Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngVai trò của Singapore ở khu vực và trong vấn đề Biển...

Vai trò của Singapore ở khu vực và trong vấn đề Biển Đông

Singapore là một nước có diện tích nhỏ nhất ở Đông Nam Á (diện tích 728,6 km2 và dân số gần 6 triệu), mặc dù không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, song với một nền kinh tế phát triển hàng đầu ở khu vực Singapore luôn có một vị trí quan trọng trong ASEAN nói chung và trên vấn đề Biển Đông nói riêng.

Lý do giúp Singapore phát huy được vai trò của mình trong khu vực là:

Thứ nhất, Singapore luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Giới lãnh đạo Singapore luôn ý thức rằng với một quốc gia nhỏ bé để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình chỉ có con đường duy nhất là tôn trọng luật pháp (trong nội bộ, Singapore quản lý đất nước bằng một nhà nước pháp quyền; với bên ngoài Singapore luôn đề cao việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế).

Trên vấn đề Biển Đông, dù không liên quan trực tiếp đến tranh chấp song nền kinh tế Singapore gắn liền với tuyến đường hàng hải huyết mạch qua Biển Đông, do vậy Singapore có lợi ích thiết thân trong việc duy trì tự do, an ninh hàng hải trên Biển Đông. Chính vì lẽ đó mà quan điểm của Singapore luôn ủng hộ hòa bình ổn định và thúc đẩy một trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Thủ tướng Singapore đã từng lên tiếng ủng hộ phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 vào trung tuần tháng 2/2020.

Phát biểu tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington ngày 30/3/2022, một ngày sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Tự do hàng hải là điều quan trọng, luật pháp quốc tế là điều quan trọng, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng là điều quan trọng để chúng ta tránh được những xung đột ngẫu nhiên”.

Thứ hai, mặc dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng Singapore luôn duy trì được một chính sách độc lập, không chịu lệ thuộc vào Mỹ hay Trung Quốc mà đã đạt được sự cân bằng tương đối tốt giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc (Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore) thì Singapore lại duy trì quan hệ quân sự mật thiết với Mỹ. Đây là yếu tố quan trọng giúp Singapore có thể trở thành cầu nối, trung gian hòa giải cho việc giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở khu vực, bao gồm các bất đồng ở Biển Đông.

Mặc dù không phải là đồng minh hiệp ước chính thức, song Singapore là một trong những đối tác an ninh mạnh nhất của Washington ở Đông Nam Á, được Mỹ coi là một trong những quốc gia điểm tựa quan trọng của “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Căn cứ Changi của Singapore hợp tác cực kỳ chặt chẽ với quân đội Mỹ, do có vị trí địa lý vượt trội nên nó đóng một vai trò không thể thay thế trong bố cục an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ; là nơi có các cơ sở hậu cần phục vụ tàu tác chiến ven biển của lực lượng tuân duyên Mỹ và cùng là nơi Mỹ triển khai luân phiên máy bay giám sát P-8 Poseidon tại Biển Đông. Singapore cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên và duy nhất được trang bị máy bay chiến đấu F-35 vào năm 2020.

Singapore là một trong 2 quốc gia Đông Nam Á mà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm trong năm 2021. Bà Harris đến thăm căn cứ hải quân Changi của Singapore, nơi các tàu tác chiến ven biển của Mỹ hiện diện. Phát biểu tại Singapore hôm 24/8/2021, bà Harris lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ: “Bắc Kinh tiếp tục cưỡng ép, hăm dọa, và đưa ra các yêu sách đối với phần lớn Biển Đông, những tuyên bố bất hợp pháp này đã bị bác bỏ bởi quyết định của Tòa Trọng tài hồi năm 2016”; “các hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia. Mỹ đứng cùng phía với các đồng minh và đối tác khi đối diện với các mối đe dọa đó”. Giới phân tích cho rằng chuyến thăm và phát biểu của bà Harry cho thấy Washington rất coi trọng vai trò của Singapore ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Thứ ba, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo đầu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Chuyến đi của ông Lý Hiển Long được lên kế hoạch chỉ trong vòng vài ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN dự kiến vào cuối tháng 3/2022 bị hoãn vào phút chót vì một số lãnh đạo Đông Nam Á được cho là không thể đến Washington.

Theo giới quan sát, bằng cách chào đón Thủ tướng Singapore nồng nhiệt, Mỹ đã tìm cách thể hiện sự tập trung của mình vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay trong bối cảnh Washington phải bận tâm đến các sự kiện ở châu Âu. Trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhắc lại sự ủng hộ đối với “những nỗ lực do ASEAN dẫn đầu để phát triển một Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông với mục đích duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên”.

Thủ tướng Lý Hiển Long hối thúc việc củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho rằng “điều đó tạo điều kiện cho sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Mỹ với nhiều nước bạn, đồng thời cũng nhằm tăng cường các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực”. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước khẳng định: “Cuộc chiến ở Ukraine có tác động tiêu cực đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – nơi đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Tổng hợp lại, những cơ hội và thách thức của thế kỷ XXI đòi hỏi sự hợp tác sâu sắc hơn giữa chúng ta”. Nhằm mục tiêu củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, cuộc gặp đầu tiên trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Lý Hiển Long là gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh sự ủng hộ của Singapore đối với các lực lượng Mỹ là “mỏ neo cho sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thảo luận về khôi phục kinh tế sau đại dịch và hợp tác trong các lĩnh vực mới với Mỹ; ký kết các bản ghi nhớ và thỏa thuận liên quan. Hai bên cũng tuyên bố thiết lập đối thoại mạng Mỹ-Singapore với ý định thiết lập một “trật tự đa phương dựa trên luật lệ” trong không gian mạng. Không khó để thấy rằng Singapore hy vọng có thể ràng buộc lợi ích của Mỹ về nhiều mặt để có thêm nguồn lực chiến lược. Điều này giúp Singapore có thể đóng góp vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN.

Thứ tư, Singapore là nước duy nhất trong ASEAN thực hiện áp đặt một số biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Nga và lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng khủng hoảng Ukraine cho thấy cấu trúc thế giới đang thay đổi và cuộc chơi tăng cường giữa các cường quốc đang không ngừng bóp chết không gian chiến lược của các quốc gia nhỏ bé. Trong bối cảnh đó, Singapore nhận thấy rằng không thể tồn tại một mình, và càng ngày càng khó đi “con đường ở giữa”.

Giới quan sát cho rằng từng là thuộc địa, chính phủ Singapore có nghĩa vụ phản đối gay gắt chủ nghĩa xét lại và hành vi vi phạm các quy tắc quốc tế về chủ quyền. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm sâu sắc thêm mối quan ngại của Singapore về sự tồn tại và phát triển của các nước nhỏ trong hệ thống quốc tế. Việc Singapore áp đặt biện pháp trừng phạt Moskva và Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Mỹ một tháng sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine là dấu hiệu cho thấy Singapore đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ mật thiết với Mỹ với hy vọng có được nhiều sự hỗ trợ hơn trong lĩnh vực an ninh. Giới phân tích cho rằng chính quyền Biden hoan nghênh Singapore lên án mạnh mẽ cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine càng khiến cho đất nước nhỏ bé này có một vị thế ngày càng quan trọng làm cầu nối giữa Mỹ và ASEAN, giúp Washington thúc đẩy các chiến lược trong khu vực nói chung và trên hồ sơ Biển Đông nói riêng. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng về mặt kinh tế, Singapore là nguồn vốn nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ ở châu Á; và Mỹ là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Singapore. Hai bên đã ký một bản ghi nhớ vào ngày 29/3/2022 về mở rộng hợp tác song phương trong việc phát triển cơ sở hạ tầng sâu rộng, bao gồm cơ sở hạ tầng sạch và bền vững, một vấn đề mà các nước ASEAN hết sức quan tâm để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tham gia nhiều hơn nữa vào các vấn đề khu vực trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới