Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sựTQ đã đi trước Mỹ trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở...

TQ đã đi trước Mỹ trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương?

Hiện nay, Mỹ được cho là đang tụt lại phía sau Trung Quốc rất nhiều trên khía cạnh tranh giành ảnh hưởng tại hàng loạt đảo quốc vùng Nam Thái Bình Dương.

Tàu Trung Quốc tại cảng ở Suva, thủ đô Fiji.

Ở một đầu của thủ đô Suva của đảo quốc Fiji, có một cây cầu được xây lại bằng các khoản cho vay của Trung Quốc. Công trình được khai trương với sự có mặt của thủ tướng Fiji bên cạnh đại sứ Trung Quốc tại nước này. Ở đầu còn lại của Suva, con đường phía trước đại sứ quán mới của Trung Quốc được sửa sang bởi các công nhân mặc đồ mang tên của một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

“Thế trận chắc chắn của Trung Quốc”

Tám năm sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Fiji và hứa hẹn với các đảo quốc Thái Bình Dương về “con tàu tốc hành phát triển của Trung Quốc”, Bắc Kinh hiện đã cắm rễ chắc chắn ở đây, khiến Mỹ ở vào thế phải bám đuổi.

Trên toàn khu vực Thái Bình Dương, các kế hoạch của Trung Quốc ngày càng trở nên tham vọng, dễ thấy và khó chia cắt. Trung Quốc không còn thăm dò cơ hội ở chuỗi đảo từng đóng vai trò quan trọng đối với Nhật Bản trước Thế chiến II. Trung Quốc giờ đây đang nỗ lực tìm cách gắn kết cả khu vực rộng lớn này bằng các thỏa thuận cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với đất đai, vùng biển và cơ sở hạ tầng số của khu vực này, với các hứa hẹn về phát triển, học bổng và đào tạo.

Một loạt tài liệu rò rỉ gần đây đã cho thấy rõ hơn lợi ích của Trung Quốc ở khu vực các đảo Thái Bình Dương. Các quốc gia trong khu vực này có quyền tài phán đối với một vùng đại dương có diện tích gấp 3 lần nước Mỹ lục địa. Các tàu cá của Trung Quốc giờ có thể đi giữa hàng chục ngàn đảo, tiếp cận các nguồn lợi thủy sản, đồng thời có thể chia sẻ thông tin về việc di chuyển của hải quân Mỹ.

Trung Quốc có kinh nghiệm trong tiếp cận các quốc gia có dân số nhỏ và nhu cầu lớn về phát triển.

Tại Quần đảo Solomon, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã ký các thỏa thuận mới.

Hình ảnh tương phản với Mỹ

Đối với nhiều nhà quan sát, Nam Thái Bình Dương ngày nay chứng kiến sự suy giảm của Mỹ.

Nhiều sân bay và bệnh viện vẫn đang được sử dụng ở Thái Bình Dương là do Mỹ và đồng minh xây trong Thế chiến II. Tại một số cơ sở như thế, vẫn còn các tấm biển tưởng niệm được đặt ở các góc khuất nhưng phần nhiều cơ sở hạ tầng của những nơi này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Vào tháng 2/2022, ông Anthony Blinken đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên trong 36 năm thăm Fiji. Tại đây, ông Blinken sẽ mở lại đại sứ quán trên Quần đảo Solomon và tham gia nhiều hơn vào các vấn đề như đánh bắt cá bất hợp pháp và biến đổi khí hậu.

Quyền Thủ tướng Fiji vào lúc đó – Aiyaz Sayed-Khaiyum, đã gọi đây là sự trở lại của Mỹ và là một “cam kết triết lý rất mạnh”.

Ngoại trưởng Blinken thừa nhận gần đây rằng “Trung Quốc là đất nước duy nhất vừa có ý định hình thành lại trật tự thế giới, vừa có sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được điều đó”.

Từ đó, ông Blinken hứa hẹn rằng Mỹ sẽ “hình thành môi trường chiến lược quanh Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế mở và mang tính bao trùm”.

Tuy nhiên tại khu vực Thái Bình Dương, tầm nhìn đó đã đến chậm. Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã mất hơn một năm để công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đã vậy, chiến lược này lại rất mỏng về các chi tiết cụ thể và chỉ nặng về câu chữ.

Ngay cả chuyện Mỹ mở lại đại sứ quán tại Quần đảo Solomon cũng kém ấn tượng, khi mà cơ quan này ban đầu sẽ dùng văn phòng cho thuê với 2 nhân viên Mỹ và 5 nhân viên người địa phương.

Điều này hoàn toàn tương phản với sự hiện diện của Trung Quốc.

Một thí dụ tiêu biểu là Đại sứ quán Trung Quốc ở đảo quốc Fiji nằm ở trung tâm thành phố, có đầy đủ quan chức nói tiếng Anh giỏi và thường xuất hiện trên truyền thông địa phương.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ nằm trên sườn đồi cách xa trung tâm thủ đô Suva. Cơ quan này phụ trách cả 5 nước (Fiji, Kiribati, Nauru, Tonga và Tuvalu) chứ không có đại sứ chuyên trách.

Joseph Veramu – một cựu tư vấn viên Liên Hợp Quốc ở Fiji, cho biết ông từng mời các quan chức Đại sứ quán Mỹ tới một số sự kiện trong các năm gần đây nhưng họa hoằn mới có một dịp là họ tới, đã vậy, quan chức Mỹ không nói gì nhiều và từ chối chụp ảnh.

Trong bối cảnh Mỹ – Trung không ngừng tìm cách gia tăng ảnh hưởng như vậy, nhiều đảo quốc Thái Bình Dương đã bày tỏ rõ quan điểm không hoan nghênh một kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn nữa. Thủ lĩnh phe đối lập tại Solomon, Mathew Wales, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi không muốn làm cỏ bị đàn voi giẫm đạp lên”.

Cái mà các nước này mong muốn là sự tương tác liên tục và hoạt động xây dựng năng lực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới