳng thể nào xoay xở nổi, để cải thiện thôi, chứ chưa nói làm ấm áp trở lại mối quan hệ Canberra – Bắc Kinh.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới