Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDân khốn khổ vì cửa khẩu đóng, mở thất thường ở Hà...

Dân khốn khổ vì cửa khẩu đóng, mở thất thường ở Hà Giang

Về quê, ông chú tôi khoe vừa bán 2 con gà thiến, mua lấy đôi lợn về nuôi để con cháu về mổ. Từ đầu năm đến giờ, cửa khẩu biên giới đóng, mở thất thường, trâu, bò, lợn hơi ế ẩm…

Chăn nuôi trâu, bò hàng hoá ở xã Liên Hiệp (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Ngày chợ quê, tôi đảo quanh một vòng xem cảnh nhà nông mua, bán. Giá gà mái dao động từ 120 – 125 ngàn đồng/kg; vịt bầu từ 75 – 80 ngàn/kg; cá trắm cỏ loại từ 4 – 5 kg được bán 65 ngàn đồng/kg. Trứng gia cầm các loại được người dân mua bán từ 3.000 – 3.500 đồng/quả.

Riêng với giá lợn hơi bán giống chỉ từ 350 – 400 ngàn đồng/con, giảm ít nhất 8- 9 lần so với đầu năm 2021. Vậy là ông chú tôi đã nói đúng, chăn nuôi gần nửa năm nay chẳng được gì.

Nhà nuôi ít lỗ ít, nhà nuôi nhiều thì lỗ nhiều, nợ tiền cám, tiền thuốc phòng, chống dịch.

Vào đến nhà mấy ông bạn quê lâu nay nghe nói chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng mang lại lợi nhuận khá xem thực hư thế nào, được biết: Giá bán mỗi con trâu bình quân trong nửa đầu năm đến nay lỗ ít nhất là 10 – 12 triệu đồng/con so với cùng kỳ 2021.

Bạn tôi nhẩm tính, nuôi 25 con trâu vỗ béo từ đầu năm đến nay đã mất ít nhất gần 300 triệu đồng; lỗ là vì không có khách mua, không có chỗ để bán. Một con trâu 2 năm tuổi béo, đẹp hiện nay, ai giỏi bán cũng chỉ được khoảng 18 – 22 triệu đồng, giảm so cùng kỳ năm trước một nửa.

Mục sở thị tại các xã để xem các cơ sở chăn nuôi gia súc có gì biến động, các anh: Hoàng Văn Khánh, thôn Mâng; Triệu Văn Trường, thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) mấy năm trước vốn nổi tiếng là những người đi đầu nuôi trâu, bò vỗ béo.

Nay gặp lại, anh Khánh lắc đầu: Chuồng trại bây giờ bỏ không. Trâu, bò không có người hỏi mua. Mà có hỏi thì giá bán cũng mất đi một nửa so với giá bán đầu năm 2021. Nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít: Một con giống khoảng chục cân hơi bây giờ chỉ bán được 300 ngàn đồng. Nuôi 6 tháng khoảng 80 – 85 kg, bán được 50 – 55 ngàn đồng/kg, được khoảng 4,5 triệu đồng/con.

Sau đó, trừ tiền mua giống 300 ngàn, cộng tiền mua cám 4,2 triệu đồng, tính ra bằng hoà, đấy là chưa kể công chăm sóc; nếu không may, đàn lợn mắc bệnh còn phải tiền thuốc chữa bệnh nữa là lỗ. Bây giờ, cả làng trong, xóm ngoài gần như bỏ chuồng hoặc có nuôi cũng là nuôi cầm trừng mà thôi.

Hiện trạng người chăn nuôi bỏ chuồng, không nuôi diễn ra khá phổ biến trong các xã, thị trấn tại Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên… thực tiễn trên là điều đáng suy ngẫm. Thực tế cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay gần như tất cả các mặt hàng đều tăng theo giá xăng dầu; nhiều mặt hàng nông nghiệp của tỉnh Hà Giang từ đầu năm đến giờ đều khó tìm đầu ra.

Một mặt là vì ảnh hưởng của thị trường mới đang dần hồi phục vì dịch bệnh; mặt nữa là do ách tắc tại các cửa khẩu xuất khẩu do chính sách không Covid -19 của nước bạn Trung Quốc. Dẫn đến, hàng loạt các loại hàng hoá của cả nước đều bị rớt giá bán, khó tiêu thụ.

Thực trạng trên đã, đang làm cho ngành Chăn nuôi gia súc nói riêng của bà con nông dân tỉnh ta, tỉnh giáp biên giới với nước bạn càng trở nên khó khăn hơn, khó bán hơn.

Làm gì để thoát khỏi tình trạng sản xuất ra không có chỗ bán, đưa ngành Chăn nuôi phục hồi trở lại là điều trăn trở của các cấp, ngành và của người dân. Thiết nghĩ chỉ còn giải pháp là cơ cấu lại ngành Chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; cần có chiến lược rõ ràng cho ngành Chăn nuôi thích ứng với những biến động của kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Nhà nước, tỉnh cũng cần tính đến bán Bảo hiểm về chăn nuôi cho người nông dân để họ yên tâm phát triển sản xuất để phát triển ổn định…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới