Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamCảnh giác trước các công trình quân sự núp dưới vỏ bọc...

Cảnh giác trước các công trình quân sự núp dưới vỏ bọc kinh tế ở Campuchia

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia ngày càng đậm nét, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, với các dự án xây dựng khổng lồ được Bắc Kinh tài trợ tại nhiều vị trí chiến lược trên toàn bộ lãnh thổ của CPC. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều cơ sở mà Bắc Kinh được quyền kiểm soát này có thể dễ dàng biến thành căn cứ quân sự.

Giới chuyên gia nhận định ảnh hưởng lan rộng nhanh chóng của Trung Quốc tại xứ Chùa Tháp với những toan tính quân sự và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh không chỉ khiến các nước ven Biển Đông  lo ngại mà đang thu hút sự quan tâm lớn của Washington và các nước ngoài khu vực.

Nhiều công trình của Trung Quốc tại Campuchia có thể dễ dàng trở thành căn cứ quân sự

Tại Dara Sakor, tỉnh Koh Kong, miền Tây Nam Campuchia, cạnh Vịnh Thái Lan, thông qua UDG – một tập đoàn tư nhân có trụ sở ở Thiên Tân, từ năm 2008 đến nay Bắc Kinh đã rót khoảng 2 tỷ USD để xây dựng một tổ hợp gồm các cơ sở du lịch như sòng bạc, khách sạn, sân golf, và nhất là một sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận loại phi cơ chuyên chở hành khách cỡ lớn. Trong số các công trình này, còn có dự án xây một hải cảng cho tàu 100.000 tấn.

Năm 2016, Phnom Penh tham gia sáng kiến “Con đường Tơ lụa mới” của Trung Quốc  thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và năm 2019, Dara Sakor trở thành một trong 19 “dự án trọng điểm” của “Con đường Tơ lụa” ở Campuchia, dưới tên gọi chính thức là “khu thí điểm cho đầu tư và phát triển toàn diện giữa Campuchia và Trung Quốc”. Cách đó khoảng 40km đường chim bay là thành phố cảng Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk, toàn bộ tỉnh này đã được công nhận là đặc khu kinh tế theo mô hình Thâm Quyến ở Trung Quốc vào năm 2021.

Công việc xây dựng rầm rộ ở Dara Sakor đã gióng lên hồi chuông báo động tại Washington về các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trên dải bờ biển giữa Thái Lan và Việt Nam. Tập đoàn UDG đã bị Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 9/2020, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, với các cáo buộc “cưỡng bức trục xuất người dân Campuchia” và “phá hoại môi trường” khi tiến hành xây dựng ở Dara Sakor. Ngoại trưởng Mỹ khi đó Mike Pompeo đã phát biểu rằng theo những “thông tin đáng tin cậy”, Dara Sakor “có thể được sử dụng để chứa các cơ sở quân sự của Trung Quốc” như hải cảng và phi trường. Đường băng dài 3,4 km của dự án Dara Sakor có thể đón một chiếc Boeing 777. Theo công bố của Phnom Penh, đường băng này phù hợp để phát triển “thành phố toàn cầu về du lịch sang trọng và công nghệ cao” trong tương lai này, tuy nhiên đường băng này cũng có thể được sử dụng cho mọi loại máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom của Trung Quốc.

Năm 2016, Tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc (MCC) – một tập đoàn nhà nước Trung Quốc đã ký “thỏa thuận hợp tác với Bộ Quốc phòng Campuchia” để mở rộng “căn cứ hải quân Ream” của Campuchia, diện tích của căn cứ là 19.000 m2, cách Sihanoukville 25 km về phía Đông Nam. Căn cứ này là nơi chứa các tàu tuần tra do Bắc Kinh cho tặng Phnom Penh vào năm 2007. Trang mạng của MCC đã thông báo về việc xây dựng một ụ tàu 5.000 tấn, một ụ cơ khí 1.500 tấn, một bến tàu mở, một xưởng sửa chữa và gần 2 ha đất lấn biển. Dù vậy, cảng Ream không đủ độ sâu để tiếp nhận các tàu lớn. Hai tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên ghé cảng Campuchia vào năm 2016 đã phải cập bến Sihanoukville. Mỹ theo dõi sát sao những công trình cải tạo bí ẩn tại khu vực này, nơi mà hai nhà chứa tàu “chiến thuật” trước đây do Mỹ cung cấp đã bị chính quyền Campuchia tháo dỡ vào năm 2020.

Giữa tháng 01/2022, hai tàu nạo vét xuất hiện ngoài khơi căn cứ hải quân Ream cho thấy dấu hiệu của các công trình cải tạo đang diễn ra. Trung Quốc chính là nhà tài trợ và triển khai các hoạt động thi công nạo vét để biến nơi đây thành cảng nước sâu phục vụ các tàu quân sự lớn hơn có thể cập cảng. Các tàu nạo vét này có thể nhìn thấy được từ các bức ảnh do chính phủ Campuchia công bố gần đây và hình ảnh vệ tinh thương mại.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 21/1 đưa lại các thông tin về 2 tàu nạo vét hoạt động ở ngoài khơi căn cứ hải quân Ream và nhận định “việc nạo vét các cơ sở cảng nước sâu hơn sẽ là cần thiết để các tàu quân sự lớn hơn cập cảng tại Ream và là một phần của thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia mà các quan chức Mỹ báo cáo đã phát hiện vào năm 2019”.

