Trong những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, dồn dập các thông tin liên quan đến việc Philippines tăng lực phòng thủ để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đến từ Trung Quốc ở Biển Đông.
Giới quan sát đặt câu hỏi phải chăng Manila đã thay đổi cách tiếp cận trên vấn đề Biển Đông và đây là dấu hiệu cho thấy chiều hướng cứng rắn hơn của Philippines trên vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc dù ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Chúng ta cùng phân tích một số động thái tăng cường năng lực quốc phòng của Manila gần đây:
Thứ nhất, cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã ký một hợp đồng với Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc mua 2 khinh hạm trị giá 28 tỉ peso (khoảng 556 triệu USD). Theo thỏa thuận này, Hyundai đóng cho hải quân Philippines 2 khinh hạm có lượng giãn nước 3.200 tấn, chiều dài 116 m và vận tốc tối đa hơn 46 km/giờ, được trang bị hệ thống 16 ống phóng tên lửa thẳng đứng, pháo cận chiến, pháo 76 mm và 2 bệ phóng ngư lôi. Hai chiến hạm này, dự kiến được bàn giao vào năm 2026.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết việc mua 2 khinh hạm từ Hyundai sẽ “đảm bảo sự tương đồng và khả năng tương tác với các khí tài hiện có của Philippines” và dễ bảo trì. Hai tàu chiến mới có sự cải tiến từ thiết kế của tàu hộ vệ lớp Jose Rizal mà Philippines đã mua của Hyundai trước đây và được đưa vào biên chế tháng 3/2021.
Giới chuyên gia quân sự nhận định 2 chiến hạm mới sẽ cải thiện khả năng của hải quân Philippines trong lĩnh vực phòng không, chống tàu ngầm và tác chiến điện tử; giúp nâng cao các khả năng của hải quân Philippines, được tối ưu hóa cho các chiến dịch tác chiến trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Chuẩn đô đốc Philippines về hưu Rommel Jude Ong cho rằng 2 khinh hạm mới sẽ là “khí tài quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích hàng hải ở biển Tây Philippines (Biển Đông) nói riêng và dọc EEZ của Philippines nói chung”.
Cũng trong tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã thông báo Philippines sẽ mua 6 tàu tuần tra xa bờ do Úc đóng. Giới phân tích quân sự cho rằng hải quân Philippines đang trong quá trình chuyển tiếp vì đã cho tất cả tàu thời Thế chiến 2 do Mỹ tặng “về hưu” và bây giờ có chưa tới 10 tàu chiến nổi cỡ lớn, trong khi số còn lại là tàu vận tải và tàu tấn công nhỏ. Do Trung Quốc luôn hơn hẳn Philippines về mặt khí tài, tàu chiến của Trung Quốc thường lớn hơn nên Philippines phải phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ chiến lược với các đồng minh. Việc mua sắm các tàu không chỉ tăng cường năng lực tự vệ của Philippines mà còn giúp nước này có thể đóng một vai trò đáng tin cậy trong việc hợp tác với các đối tác ở Biển Đông.
Thứ hai, ngày 14/01/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana thông báo Philippines sẽ mua hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ với trị giá gần 375 triệu USD. Chương trình mua sắm này sẽ trang bị cho Philippines ba khẩu đội tên lửa. Loại tên lửa này có thể được phóng từ trên không, trên biển, trên bộ và từ dưới nước.
Khi được bàn giao, Trung đoàn Phòng thủ bờ biển của lực lượng Thuỷ quân lục chiến Philippines sẽ vận hành hệ thống tên lửa này. Mới được thành lập từ năm 2021, trung đoàn này có nhiệm vụ nâng cao năng lực của Philippines trong nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát biển thông qua chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập. Dự kiến, trung đoàn này sẽ vận hành đầy đủ vào năm 2026, cũng là lúc các tên lửa Brahmos của Ấn Độ sẽ được bàn giao cho Manila.
Tên lửa hành trình Brahmos có tầm bắn 290 km, đạt tốc độ Mach-3 (nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh). BrahMos được trang bị đầu đạn thông thường nặng 200-300kg, có cấu hình giống hệt nhau cho các bệ phóng trên đất liền, trên biển và ngầm dưới biển. Brahmos kết hợp khả năng bay ở tốc độ cao và khả năng linh hoạt để né tránh những hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, kèm theo đó là đầu đạn cỡ lớn để bảo đảm độ sát thương cao.
Philippines mua phiên bản Brahmos phóng từ mặt đất bao gồm từ 4-6 xe bệ phóng cơ động độc lập được điều khiển bởi 1 đài chỉ huy cơ động và 1 xe tiếp đạn cơ động. Mỗi bệ phóng có thể bố trí được 3 tên lửa. Các tên lửa này có thể phóng cùng một lúc vào 3 mục tiêu khác nhau hoặc với chế độ kết hợp khai hỏa khác. Với vận tốc siêu thanh, BrahMos có thể phóng tới mục tiêu với thời gian ngắn hơn, tác chiến nhanh hơn cũng như gây cho đối phương nhiều khó khăn hơn trong việc đánh chặn.
Theo các chuyên gia quân sự, Philippines sẽ triển khai hệ thống tên lửa siêu thanh Brahmos để đối phó với các hoạt động xâm nhập sâu hơn của Trung Quốc vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila. Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống tên lửa này cũng có thể được quân đội Philippines sử dụng để tấn công trên bộ cũng như dùng để chống hạm. Trong trường hợp sử dụng với mục đích tấn công trên bộ, các khẩu đội Brahmos mà Philippines có kế hoạch mua nói trên có thể đe dọa các tiền đồn của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn ở Biển Đông, nằm cách đảo Palawan của Philippines 217 km về phía Tây và nằm trong tầm bắn 290 km của Brahmos. Bên cạnh đó, Philippines cũng có thể dùng Brahmos để ngăn chặn sự hiện diện của các tàu Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough, cách quần đảo Luzon 222 km về phía Tây.
Thứ ba, tăng cường sức mạnh không quân. Ngày 16/01/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo Philippines mua 32 trực thăng quân sự S-70i Black Hawk mới từ công ty PZL Mielec của Ba Lan theo hợp đồng trị giá hơn 620 triệu USD. Theo ông Lorenzana, 5 chiếc đầu tiên trong số 32 chiếc S-70i Black Hawk sẽ được bàn giao trong năm tới; 10 chiếc vào năm 2024; 10 chiếc khác vào năm 2025 và 7 chiếc còn lại được giao vào năm 2026. Số trực thăng quân sự mới sẽ bổ sung cho phi đội của không quân Philippines trong 4 năm tới.
Giới quan sát phân tích trong năm 2021, chính phủ Philippines đã hoàn tất đơn đặt hàng mua 16 chiếc S-70i Black Hawk để thay thế phi đội trực thăng Bell UH-1H sau nhiều sự cố gây chết người. Tuy nhiên, hồi tháng 6/2021, toàn bộ phi đội S-70i Black Hawk bị tạm cho ngừng bay sau khi một chiếc bị rơi trong lúc diễn tập bay ban đêm, khiến tất cả 6 người trên trực thăng thiệt mạng.
Manila nỗ lực củng cố năng lực phòng thủ của đất nước trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống chỉ còn vài tháng nữa. Giới phân tích đã đưa ra một số nhận định liên quan đến động thái này:
Một là, sau hơn 5 năm chính quyền Tổng thống Duterte thi hành chính sách thân Trung Quốc, thậm chí tạm gác phán quyết 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng tài vụ kiện của nước này với Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh vừa không gây hấn với Philippines trên vấn đề Biển Đông vừa hỗ trợ Manila phát triển kinh tế. Thế nhưng thực tế hoàn toàn đi ngược với mong muốn của Manila, những cam kết hỗ trợ về tài chính, đầu tư của Bắc Kinh chỉ dừng lại ở những lời hứa hão huyền, những khoản đầụ tư cũng chỉ được tiến hành “nhỏ giọt”. Trong khi đó, các vùng biển của Philippines tiếp tục bị Trung Quốc xâm lấn, ngư dân Philippines tiếp tục bị các tàu chấp pháp Trung Quốc quấy nhiễu, uy hiếp, truy đuổi. Thực tiễn hơn 5 năm qua cho thấy không thể hy vọng ở sự hợp tác chân thành của Bắc Kinh và để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông cần phải nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia. Do vậy, chính quyền Manila nhận thấy rằng việc mua các tàu chiến, tên lửa, máy bay là yêu cầu cấp bách để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Hai là, giới quân sự Philippines luôn giữ một thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, kể cả giữa lúc Tổng thống Duterte tỏ ra nhún nhường Trung Quốc. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, giới chức quân sự Philippines muốn khẳng định vị thế của mình, gửi tới các ứng cử viên Tổng thống thông điệp “chủ quyền và an ninh quốc gia luôn là thiêng liêng đối với mỗi dân tộc”; đồng thời muốn chính phủ mới sau bầu cử hãy quan tâm hơn tới việc củng cố lưc lượng quốc phòng là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi trên biển. Những hành động chèn ép, bắt nạt đối với Philippines ở Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2021 (từ việc hàng trăm tàu dân quân biển của Trung Quốc hiện diện trong nhiều khu vực biển của Philippines đến việc tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi tàu chở phóng viên báo chí Philippines; từ việc uy hiếp các tàu tuần duyên của Philippines đến việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng cỡ lớn vào tàu tiếp tế của Philippines…) đã khiến quân đội Philippines không thể chịu đựng hơn nữa và phải thể hiện thái độ kiên quyết hơn, sẵn sàng đáp trả các hành động khiêu khích của Bắc Kinh.