Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngTQ điều máy bay tàng hình J-20 tới Biển Đông khiến căng...

TQ điều máy bay tàng hình J-20 tới Biển Đông khiến căng thẳng leo thang

Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các hoạt động tuần tra trên không ở khu vực Biển Đông bằng các máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Thông tin về những hoạt động tuần tra này đã được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, nhà sản xuất tiêm kích tàng hình J-20 xác nhận.

Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, tại một cuộc họp báo ngày 12/4/2022, ông Ren Yukun, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát kỷ luật và là một ủy viên của đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã nói rằng các hoạt động bay để “tuần tra chiến đấu” tại biển Hoa Đông và “tuần tra báo động” ở Biển Đông của các máy bay Thành Đô J-20 đã trở thành các hoạt động tập huấn theo thông lệ; các hoạt động tuần tra này được thực hiện sau khi các máy bay J-20 chuyển sang sử dụng “các động cơ được phát triển ở trong nước”.

Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc

Thông tin về hoạt động trên biển Hoa Đông và Biển Đông của tiêm kích J-20 được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt sau khi Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và gia tăng các hoạt động bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông đã khiến cho tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng. Một số chuyên gia quân sự cảnh báo, động thái mới này của Bắc Kinh khiến nguy cơ va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh gia tăng.

Chiến đấu cơ tàng hình J-20 thuộc loại mạnh nhất do Trung Quốc chế tạo và được mệnh danh là “Rồng dũng mãnh” của quân đội Trung Quốc. Ban đầu, loại máy bay chiến đấu này được trang bị động cơ dòng Saturn AL-31FN do Nga sản xuất. Sau đó, Trung Quốc đã tự phát triển động cơ có sức mạnh lớn hơn cho máy bay này. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng với sự nâng cấp mới nhất này, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc hiện sẽ sở hữu năng lực của máy bay siêu thanh và sẽ có khả năng thực hiện nhiều động tác nhào lộn ở trên không.

Ông Ren Yukun, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát kỷ luật AVIC, cho biết động cơ của J-20 là loại WS-15 do Trung Quốc tự thiết kế dựa trên một mẫu thiết kế của Liên Xô trước đây, nó được ví như “trái tim” của J-20, loại động cơ này giúp tăng cường đáng kể năng lực tác chiến và khả năng cơ động; đồng thời khẳng định động cơ mới này cho phép tiêm kích J-20 của Trung Quốc có đủ khả năng tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.

Kể từ khi máy bay chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2011, Trung Quốc đã thường xuyên quảng bá về khả năng của loại máy bay này. Chiến đấu cơ J-20 là máy bay chiến đấu tối ưu thế hệ thứ năm, xuất thân từ chương trình J-XX những năm 1990, đã được đưa vào biên chế từ tháng 3/2017 và đơn vị chiến đấu J-20 đầu tiên được thành lập chỉ một năm sau đó. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự quốc tế, J-20 là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm đứng hàng thứ ba thế giới, sau F-22 Raptor và F-35 Lightning II Joint Strike Fighter của quân đội Mỹ.

Theo các chuyên gia quân sự, tiêm kích J-20 là sự kết hợp giữa F-22 và F-35 của Mỹ. Loại máy bay này sẽ không bị các radar phát hiện. Đó là lý do vì sao các chuyên gia cảnh báo cán cân không lực sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng nếu Trung Quốc triển khai loại máy bay này trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc từ biển Hoa Đông tới Biển Đông và eo biển Đài Loan. Điều đáng lo ngại hơn cả là việc Bắc Kinh ngạo mạn tuyên bố rằng các chuyến tuần tra thường xuyên sẽ giúp loại máy bay chiến đấu J-20 tiên tiến của họ bảo vệ cái gọi là “các vùng biển và không phận của Trung Quốc”, bao trùm lên các vùng biển vùng trời của các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông mà nước này yêu sách một cách phi lý.

Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc triển khai các máy bay J-20 thực hiện hoạt động tuần tra trên biển cho thấy 2 điều: một là, thể hiện sự tự tin lớn hơn của nước này với các năng lực quân sự của mình; hai là, gửi lời cảnh báo của Bắc Kinh tới các quốc gia láng giềng khác đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Thông tin về những hoạt động tuần tra của tiêm kích “Rồng dũng mãnh” J-20 đã trở thành mối quan tâm lớn của các bên liên quan bởi lẽ:

Thứ nhất, thông tin về cuộc tuần tra của máy bay J-20 được đưa ra vào thời điểm sau khi hồi tháng 3/2022, một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và một máy bay J-20 của Trung Quốc đã có cuộc “chạm trán” rất gần ở biển Hoa Đông. Chỉ huy trưởng, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Kenneth Wilsbach cho biết các phi công Mỹ đã “tương đối ấn tượng” với hệ thống chỉ huy và kiểm soát của máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tướng Kenneth Wilsbach cho rằng còn quá sớm để nói về việc Trung Quốc sẽ triển khai J-20 như thế nào vì hiện vẫn chưa rõ liệu loại máy bay chiến đấu này của Trung Quốc có sở hữu sức mạnh trên không cũng như hỏa lực mặt đất như F-35 của Mỹ hay không? Có thể tiêm kích J-20 của Trung Quốc chưa thể bằng các máy bay tiên tiến F-22 Raptor và F-35, nhưng việc Bắc Kinh triển khai các tiêm kích J-20 tuần tra trong khu vực gửi tới Washington lời cảnh báo về sự vươn lên mạnh mẽ của không quân Trung Quốc.

Đến nay, Bắc Kinh chưa tiết lộ số lượng tiêm kích J-20 khả dụng của họ, song theo một số nguồn tin từ giới quân sự, ước tính Trung Quốc có khoảng 150 máy bay loại này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định có khả năng Trung Quốc không triển khai tiêm kích J-20 tuần tra thường xuyên mà sẽ chỉ triển khai J-20 vào những thời điểm nhất định và tại những khu vực có độ nguy hiểm cao vì để vận hành loại máy bay này là rất tốn kém và nó cũng có nguy cơ bị bắn rơi.

Thứ hai, nếu Trung Quốc thực sự bắt đầu tiến hành hoạt động tuần tra bằng tiêm kích J-20 ở Biển Đông và biển Hoa Đông thì những tiêm kích này có thể tác động nghiêm trọng đến cán cân sức mạnh không quân không chỉ ở 2 vùng biển tranh chấp này mà còn có thể làm thay đổi cán cân quyền lực quân sự trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì với loại tiêm kích J-20, Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các căn cứ của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng va chạm giữa các tiêm kích hiện đại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc khiến cho tình hình khu vực các thêm bất ổn.

Thứ ba, tiêm kích “Rồng dũng mãnh” J-20 có thể làm thay đổi “cuộc chơi” ở Biển Đông bởi không quân các nước này đều không thể so sánh được với Trung Quốc. Chẳng hạn như Philippines đến nay chưa sở hữu máy bay chiến đấu đa năng, tiêm kích J-20 của Trung Quốc sẽ hoàn toàn áp đảo lực lượng không quân yếu thế của Philippines.

Việc Trung Quốc triển khai tiêm kích J-20 tuần tra trên Biển Đông kết hợp cùng với các căn cứ sân bay đã được Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, mở rộng trái phép các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ làm tăng thêm đáng kể khả năng tác chiến trên Biển Đông của không quân Trung Quốc, đe dọa hòa bình ổn định khu vực.

Thứ tư, động thái mới này của Bắc Kinh có thể làm bùng phát cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, nhất là với các nước ven Biển Đông. Do sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, thời gian qua nhiều nước trong khu vực đã phải tăng chi phí quốc phòng, mua sắm các vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại. Chỉ trong vòng 2 tháng cuối 2021 và đầu 2022 Philippines liên tiếp thông báo các quyết định mua tàu chiến, tên lửa, máy bay để nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia: tháng 12/2021 Philippines thông báo mua 6 tàu tuần tra xa bờ do Úc đóng và mua 2 khinh hạm trị giá 28 tỉ peso (khoảng 556 triệu USD) của Hyundai, Hàn Quốc; tháng 01/2022, Philippines thông báo quyết định mua hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ với trị giá gần 375 triệu USD và mua 32 trực thăng quân sự S-70i Black Hawk từ công ty PZL Mielec của Ba Lan theo hợp đồng trị giá hơn 620 triệu USD.

Trước việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động xâm lấn vào vùng biển của Indonesia trong 2 năm trở lại đây, nước này đã đạt thỏa thuận với Mỹ về việc mua 36 chiến đấu cơ F-15ID cùng các động cơ thay thế, hệ thống radar và thiết bị liên quan, trị giá khoảng 13,9 tỷ USD nhằm nâng cao năng lực phòng thủ và ngăn chặn trên không của Indonesia để có thể đối phó với những mối đe dọa hiện tại và tương lai. Tháng 02 năm nay, Jakarta đã đạt thỏa thuận với Paris về việc mua 6 máy bay tiêm kích Rafale của Pháp và mua sắm thiết bị vệ tinh và sản xuất đạn cỡ lớn (trị giá của đơn hàng này lên đến 8,1 tỷ USD). Ngoài ra, Indonesia cân nhắc mua thêm 2 tàu ngầm tấn công diesel-điện Scorpene của Pháp; thỏa thuận với Pháp về hoạt động sản xuất và lắp ráp chung tàu ngầm lớp Scorpene.

Từ những dẫn chứng kể trên có thể thấy các nước ven Biển Đông đang đua nhau nâng cao năng lực quốc phòng để ứng phó với nguy cơ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Qua cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước trong khu vực rút ra một bài học sâu sắc rằng trước chính sách cường quyền của các nước lớn, luật pháp quốc tế bị “bẻ cong”, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cần thi hành một chính sách độc lập tự chủ dựa trên một nền tảng quốc phòng vững chắc. Việc Bắc Kinh công bố điều tiêm kích J-20 ngay giữa lúc cuộc khủng hoảng Ukraine ở vào giai đoạn khốc liệt càng khiến các nước ven Biển Đông phải nâng cao cảnh giác và năng lực bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới