Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam dẫn đầu Đông Nam Á trong "cuộc đua" năng lượng...

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á trong “cuộc đua” năng lượng sạch, đứng thứ 10 thế giới

Tờ báo Anh The Economist đã dành lời khen ngợi cho Việt Nam về công cuộc chuyển đổi năng lượng sạch, và nước ta đang dẫn đầu Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi này.

Việt Nam dẫn đầu về chuyển đổi năng lượng sạch

Theo The Economist, trong vòng 4 năm tính đến đến năm 2021, tỷ trọng điện mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ con số 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết các nơi khác trên thế giới, mà còn là tỷ trọng cao hơn những nền kinh tế lớn như Pháp hoặc Nhật Bản.

Vào năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ mười trên thế giới.

Nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 đã tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và giảm phát thải ròng xuống mức “0” vào năm 2050.

Theo The Economist, trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, các quốc gia Đông Nam Á khác có thể học hỏi được một vài kinh nghiệm từ Việt Nam.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Paul Burke và Thang Do đến từ Đại học Quốc gia Australia, kể từ năm 2019, Việt Nam đã tăng gấp bốn lần công suất điện gió và điện mặt trời.

“Thành tích phi thường” này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent cho mỗi kilowatt giờ cung cấp cho lưới điện. Mức giá này là khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kilowatt giờ thường dao động từ 5-7 cent. Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái nhà đã được lắp đặt trong năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của nước ta lên con số “khổng lồ” 16 gigawatt.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện, nhưng không đủ hấp dẫn.

Theo The Economist, các cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng hơn cũng đã góp phần vào thành công của chiến lược này. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia Đông Nam Á khác thường cảm thấy mình bị lép vế khi phải cạnh tranh với các công ty nhiên liệu hóa thạch trong nước – vốn được hưởng các khoản trợ cấp lớn.

Nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa

Theo công ty tư vấn Dezan Shira, nếu Việt Nam hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua và phần lớn trong số đó được đáp ứng bởi nhiệt điện than.

Ember – một tổ chức tư vấn về năng lượng có trụ sở ở London (Anh) – cho biết, trong vòng 5 năm tính đến năm 2021, tỷ lệ điện do rác bẩn tạo ra đã tăng từ 33% lên 51% . Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng phải đảm bảo nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển, ngay cả khi cả nước chấm dứt sử dụng nhiệt điện than. Trước đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 5- 7%.

Nhà nghiên cứu Paul Burke nói: “Các nhà hoạch định chiến lược của chính phủ cần phải tăng cường năng lượng gió và mặt trời nhanh chóng và liên tục hết năm này qua năm khác”. Hầu hết lượng điện có được từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay đến từ các đập thủy điện.

Theo ông Burke, các nhà hoạch định chiến lược cũng cần xem xét việc lưới điện phải được mở rộng và nâng cấp để có thể bao phủ toàn quốc và có khả năng đối phó với đặc điểm không liên tục của nguồn điện do năng lượng tái tạo cung cấp.

Các chuyên gia nhận định, việc cải thiện lưới điện sẽ cực kỳ tốn kém, gần như chắc chắn đòi hỏi chính phủ phải tìm kiếm nguồn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ lo ngại về an ninh quốc gia, khi trao các vấn đề liên quan đến lưới điện cho khu vực tư nhân.

Dù vậy, để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai công tác này.

Mỹ hỗ trợ dự án năng lượng sạch 36 triệu USD

Ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam Ann Marie Yastishock đã cùng tham dự lễ khởi động một dự án năng lượng sạch trị giá 36 triệu USD.

Dự án với tên gọi là Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) sẽ phát huy thành công của dự án V-LEEP I được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Đây là dự án do USAID tài trợ và đã được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố lần đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 8/2021.

Trong khuôn khổ dự án V-LEEP I, USAID đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Quy hoạch Điện VIII và thiết kế chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Theo đó, cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo thay vì thông qua các công ty điện lực trong nước. V-LEEP I cũng phối hợp với khu vực tư nhân huy động thành công hơn 311 triệu USD để phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 300 MW.

Phát huy những kết quả đó, dự án V-LEEP II sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương để đẩy mạnh triển khai năng lượng sạch thông qua huy động đầu tư tư nhân, hỗ trợ thiết kế dự án cho các nhà phát triển dự án năng lượng và hỗ trợ kỹ thuật cho các bên cho vay.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển 2.000 MW điện tái tạo được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2025 thông qua huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Thông qua dự án này, USAID và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác để cải thiện công tác quy hoạch và vận hành năng lượng nhằm nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới