Tuesday, November 19, 2024

Tự vả miệng

Màn đấu khẩu mới về eo biển Đài Loan giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang hồi nóng bỏng. Từ cuộc võ miệng này, ngược thời gian mới thấy: Bắc Kinh “tiền hậu bất nhất”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou

Câu chuyện nóng trở lại từ ngày ngày 13/6 với việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng nước này “có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan”. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Thật là một tuyên bố sai lầm khi một số quốc gia gọi eo biển Đài Loan là ‘vùng biển quốc tế’ để tìm cớ thao túng các vấn đề liên quan đến Đài Loan và đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

“Một số quốc gia” trong lời ông Uông Văn Bân ám chỉ ai? Sao không ông Uông không huỵch toẹt, mà phải né tránh?

Câu hỏi chính đáng, nhưng thực ra, câu trả lời gần như đã có: Là Mỹ – quốc gia lâu nay vẫn phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc, nhân danh “tự do hàng hải” cho tàu ra vào eo biển Đài Loan như chỗ không người bất kể lúc nào. Ngoài Mỹ, là các đồng minh, trong đó, Úc là cái tên không thể thiếu.

Còn tại sao không đích danh? Ngoại giao vốn thế, hay “vòng vo Tam Quốc”, nhất là khi đối tượng thuộc hàng rắn mặt “không phải dạng vừa đâu” như Mỹ. Cũng chẳng khác mấy nhiều tình huống ngược lại: Mỹ tức Trung Quốc tới tận cổ, vẫn phải cố nuốt hận tìm một cách chuyển tải thông điệp đối kháng một cách mềm dẻo hơn.

Đáp lại tuyên bố của Bắc Kinh, là bên liên quan trực tiếp, ngày 14/6, Đài Bắc lập tức cho bà Joanne Ou – người đồng cấp của ông Uông Văn Bân – tái khẳng định với cánh báo chí quốc tế rằng: “Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, và các vùng biển bên ngoài lãnh hải của chúng tôi tuân theo nguyên tắc ‘tự do trên biển’ của luật pháp quốc tế”.

Thậm chí, nữ phát ngôn viên này còn thẳng thừng chỉ trích lời ông Uông Văn Bân là “ngụy biện”.

Cho mình là bậc “nam nhi”, Uông Văn Bân có thể dụng “phép thắng lợi tinh thần” của văn hào Lỗ Tấn quê nhà để không thèm chấp, không phí thời gian đôi co với đàn bà (bà Ou) đanh đá, lắm lời. Dẫu vậy, hẳn ông Uông không thể không lộn tiết trước việc bà Ou lên mặt “nữ nhi” bồi thêm: “Chúng tôi hiểu và ủng hộ sự đóng góp của các sứ mệnh tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”.

Đến mức này thì quá lắm, chịu sao nổi việc Đài Loan cậy thế Mỹ, kêu gọi tàu Mỹ cứ nghênh ngang nữa như lâu này mà làm.

Cuộc đấu khẩu giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ còn kéo dài. Sẽ chẳng bên nào chấp nhận cái lý của bên kia. Như những lần trước, khi câu chuyện được hâm nóng, người ta lại lật lại, không xa thì gần, những vấn đề liên quan, để xem xét, đánh giá.

Khác các lần khác, công việc đó do các nhà nghiên cứu chính trị, nghiên cứu quốc tế thực hiện. Lần này, nó được thực hiện bởi Bloomberg – một công ty khổng lồ Mỹ về tài chính, dữ liệu và truyền thông.

Theo đó, Bloomberg đã chỉ ra rằng: năm 2017, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) từng khẳng định: “Eo biển Đài Loan là tuyến đường biển quốc tế giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục”.

Tưởng bắt quả tang thì Bắc Kinh sẽ im miệng?

Còn lâu. Sự tham lam luôn khiến họ bất chấp mọi sự, kể cả việc tự “vả miệng mình”. Liên quan câu chuyện này, để khẳng định chủ quyền, phát ngôn viên họ Uông đã không ngần ngại dẫn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), ra vẻ mình là một thành viên trách nhiệm lắm. Nhưng cũng Bắc Kinh chứ ai, cách đây 6 năm, đã sỗ sàng ném vào sọt Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông).

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới