“Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan và Mỹ sẽ sát cánh với các quốc gia khác để bảo đảm Trung Quốc không thể sử dụng vũ lực với Đài Bắc” – Nói câu đó, liệu ông Biden có “lỡ lời”?
Ông Biden đưa ra câu nói trên trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 23/5 khi trả lời câu hỏi của cánh báo chí: “Liệu Mỹ có can thiệp quân sự chống lại nỗ lực nhằm kiểm soát Đài Loan của Trung Quốc hay không?”
Cho dù cùng với đó, ông chủ Nhà Trắng, như đon trước dư luận sẽ “nghiêm trọng hóa” câu nói của mình, nên đã nói thêm: “Chúng tôi (Mỹ) đã đồng ý với chính sách Một Trung Quốc. Chúng tôi đã xác nhận điều đó, nhưng ý tưởng dùng vũ lực với Đài Loan đơn giản là không phù hợp…”.
Đội ngũ tùy tùng hùng hậu của Nhà Trắng đi cùng ông Biden hẳn đã nghe ngóng, và cảm nhận ngay được những eo xèo của dư luận. Vậy là, cực chẳng đã, họ đành phải làm cái việc “giải thích” thêm ý tứ của ông Biden.
Ngày 23/5, một quan chức Nhà Trắng thanh minh rằng: “Như Tổng thống đã nói, chính sách của chúng tôi không thay đổi. Ông ấy nhắc lại Chính sách Một Trung Quốc của chúng tôi và cam kết của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ông ấy cũng nhắc lại cam kết của chúng tôi theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (văn phòng Đài Bắc của Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan dùng phương thức đọc bằng miệng đề xuất với Đài Loan ngay trước khi ký kết thông cáo với Trung Quốc đại lục vào ngày 4 tháng 7 năm 1982) là cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ”…
Cứ tưởng vin vào cam kết “”không có thời gian biểu kết thúc bán vũ khí cho quân đội Đài Loan, không sửa đổi Luật Quan hệ Đài Loan, Hoa Kỳ không thương lượng với Bắc Kinh trước khi bán vũ khí cho Đài Loan” để giải thích lời ông Biden đã là quá vững lý, khiến Trung Quốc buộc phải thông cảm cho cái “thế khó” của Nhà Trắng, mà lặng im.
Vậy mà ngược lại, nó khiến Bắc Kinh thêm phẫn nộ. Ngay sau “giải thích” của Nhà Trắng, cũng ngày 23/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã phản ứng tức thì, cảnh báo rằng Trung Quốc “sẽ có những hành động kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của mình”.
Không khó hiểu cho cơn thịnh nộ của Trung Nam Hải, một khi biết họ từ lâu đã khẳng định Đài Loan là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời; “thu hồi Đài Loan” là một “nhiệm vụ lịch sử”. Thậm chí, số đông người Trung Quốc hiện nay đang coi vấn đề Đài Loan như một bài thử xem ông Tập Cận Bình có thật sự xứng đáng là nhà lãnh đạo tối cao hay không trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ XX diễn ra vào cuối năm nay.
Thế nên, câu nói của ông Biden, dù có được thuộc cấp giải thích kiểu gì, thì với ông Tập Cận Bình vẫn là một lời “nghịch nhĩ”.
Còn dư luận thì “bình” rằng: sau câu nói “hớ”, bị cho là ám chỉ việc thay đổi chế độ ở Nga; rằng Tổng thống Putin không thể cứ mãi cầm quyền” khi phát biểu trong chuyến công du Ba Lan ngày 26/3, làm Kremlin nổi khùng, thêm một lần nữa, ông Biden đã “lỡ lời” với ông Tập Cận Bình qua câu nói trên tại Nhật Bản.
T.V