Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBất đồng chồng chất khi phương Tây tìm hồi kết cho cuộc...

Bất đồng chồng chất khi phương Tây tìm hồi kết cho cuộc chiến ở Ukraine

Các quốc gia phương Tây đã tập hợp nhanh chóng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, song sau hơn 3 tháng chiến tranh, liên minh đang nảy sinh ngày càng nhiều rạn nứt.

Binh lính Ukraine sử dụng lựu pháo M777 ở khu vực Donbass.

Phương Tây chia rẽ ngày càng sâu sắc

Các nước phương Tây đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi về cuộc chiến ở Ukraine. Liệu đàm phán hay cô lập Tổng thống Putin là lựa chọn tốt hơn? Liệu Kiev nên nhượng bộ để chấm dứt cuộc chiến này hay chiến đấu với Nga đến cùng? Liệu việc tăng cường các lệnh trừng phạt Nga có hiệu quả hay chỉ khiến phương Tây “gậy ông đập lưng ông”?

Giữa bối cảnh các chính phủ phương Tây quay cuồng giải quyết tình trạng lạm phát và giá năng lượng leo thang, các quốc gia như Hungary và Italy đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhanh chóng. Điều này có thể tạo điều kiện để thu hẹp quy mô các lệnh trừng phạt Nga và chấm dứt phong tỏa các cảng biển Ukraine – vốn đang khiến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ở những quốc gia nghèo nhất thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, Ukraine, Ba Lan và các nước vùng Baltic cho rằng, Nga không đáng tin cậy, đồng thời nhận định, lệnh ngừng bắn có thể khiến Nga củng cố những thành quả đạt được, tái tổ chức lực lượng và tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn.

Nga đã “lan truyền những đánh giá rằng đây sẽ là một cuộc chiến tiêu hao, chúng ta sẽ ngồi vào bàn đàm phán và tìm kiếm sự nhất trí”, một quan chức cấp cao Ukraine bình luận.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nói ông muốn Nga “bị suy yếu”, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, Ukraine không được chấp nhận một thỏa thuận hòa bình tồi và Kiev “phải chiến thắng”.

Đức và Pháp vẫn giữ lập trường mơ hồ khi tuyên bố sẽ ngăn chặn Nga giành chiến thắng thay vì đánh bại Moscow, đồng thời ủng hộ những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới.

Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, cho rằng điều đó là cần thiết để loại bỏ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm và phi quân sự hóa Ukraine.

Moscow cũng cho rằng sự ủng hộ quân sự của Mỹ và đồng minh cho Ukraine chỉ khiến chiến tranh kéo dài và cản trở Ukraine bước vào các cuộc đàm phán hòa bình. Hồi tháng 3, điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine dừng các hành động quân sự, thay đổi Hiến pháp để trở thành quốc gia trung lập, thừa nhận Crimea thuộc Nga, cũng như công nhận các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát là các nước độc lập như những điều kiện để đạt được thỏa thuận hòa bình.

Sự chia rẽ trong lòng phương Tây ngày càng sâu sắc khi các biện pháp trừng phạt và chiến tranh tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, làm dấy lên phản ứng dữ dội trong nước và thậm chí đang làm lợi cho Nga.

“Tình hình sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn qua thời gian, khi mà sự mệt mỏi vì chiến tranh lớn dần”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas bình luận trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN.

Nhượng bộ lãnh thổ để tìm kiếm hòa bình?

Tổng thống Macron cảnh báo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đều không nên “làm bẽ mặt Nga”. Giống như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp vẫn duy trì các kênh đối thoại với điện Kremlin, điều khiến cho các quốc gia có lập trường cứng rắn hơn không hài lòng.

Ông Scholz cho biết những cuộc điện đàm của ông và Tổng thống Pháp với Tổng thống Putin được tiến hành nhằm truyền đạt những thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ, cũng như nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không thể chấm dứt chiến tranh trừ khi Moscow rút quân và chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có thể chấp nhận được với Ukraine.

Tuy nhiên, một trong những thành viên trong đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Đức đã bày tỏ sự lo ngại về cách dùng từ của Tổng thống Pháp Macron. Một số nhà ngoại giao Pháp cũng kín đáo thể hiện thái độ thận trọng trước lập trường của ông Macron khi cho rằng điều đó có thể khiến Paris xa cách Ukraine và những đồng minh Đông Âu khác.

Trong khi bày tỏ cảm kích trước sự hỗ trợ của phương Tây thì Ukraine đã bác bỏ những đề nghị cho rằng nước này nên nhượng bộ lãnh thổ như một phần trong thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời đặt câu hỏi về sự đoàn kết của các nước phương Tây.

Cảnh báo của Tổng thống Macron về việc không nên làm bẽ mặt Nga khiến Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bình luận rằng điều đó cho thấy Pháp chỉ đang làm bẽ mặt chính mình. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Kiev và Thủ tướng Đức hiện cũng không mấy nồng ấm.

Một quan chức Pháp đã giải thích rằng “trong những phát ngôn của Tổng thống Pháp, không có hàm ý gì liên quan đến việc phải nhượng bộ Nga hay Tổng thống Putin”. Pháp muốn Ukraine giành chiến thắng và các vùng lãnh thổ của Ukraine được khôi phục, quan chức này cho hay.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, dù phương Tây sẵn sàng “trả giá” để tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine, nhưng Kiev sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ với Moscow để chấm dứt xung đột hiện tại.

Ông Stoltenberg không đề xuất Ukraine nên chấp nhận những điều khoản nào mà chỉ nói rằng “những người trả giá cao nhất sẽ đưa ra quyết định”, trong khi NATO và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để “củng cố vị thế của họ” khi một thỏa thuận cuối cùng được đàm phán.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định với Reuters rằng, Mỹ đang hợp tác cùng các đồng minh về những vấn đề liên quan đến Ukraine như trừng phạt Nga hay vận chuyển vũ khí cho Ukraine. Mục tiêu của việc này, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ đặt Ukraine ở vị thế mạnh mẽ trong quá trình đàm phán.

Hay nỗ lực làm suy yếu Nga?

Nói về những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Austin, một quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng Washington không có ý định thay đổi chế độ ở Nga mà muốn quốc gia này bị suy yếu đến mức không thể tiến hành một cuộc tấn công như những gì xảy ra ở Ukraine.

“Mọi người đều tập trung vào phần đầu của những gì ông Austin nói chứ không tập trung vào phần sau. Chúng tôi muốn chứng kiến Nga suy yếu đến mức không thể tiến hành những điều tương tự vậy một lần nữa”, quan chức trên bình luận.

Một nguồn tin trong chính phủ Đức thì cho rằng mục tiêu làm suy yếu Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một điều khó hiểu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lại ủng hộ mục tiêu trên. Nguồn tin này cho rằng, điều đó đã làm phức tạp thêm câu hỏi liệu các lệnh trừng phạt có nên được dỡ bỏ hay không, bất kể Ukraine có chấp nhận thỏa thuận hòa bình hay không.

Các nguồn tin trong chính phủ Đức cũng cho rằng họ lo ngại một số lập trường ở phương Tây có thể khuyến khích Ukraine đặt ra những mục tiêu quân sự thiếu thực tế, trong đó có việc giành lại Bán đảo Crimea, được sáp nhập vào Nga năm 2014, đồng thời khiến xung đột kéo dài.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/6 đã tuyên bố sẽ “giải phóng” Crimea và các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định, các lệnh trừng phạt phải được duy trì cho tới khi quân đội Nga rút khỏi Crimea.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Đức đã chỉ trích nước này chậm trễ trong việc chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine mặc dù Berlin đưa ra những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine – ông Mykhailo Podolyak đã bày tỏ sự thất vọng của Ukraine khi viết trên Twitter ngày 31/5 rằng, phương Tây không muốn Nga chiến thắng nhưng lại không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Phương Tây muốn Tổng thống Putin thất bại nhưng lại không áp thêm các lệnh trừng phạt mới và trong khi hàng triệu người bị đói thì phương Tây lại không sẵn sàng cho các đoàn xe quân sự vận chuyển lúa mì.

“Giá cả tăng cao không phải điều tồi tệ nhất đang chờ đợi một thế giới dân chủ với chính sách như vậy”, quan chức Ukraine bình luận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới