Các nhà nghiên cứu Na Uy đã xác định 5 nhân tố có thể cản trở Ukraine nhanh chóng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập EU vào 28/2, 4 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc này trong Hội nghị Thượng đỉnh của khối ngày 23 – 24/6. Sự ủng hộ của tất cả 27 thành viên là điều kiện để việc kết nạp Ukraine được thông qua.
Để gia nhập EU, một quốc gia phải có “một nền dân chủ toàn diện, quy định luật pháp và thị trường tự do”, Jarle Trondal, một chuyên gia về EU và là giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Oslo và Agder cho hay. Tuy nhiên, thậm chí trước khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra, Ukraine đã là một quốc gia bất ổn.
Trở ngại đầu tiên trên lộ trình Ukraine gia nhập EU là tình trạng tham nhũng diện rộng, Jorn Holm-Hansen, một chuyên gia về Ukraine, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học Oslo nhận định. Ông giải thích, đối với vấn đề này, tình hình ở Ukraine thậm chí còn tồi tệ hơn những quốc gia tham nhũng nhất EU. Theo Chỉ số Nhận thức tham nhũng, số điểm của Ukraine năm 2021 đã giảm 1 điểm so với năm 2020 và hiện là 32 trên thang điểm 100. Bulgaria – quốc gia tham nhũng nhất EU có số điểm là 42.
Những vấn đề về quy định luật pháp và dân chủ là lý do thứ hai giải thích tại sao Ukraine không thể nhanh chóng gia nhập EU, chuyên gia Holm-Hansen đánh giá. Chỉ số Dân chủ do Cơ quan Tình báo Kinh tế thu thập xếp Ukraine vào “chế độ hỗn hợp”. Định nghĩa này áp dụng với những quốc gia thường xảy ra gian lận bầu cử, sức ép chính trị với đảng đối lập, các tòa án thiếu độc lập và các nhân tố khác cản trở Ukraine được coi là một nền dân chủ toàn diện,
“Những tập đoàn lớn có sự kiểm soát lớn về kinh tế và chính trị”, nhà quan sát Holm-Hansen nhận định khi nói về trở ngại thứ ba trên con đường gia nhập EU của Ukraine.
Trở ngại thứ tư của Kiev được nêu ra là “đói nghèo, chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc”.
“Mức lương trung bình ở Ukraine thấp hơn một nửa so với quốc gia nghèo nhất EU là Bulgaria”, ông Holm-Hansen cho hay. Trong khi đó, nhà phân tích Trondal cho rằng, tình trạng bất ổn do 8 năm căng thẳng với Nga và cuộc xung đột hiện nay khiến triển vọng Ukraine gia nhập EU là điều “bất khả thi về mặt chính trị”.
Lý do cuối cùng khiến Ukraine phải chờ đợi một thời gian để gia nhập EU là do lập trường của một số quốc gia EU, trong đó có Đức. Berlin cho rằng việc Ukraine nhanh chóng gia nhập EU sẽ không công bằng cho những ứng viên khác như Bắc Macedonia và Montenegro, những quốc gia cũng chờ đợi nhiều năm để gia nhập liên minh này.
Sau khi nộp đơn xin gia nhập EU, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi quá trình thông qua ngay lập tức để nước này trở thành thành viên của liên minh.
“Nếu không có các bạn, Ukraine sẽ bị xóa sổ”, nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định với Tổng thống Zelensky rằng quan điểm của EU về việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ chỉ mất một vài tuần thay vì nhiều năm.
Tuy nhiên, một số quốc gia EU khác đã tuyên bố rõ, quá trình kết nạp Ukraine sẽ mất một thời gian dài. Bộ trưởng Các vấn đề EU của Áo Karoline Edtstadler dự đoán Ukraine sẽ chưa thể gia nhập liên minh trong 5 – 10 năm tới.
Hồi tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất Ukraine có thể trở thành một phần của “cộng đồng chính trị châu Âu”, đồng thời cho rằng quá trình Ukraine gia nhập EU sẽ mất hàng năm nếu không muốn nói là hàng thập kỷ. Tổng thống Zelensky đã bác bỏ ý tưởng này, khẳng định Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay thế nào đối với tư cách thành viên đầy đủ của EU.
T.P