Hoạt động của 2 tàu nạo vét có thể đánh dấu một sự nâng cấp đáng kể về năng lực của căn cứ hải quân Ream. Một cảng nước sâu sẽ khiến nó trở nên hữu ích hơn rất nhiều cho cả hải quân Campuchia và Trung Quốc. Theo tổ chức AMTI thuộc CSIS, việc giải phóng mặt bằng ở một số địa điểm ở phía Tây Nam của căn cứ hải quân Ream đã được tiến hành kể từ mùa Thu năm 2021, hiện hoạt động thi công vẫn tiếp tục trên bờ. Điều này cho thấy căn cứ đang được chuẩn bị cho những nâng cấp cơ sở hạ tầng đáng kể.

Sakor và quân cảng Ream, chính quyền Phnom Penh luôn tìm cách giải thích rằng đây chỉ là các dự án kinh tế dân sự, không phải là các công trình quân sự và càng không phải là các căn cứ quân sự của Trung Quốc vì Hiến pháp Campuchia quy định không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia. Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy chính quyền Phnom Penh đã thực sự nằm trong quỹ đạo và sự kiểm tỏa của Bắc Kinh.

Các chuyên gia quân sự đã cảnh báo rằng các công trình được Trung Quốc tài trợ triển khai ở Dara Sakor và quân cảng Ream mang tính lưỡng dụng, vừa phục vụ mục triêu phát triển kinh tế, vừa có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, biến các cấu trúc ở Biển Đông thành các đồn điền quân sự để phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông thì việc Bắc Kinh sử dụng các công trình được xây dựng ở khu vực Tây Nam Campuchia cho các mục tiêu quân sự ở Biển Đông là nguy cơ lớn nhất đối với các nước ven Biển Đông.

Theo dõi quan hệ giữa Trung Quốc – Campuchia và xâu chuỗi những vụ việc liên quan đến thái độ của chính quyền Phnom Penh trên vấn đề Biển Đông những năm qua, giới quan sát đánh giá, đối với Trung Quốc, Campuchia là một chỗ dựa chính trị hàng đầu ở Đông Nam Á, cung cấp cho Bắc Kinh một vị trí chiến lược trong tranh chấp Biển Đông và nhất là cuộc cạnh tranh với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Do đó, Trung Quốc có thể đang ở trong quá trình “thử nghiệm các hình thức đối tác quân sự mới và bảo đảm các lợi ích chiến lược của mình”.

Mỹ, quốc gia đang tìm cách ngăn các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, gần đây đã nhắc lại “những lo ngại nghiêm trọng” của họ về hoạt động nạo vét, thi công và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Ream. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Những diễn biến này đe dọa lợi ích của Mỹ và các đối tác, an ninh khu vực và chủ quyền của Campuchia”; đồng thời, kêu gọi Campuchia “hoàn toàn minh bạch về ý định, bản chất và phạm vi của dự án tại Ream và vai trò của quân đội Trung Quốc trong việc thi công, khơi lên lo ngại về mục đích sử dụng của căn cứ hải quân này”.

Trên thực tế, Campuchia là một trong những nước kém phát triển nhất trong ASEAN nên việc chính quyền Phnom Penh tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó có Trung Quốc để phát triển đất nước là điều cần thiết và hết sức bình thường. Ngược lại, mối quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực miền Tây Nam Campuchia không phải là không có tính kinh tế. Đó là cách kiếm lợi từ việc giải tỏa được các địa điểm du lịch ở vùng biển này. Ông Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia, xác nhận: “Nếu không có Trung Quốc, chúng tôi không thể phát triển nhanh như vậy. Chúng tôi không thể chờ đợi. Phương Tây liên tục nói về dân chủ, nhân quyền, nhưng trong thực tế chúng tôi lái xe trên đường của Trung Quốc”.

Điều đáng nói ở đây là Bắc Kinh đã lợi dụng những nhu cầu phát triển kinh tế của Phnom Penh để thực hiện những mưu đồ chính trị và quân sự ở khu vực. Các công trình được Bắc Kinh triển khai ở Campuchia đều được gắn nhãn mác “Vành đai và Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng để thực hiện tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa”. Tiền của Trung Quốc bỏ ra để triển khai các dự án đã từng bước buộc Campuchia lệ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”, một công thức Trung Quốc triển khai giống nhau ở mọi nơi, đó là bỏ tiền ra thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng rồi đẩy các nước này vào thế không thể trả nợ được, phải gán nợ hoặc để Bắc Kinh sử dụng vào mục đích quân sự. Giới học giả gọi đây chính là chính sách “thuộc địa kiểu mới” của Bắc Kinh. Giới phân tích nhận định thực chất các công trình mà Trung Quốc đang thực hiện ở Campuchia, nhất là ở khu vực ven biển Tây Nam nước này không nằm ngoài công thức này. Đặc biệt, một số cơ sở mà Bắc Kinh được quyền kiểm soát đều nằm ở các vị trí chiến lược và có thể dễ dàng biến thành căn cứ quân sự. Các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác trước các công trình quân sự đang núp dưới vỏ bọc kinh tế của Trung Quốc ở Campuchia.

RELATED ARTICLES

Tin mới