Sau một vài ngày tạm dừng ngắn ngủi, Bắc Kinh đã tái khởi động quy trình xét nghiệm COVID-19 hàng loạt.
Một đợt bùng phát các ca nhiễm COVID-19 liên quan đến một hộp đêm đã khiến thành phố này rút lại quyết định trước đó nhằm nới lỏng các hạn chế, đưa thủ đô nước này vào thế ‘phong tỏa một phần’ trong hơn một tháng.
Tính đến ngày 13/06, quận Triều Dương đông dân cư đang tiến hành ba đợt xét nghiệm cho 3.5 triệu dân của quận. Quận Phong Đài lân cận cũng đang bắt đầu đợt sàng lọc bắt buộc trong ba ngày đối với những người sống trong các khu vực được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các quan chức Bắc Kinh cho biết các biện pháp hạn chế mới được đưa ra do một loạt các ca nhiễm gần đây tập trung quanh một quán bar mở xuyên đêm nổi tiếng có tên là Heaven Supermarket. Quán này mới mở cửa hoạt động trở lại cách đây chưa đầy bốn ngày.
Các quan chức cho biết sau khi một người đàn ông đến quán bar nói trên hai lần trong hai ngày có kết quả dương tính với COVID-19 hôm 09/06, các ca nhiễm liên quan đến địa điểm này đã được ghi nhận tại 14 trong số 16 quận của Bắc Kinh.
Kênh thông tấn nhà nước Beijing Evening News đưa tin, hơn 10,000 người đã được xác định là có tiếp xúc gần với những khách hàng tới dùng dịch vụ của quán bar này. Khu dân cư mà những người này sinh sống hiện đang bị phong tỏa.
Ông Mạnh Duệ, Phó chủ tịch quận Triều Dương, nơi quán bar này tọa lạc, cho biết trong cuộc họp giao ban ngày 13/06, “Đợt bùng phát mới nhất này rất nghiêm trọng và khó ngăn chặn”.
Hôm 12/06 đã ghi nhận tổng cộng 228 ca nhiễm liên quan đến hộp đêm này. Hơn 80% trong số họ là các khách quen của quán bar. Số còn lại là nhân viên hoặc những người đã từng tiếp xúc với khách hàng.
Tuy nhiên, số liệu chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc đã bị người dân và các chuyên gia hoài nghi. Họ chỉ ra lịch sử báo cáo thấp [số liệu] và che đậy thông tin về các đợt bùng phát toàn quốc của Bắc Kinh.
Trong khi các quốc gia phương Tây nới lỏng các hạn chế về COVID-19, và chọn cách sống chung với virus, thì chính quyền Trung Quốc vẫn quyết tâm xóa sổ hoàn toàn sự lây truyền giữa các cộng đồng. Chính sách zero COVID vốn dựa vào việc xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa dài ngày, và cách ly tập trung những người nào có nguy cơ nhiễm bệnh, đã khiến các thành phố của Trung Quốc gặp bế tắc trong chu kỳ phong tỏa và mở cửa trở lại.
Những đợt phong tỏa-mở cửa lặp đi lặp lại này đã gây áp lực lớn lên nền kinh tế đất nước và làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng, họ ngày càng cảm thấy chán ngán với những hạn chế di chuyển vô thời hạn và các đợt xét nghiệm bắt buộc.
Việc khôi phục các biện pháp hạn chế COVID-19 ở các thành phố lớn, chẳng hạn như Thượng Hải và Bắc Kinh, cho thấy khả năng trở lại cuộc sống bình thường khó khăn ra sao. Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, vừa mới trở lại cuộc sống bình thường hôm 01/06 sau một đợt phong tỏa kéo dài hai tháng, đã ra lệnh tiến hành một đợt xét nghiệm sàng lọc bắt buộc mới, bắt đầu từ ngày 11/06 ở toàn bộ thành phố, ngoại trừ một quận trong số 16 quận của thành phố này.
Tại Bắc Kinh, dịch vụ ăn uống tại nhà hàng đã được phép hoạt động trở lại hôm 06/06 sau một tháng thực hiện các quy định hạn chế COVID-19 như giam người dân ở trong nhà và đóng cửa các cửa hàng.
Vậy mà chưa đầy bốn ngày sau, các quan chức đã đóng cửa trở lại các quán rượu, các quán cà phê internet, và các tiệm karaoke ở quận Triều Dương, theo một tuyên bố ngày 09/06 từ Phòng Văn hóa và Du lịch của quận này, sau ca nhiễm đầu tiên liên quan đến quán Heaven Supermarket Bar.
Quán bar này nằm trong khu Tam Lý Đồn, một khu vực nổi tiếng với cuộc sống về đêm và các trung tâm mua sắm. Kể từ đó, toàn bộ khu vực này đã bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Tờ Reuters trích dẫn một nguồn tin ẩn danh trong chính quyền địa phương cho hay, một số khách hàng và nhân viên phải ở lại trong quán Heaven Supermarket Bar trong thời gian tiến hành xét nghiệm.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, cư dân bày tỏ sự thất vọng của họ về việc tái áp đặt các hạn chế. Một số người đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của chính sách zero COVID của Bắc Kinh, vì phần lớn các ca nhiễm mới chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không xuất hiện triệu chứng.
“Tôi không biết quãng thời gian vô lý này sẽ được ghi chép lại trong lịch sử như thế nào. … Nhiều người đang lãng phí nguồn tài nguyên xã hội to lớn để làm một việc vô nghĩa”, một người dùng viết trên Weibo, một nền tảng giống như Twitter, khi đề cập đến chính sách zero COVID.
“Tiếp nữa là gì đây, tiếp tục đóng cửa hay sao? Sao mà mọi người có thể sống được đây? Mọi thứ thì ngừng hoạt động, còn các khoản thế chấp thì có ngừng hay không? … Còn tiền thuê nhà thì sao?” một người dùng khác cho biết.
“Hiện giờ, điều tôi sợ không phải là COVID-19, mà là các biện pháp hạn chế”, một người dùng thứ ba nói.
T.P