Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐã có bao nhiêu cán bộ bị khởi tố trong đại án...

Đã có bao nhiêu cán bộ bị khởi tố trong đại án Việt Á?

Sự kiện khởi tố, bắt tạm giam hai ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) ngày 7/6/2022 đã làm dài thêm danh sách bị can liên quan đến đại án Việt Á.

Khởi tố các bị can liên quan đến vụ mua kit test Việt Á.

Đây cũng là hai bị can có chức vụ cao nhất bị xử lý trong vụ án cho đến lúc này.

Quy mô, phạm vi và thành phần bị can liên quan đến đại án này là rất đa dạng, trải rộng từ trung ương tới địa phương, từ cả khu vực dân sự tới lực lượng vũ trang.

Theo thống kê chưa đầy đủ của VietTimes, tính đến nay, sau sáu tháng khởi tố vụ đại án, đã có tổng cộng 56 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, chiếm phần lớn trong số đó là các cán bộ, nhân sự của hai ngành Y tế và Khoa học công nghệ. Trong đó có những cán bộ cấp cao như Giám đốc, Phó giám đốc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), Thứ trưởng và Bộ trưởng các bộ KH-CN, Bộ Y tế.

Hàng loạt cán bộ lãnh đạo CDC các tỉnh, TP như CDC Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đak Lak, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp, Hậu Giang… và nhiều tỉnh, thành phố, lãnh đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước đã mạnh miệng hùng hồn tuyên bố không hề nhận “hoa hồng”, cuối cùng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vì tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ mua kit test của Công ty Việt Á.

Lãnh đạo CDC bị khởi tố đầu tiên là Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương), sau đó là ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An), ông Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương), ông Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang), ông Hoàng Văn Đức (Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế), ông Đỗ Đức Lưu (Giám đốc CDC Nam Định), ông Nguyễn Văn Lành (Giám đốc CDC Hậu Giang), ông Trịnh Quang Trí (Giám đốc CDC Đắk Lắk), ông Hồ Ngọc Gia (Giám đốc CDC Gia Lai), ông Nguyễn Văn Lành (Giám đốc CDC Hậu Giang), ông Trần Văn Hai (Giám đốc CDC Đồng Tháp)… Và cùng với các vị lãnh đạo này là rất nhiều kế toán trưởng, và cán bộ của các CDC đã cùng nhau “nhúng chàm”.

Bộ Công an đã khởi tố vụ án Công ty Việt Á vào ngày 18/12/2021. Theo lời khai của bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á), từ tháng 3/2020 cho tới khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào thời điểm cuối năm 2021, Công ty Việt Á đã cung cấp kit test cho các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và đối tác ở 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng. Để “bôi trơn”, Công ty Việt Á đã chi đậm “hoa hồng” cho bên mua, với tổng số tiền “lại quả” cho các đối tác lên tới khoảng 800 tỉ đồng.

Lợi dụng tính chất cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước trong những giai đoạn “đỉnh dịch”, đồng thời sản phẩm kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Đồng thời thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá được nâng lên cao hơn nhiều lần so với giá thành sản xuất. Đây là thương vụ “thổi giá” lịch sử nhất từ trước tới nay.

Vụ đại án vẫn đang tiếp tục được điều tra, bởi câu hỏi đặt ra và vẫn còn đang bỏ ngỏ là Công ty Việt Á không có nhà máy sản xuất kit test, vậy nguồn khổng lồ kit test COVID-19 đã được tiêu thụ trong thời gian đại dịch là ở đâu?

Bởi thực tế điều tra vụ việc cho thấy, trụ sở chính của Công ty Việt Á chỉ là nơi mượn chỗ để đặt bảng hiệu công ty, phòng sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 để bán cho các đối tác trong cả nước chỉ rộng hơn 10 m2 với 10 nhân sự. Hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới